Công ty Cổ phần Cao Su Tân Biên (UpCOM: RTB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần đạt gần 235 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 29% lên 35,8%.
Kỳ này, chi phí tài chính giảm 39,5% do lãi vay giảm, song doanh thu tài chính tăng 89% lên gần 9 tỷ đồng do lãi chênh lệch tỉ giá phát sinh trong kỳ tăng 4,18 tỷ đồng. Chi phí bán hàng đi ngang trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16%.
Kết quả, doanh nghiệp thu về 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 2,5 lần so với thực hiện năm trước. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 63 tỷ đồng, tăng 71,5%.
Giải trình từ phía Cao su Tân Biên cho biết, nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do tình hình kinh tế phục hồi, sản lượng cao su tiêu thụ tăng cao, từ đó làm cho giá vốn trên tấn sản phẩm mủ cao su giảm so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, Cao Su Tân Biên có phát sinh thu nhập khác chủ yếu từ thanh lý cây cao su thu về gần 41 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý này, Cao Su Tân Biên có 2.812 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 1% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 16,2%, đạt mức 309 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn tăng gần 30% đạt 22 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 5,5% lên 203 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, công ty giảm nợ vay ngắn hạn từ 59,1 tỷ đồng xuống còn 24,4 tỷ đồng; giảm vay dài hạn 3% còn 323 tỷ đồng. Tổng nợ vay giảm 11,5%, chỉ bằng 1/7 so với vốn chủ sở hữu.
Theo báo cáo thường niên 2021, Cao su Tân Biên đã đặt kế hoạch kinh doanh 2022 cho công ty mẹ với tổng doanh thu dự kiến đạt 524 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 116 tỷ đồng giảm 34% so với thực hiện 2021. Cổ tức dự kiến tối thiểu ở mức 5%.
Về kết quả kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp cao su này ghi nhận doanh thu 892 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 339 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 50% so với thực hiện năm 2020.
Theo dự báo Hiệp hội Cao su Việt Nam, triển vọng nhu cầu về cao su thiên nhiên của thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Việc mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đánh giá, xuất khẩu cao su có thể tiếp tục hưởng lợi về giá trước những diễn biến thuận lợi của thị trường thế giới. Mục tiêu của Việt Nam năm nay là xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 3,5 tỷ USD.