Cao tăng thuyết giảng làm gì trước khi chết để được tái sinh cõi trên

Cao tăng thuyết giảng làm gì trước khi chết để được tái sinh cõi trên

Thứ 6, 11/10/2013 16:15

Ngay khi còn sống, con người đã mang trong mình sự chết, vì thế mà con người sẽ phải chết. Chết là một kết thúc của ta trong cuộc sống này, và mọi cái ta sở hữu cũng đều chấm dứt.

'Chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại'

Thật là một tư tưởng cay đắng cho những ai chỉ biết vui hưởng của cải trần gian, nhưng lại là một viễn tượng đáng khát vọng cho những người sống cơ cực. Sự chết nhắc nhở ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắt khe đó, người ta dễ có một nhận định sầu thảm đôi khi sinh ra một thất vọng chán chường.

Thiền++ - Cao tăng thuyết giảng làm gì trước khi chết để được tái sinh cõi trên

Đức Đạt lai Lạt ma - lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng

Tuy nhiên sự khôn ngoan chân thực thì vượt xa nhận định ấy khi nhận biết thân phận mình nằm trong vòng tay Chúa Trời. Điều đó giúp ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Chết - giải thoát khỏi nhà tù thân xác

Về phương diện triết lý, mỗi trường phái triết học có một ý niệm về sự chết khác nhau tùy theo nhân loại học của họ: Các thuyết duy vật đều quan niệm cái chết là một hiện tượng tự nhiên, thuộc quy luật sinh lý, tức là việc tiêu tan các yếu tố lý hóa đã khiến cho thân thể sống động.

 Lập trường của các sinh-hoạt-thuyết (Vitalisme) chấp nhận một nguyên tắc sinh hoạt không có bản ngã. Họ cho rằng, chết là cái nguyên tắc đó trở về với nguyên tắc sinh hoạt của vũ trụ. Chẳng hạn, Bà-la-môn giáo cho rằng, chết là trở về với Brahman, tức là hồn của vũ trụ. Mạnh Tử cũng cho rằng, chết là hợp nhất với vũ trụ. Còn Hégel cho rằng, chết là tan mất trong tinh thần tuyệt đối.

Theo Nhị nguyên thuyết xuất phát từ Platon, cho rằng chết là linh hồn được giải thoát khỏi nhà tù thân xác.

Triết hiện sinh vô thần thì coi cái chết cũng vô lý như sự sống vậy (J. Sartre).

 Có những chủ thuyết khác tránh né vấn đề sự chết, chỉ lo sống thôi. Tránh né cũng là hình thức lo sợ, không dám tìm hiểu, không dám đả động đến. Riêng Trang Tử coi cái sống và cái chết là lẽ tự nhiên, bình thường và bình đẳng, nên ông chẳng xao xuyến gì trước cái chết, thản nhiên ra vào cuộc đời: “Bậc chân nhân không ham sống, không sợ chết, vào không vui, ra không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi”. Đối với ông, sống chết cũng giống như chuyện Được Mất, mà Được là thời, Mất là thuận. “Thuận Thiên giả tồn”, cứ theo ý Trời thì chẳng phải lo sợ gì.

Trong Phật giáo, chết được dùng để chỉ sự sinh diệt, thăng trầm của tất cả các hiện tượng, các Pháp. Trong bộ luận Thanh tịnh đạo, vị Đại luận sư Phật Âm (buddhaghosa) diễn tả như sau:

“Theo chân lý tuyệt đối thì chúng sinh chỉ  hiện hữu trong một thời gian rất ngắn, một thời gian ngắn như một khoảnh khắc của nhận thức (một ý niệm, Sát - na). Như một bánh xe, trong khi đang lăn cũng như đang đứng yên, chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất. Như thế, chúng sinh chỉ sống trong một khoảnh khắc của một nhận thức. Nhận thức này (ý niệm) mất đi thì chúng sinh đó chết”. 

Làm sao để tái sinh trong cõi cao hơn?

Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 thường thuyết giảng về khoảng thời gian cận tử và nêu rất rõ những hiện tượng mà các Du - già sư uyên thâm đều tự chứng được. Ông bảo rằng, trong khi thiền định (khoảng 3-4 tiếng), ông bước qua lại ngưỡng cửa sinh tử 6-7 lần với mục đích trau dồi kinh nghiệm để chinh phục được cửa ải quan trọng này. Ông trình bày như sau:

“Con người chết với một trong ba tâm trạng: thiện, ác và trung tính. Trong trường hợp đầu thì người chết chú tâm đến một đối tượng thiện tính... và vì thế tự tạo cho mình một tâm trạng đầy niềm tin sâu thẳm, khiến người ấy phát lòng từ, bi, hỉ, xả vô lượng. Người này chỉ có thể thực hiện những đức hạnh nêu trên khi họ đã từng trau dồi chúng trong lúc còn sống. Nếu trước khi chết mà người ta có thể phát khởi những tâm trạng thiện trên thì một sự tái sinh hạnh phúc hơn được xem như là chắc chắn.

Nhưng cũng có lúc thân quyến làm xao động tâm trạng của người sắp chết và vô tình làm cho người ấy khởi tâm sân hận. Có khi thân quyến hội họp xung quanh, khóc lóc than thở làm cho người ấy quyến luyến, tham ái. 

Nếu người ấy chết với một trong hai tâm trạng trên, thì đó là một mối nguy lớn. (Bài tham khảo: Trạng thái tốt lành, điều kỳ diệu vào lúc hấp hối).

Cũng có người chết với một tâm trạng trung tính, nghĩa là không thiện không ác. Trong mọi trường hợp thì tâm trạng trước khi chết rất quan trọng. Ngay cả một người đã có chút ít tiến triển trên con đường tu tập cũng có thể không tự chủ, để tâm tán loạn trước khi chết, khiến cho tham, sân, si nổi lên. Nguyên nhân là những Nghiệp (karma), những Chủng tử (bīja) đã được tích luỹ từ lâu; chúng chỉ chờ đợi những điều kiện thuận lợi để phát hỏa.. Như vậy người chết sẽ bị tái sinh trong ba ác đạo: Súc sinh, Ngạ quỷ và Địa ngục...Tuy vậy, người nào bình thường chỉ biết làm những việc ác nhưng chết với một tâm trạng thiện lành không còn mê chấp nữa, thì có thể tái sinh trong một môi trường hạnh phúc hơn...

Cứ bình thường thì các tâm trạng và lối sống của một người là yếu tố quyết định trong giờ phút chết. Vì thế mà trước khi chết, những tư tưởng đã đi sâu vào cốt tuỷ của con người là tâm trạng chính, là yếu tố chính quyết định sự tái sinh như thế nào…".

"Điều trọng yếu là vào lúc hấp hối, tâm phải ở trong một trạng thái tốt lành. Nó là cơ may cuối cùng mà chúng ta có, và là một dịp may không nên bị bỏ qua. Mặc dù chúng ta có thể sống một cuộc đời rất xấu xa, nhưng vào lúc hấp hối ta nên làm một nỗ lực vĩ đại để nuôi dưỡng một trạng thái đức hạnh (an bình) trong tâm. Nếu chúng ta có thể phát triển một lòng bi mẫn hết sức mạnh mẽ và tràn đầy năng lực vào lúc chết, thì có hy vọng rằng ở đời sau chúng ta sẽ tái sinh trong một đời sống thuận lợi. Nói chung, sự quen thuộc đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Khi bệnh nhân sắp chết thì việc để cho người hấp hối cảm thấy ham muốn hay oán giận là điều bất hạnh".

Đạt lai Lạt Ma

> Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khải Đơn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.