Có dịp trò chuyện với võ sư Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo, mới thấy rằng, tâm, trí, minh đưa con người đến thành công từ những điều tưởng như đã quen thuộc.
Nhất dương chỉ không phải là điều gì xa lạ khi đã quá nổi tiếng trong truyền thuyết của ông Kim Dung. Thế nhưng để hiểu sâu về nhất dương chỉ và tập luyện được lại là một vấn đề khác. Nhưng với võ sư Nguyễn Văn Thắng, “ai đi đều sẽ đến, ai luyện sẽ thành, luyện Nhất dương chỉ, một thứ công phu đặc dị cần phải có sức chịu đựng tốt, trải qua nhiều gian khổ”. Võ sư Nguyễn Văn Thắng chính là người đã luyện thành công nhất dương chỉ - người có thể điều khiển một ngón tay làm nên những điều kỳ diệu.
Người ta bảo “ngũ chỉ thâu đào” tức là luyện 5 ngón tay để cầm, vồ, nắm, giật, làm sao chỉ qua một cái giật có thể đứt cuống họng đối phương, giật ở đâu là gây nguy hiểm ở đấy. “Tứ chỉ dương hầu” tức là luyện 4 ngón tay, ngón cái đặt vào dùng thiết kình chưởng xỉa một phát thủng cuống hầu. “Tam chỉ thần ưng” nghĩa là như con chim ưng vồ mồi, bổ vào đâu thì chỗ ấy khổ. “Nhị chỉ thua châu” là dùng 2 ngón để móc mắt, móc ở các hố tự nhiên trên cơ thể. “Nhất chỉ” là điểm huyệt. Lâu nay, ông cha chúng ta đã luyện, không có gì lạ, nhưng thời gian đã khiến nó bị thất truyền.
Võ sư Nguyễn Văn Thắng tự nhận mình là người có nhân duyên để sư tổ hướng cho luyện tập từ bé và cố gắng giữ được tuyệt chiêu nhất dương chỉ.
Qua chia sẻ của võ sư Nguyễn Văn Thắng được biết, nhiều người có thể luyện cả thân thể, cho đá đè lên người, có thể vận lực để gậy gộc đánh khắp cơ thể. Còn với nhất dương chỉ, vận vào bàn tay, rồi vận vào một ngón tay để công lực trụ ở ngón tay không hề đơn giản. "Muốn đưa năng lượng cả cơ thể về một điểm rất nhỏ là đầu ngón tay phải có sự hiểu biết nhuần nhuyễn về năng lượng, kình lạc sâu sắc mới làm được”, võ sư Thắng nói.
Khi không thể đua sức mạnh bên ngoài thì phải dùng nội lực bên trong. Nếu cương với cương như gỗ với sắt thì cả 2 cái đều cứng, gỗ phải gãy. “Đây là bài học nhớ đời. Nội lực, nội công có nghĩa là con người bé nhỏ, tu được, chịu được sự tác động của đối phương mà không chết. Không tấn công, tiêu diệt đối phương nhưng nếu đối phương có tấn công thì mình không chết.
Luyện nhất dương chỉ không phải luyện cái gì ghê gớm mà luyện sức mạnh của nội tâm, nội khí. Khi tôi đã luyện thành nhất dương chỉ, tức là rất có thể luyện thành các công phu khác. Nếu đã luyện thành công nhất dương chỉ thì cả bàn tay 10 ngón phải luyện thành rồi. Luyện một ngón nhất dương chỉ cũng là luyện cho sức mạnh của cả bàn tay. Muốn tiêu diệt được đối phương thì phải có bàn tay mạnh. Luyện cả bàn tay là nội lực, nội khí phát ra rất mạnh", võ sư Thắng cho hay.
"Tôi luyện nhất dương chỉ cũng không phải để đưa ra khoe mẽ. Nhất dương chỉ không là gì cả, nó điểm vào mắt mù mắt, điểm huyệt đạo, đối phương tê liệt, nhưng không phải lúc nào người ta cũng đứng yên cho mình điểm đâu”, võ sơ Thắng nhấn mạnh.
"Mục đích luyện Nhất dương chỉ thành công của tôi cũng là luyện nội lực, trí tuệ, tâm đạo trong chính con người mình, luyện để mình dũng mãnh trong cuộc đời chứ không luyện vì sự hơn người”, võ sư Thắng nói.
Những ý niệm học võ, dạy võ rất nhân văn của võ sư Nguyễn Văn Thắng khiến cho nhiều người rất thán phục. Võ học không chỉ là dùng hành động, là sự đấm đá đơn thuần mà nó chứa đựng trong đó cả những đạo lý cơ bản, giúp con người sống người hơn.