Với gia tài đồ sộ gồm hơn một ngàn bức tranh lụa, sơn dầu, thủy mặc, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã thổi vào làng hội họa Việt Nam những gam màu riêng, không dễ lẫn với bất kỳ ai. Mỗi tác phẩm được tạo bởi đôi bàn tay tài hoa ấy đều kết tinh những cảm xúc chân thật về con người và quê hương đất nước mà bà có dịp đi qua.
Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm
Không bịa đặt theo trí tưởng tượng
Sinh ra trên mảnh đất thành phố nhỏ, sóng vỗ ngã ba sông, nơi thành phố Mỹ Tho đã ghi vào lòng biết bao nhiêu kỷ niệm, nên tâm hồn bà dường như cũng trở nên phóng khoáng. Bà có cái may mắn hạnh phúc hơn những đứa trẻ cùng thời là không phải lam lũ mưu sinh mà thừa hưởng trọn vẹn cái thú vẽ tranh và tính cách nghệ sĩ ở cha. Ngay từ thuở bé, bà đã say sưa khám phá những bức tranh do cha sáng tác và bà luôn tỏ ra có năng khiếu, đặc biệt với bộ môn nghệ thuật này. Khi rảnh rỗi, bà thường cầm cọ vẽ vời những thứ ngô nghê cho riêng mình. Càng thích thú mê say, lòng bà lại càng nung nấu ước mơ làm họa sĩ.
Năm 19 tuổi, bà chọn thi vào Khoa Hội họa của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là Trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM) và trở thành một trong 16 thí sinh được trúng tuyển vào trường. Với bản tính siêng năng, ham học hỏi nên đến năm 1959, bà đã tốt nghiệp và đoạt ngôi vị thủ khoa khóa Sư phạm hội họa. Nhận được tấm bằng trong tay, bà trở về quê và tham gia giảng dạy ở Trường Nữ trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho). Không lâu sau đó, bà yên bề gia thất với một người chung nghề, cùng lý tưởng họa sĩ Nguyễn Long Sơn. Và cũng bắt đầu từ đây, bà xem hội họa như một thứ duyên nghiệp mà ông trời đã hào phóng ban tặng cho mình.
Không phải ngẫu nhiên họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trở thành một tên tuổi lớn trong làng tranh lụa Việt Nam đã có được thành quả như hôm nay là cả một hành trình sáng tạo hăng say, không mệt mỏi. Từ những năm tháng còn ngồi trên ghế giảng đường, ngoài việc chuyên tâm nghiên cứu, bà đã bắt đầu dành thời gian cho những chuyến đi thực tế. Quan niệm người họa sĩ là nhân chứng của thời cuộc và giá trị thực sự của một bức tranh không chỉ nằm ở sự độc đáo mà còn phải mang đến cho người xem cảm xúc gần gũi, yêu thương. Không hư cấu, bịa đặt theo trí tưởng tượng, bà vẽ chân thật bằng chính đôi mắt và trái tim mình. Mỗi bức tranh đối với bà là một món quà lưu niệm về cái nơi mình được đặt chân đến, được trải lòng với thiên nhiên và cuộc sống.
Đi và vẽ trở thành một phần tất yếu trong đời sống của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm. Ở đâu có phong cảnh là ở đó ghi dấu những chuyến đi đầy ắp kỷ niệm của bà. Dấu chân bà in đậm trên mọi nẻo đường quê hương đất nước, từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau, để rồi thể hiện khá chi tiết và sâu sắc cái hồn của làng quê Việt. Người xem bắt gặp trong tranh bà cái hồn hậu, trữ tình, nhẹ nhàng và sâu lắng, đó là hình ảnh của sông Hoài, phố Hội, cánh cò, bờ đê, con đò, bến nước… Cảnh người đi trên phố, tàn cây trước sân trường, một ngôi nhà mới mọc vào tranh bà cũng rất đỗi tự nhiên, ngập tràn hơi thở của cuộc sống.
Một tác phẩm hoa sen của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm
Ru dịu tâm hồn
Vẽ chân thật là vậy, song họa sĩ Tâm không sao chép một cách khô khan, sáo rỗng mà thi vị hóa cảnh vật trong tranh nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn. Bà chia sẻ: "Tôi vẽ trực tiếp với thiên nhiên nhưng không sao chép nó. Trong tranh, tôi loại bỏ bớt những chi tiết rườm rà. Tôi muốn người xem tranh của tôi có được cái cảm giác thư giãn, tâm hồn được êm dịu".
Dù là ở thể loại tranh sơn dầu, hay tranh lụa thì những nét vẽ của bà vẫn mềm mại, mượt mà trên nền trắng tinh khôi. Trắng mà không ảm đạm, nhạt nhòa, chuyển tải được chiều sâu triết lý cũng như tâm hồn của người nghệ sĩ. Nó gần như trở thành một điểm nhấn độc đáo trong phong cách sáng tác và góp phần nên sự thành công của nữ họa sĩ tài hoa. Chia sẻ về lý do vì sao chọn tông màu nền màu trắng, bà nói: "Chân lý trong tranh của tôi là loại bỏ tất cả những màu sắc không quá cần thiết, chỉ giữ lại phần cốt lõi để tạo ra một sự giản dị về hình thể và màu sắc. Màu trên vạn vật được xóa mờ đến trắng như lạc vào cõi thiền và bức tranh được tinh khiết, thanh cao trong sự bề bộn của xung quanh".
Ở tuổi xưa nay hiếm, đáng ra phải được nghỉ ngơi, để vui cùng con cháu thì dòng máu nghệ thuật vẫn cuồn cuộn chảy trong tâm khảm nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm. Lòng bà vẫn đầy ắp cảm xúc sáng tạo và những dự án nghệ thuật. Với ước mơ ấp ủ từ lâu, tháng 10/2011 họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã mở một cuộc triển lãm với tên gọi Thì thầm với sen để kỷ niệm 75 năm tuổi đời và 55 tuổi nghề, cùng lời nhắn nhủ bản thân phải biết giữ lại sự lắng dịu, thanh thản của tâm hồn bên cuộc sống ồn ào thường nhật.
Không chỉ vẽ với trái tim chân thành, Nguyễn Thị Tâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Không ít lần, bà cùng với những học trò, đồng nghiệp của mình triển lãm bán tranh gây quỹ cứu trợ đồng bào lũ lụt, giúp đỡ trẻ em tàn tật, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Bà còn tham gia đóng góp nhiều dự án có ý nghĩa như trùng tu phố cổ Hội An, bởi bà hiểu đó cũng là cách lưu giữ hồn dân tộc và những giá trị của một thời vang bóng.
Xứng danh "cao thủ tranh lụa" Đồng hành cùng tháng năm miệt mài sáng tác, những bức tranh cũng theo bà rong ruổi khắp nơi, xuất hiện trong nhiều triển lãm hội họa của thế giới. Tính đến nay bà đã tham dự khoảng 18 cuộc triển lãm về tranh lụa cá nhân ở nước ngoài như: Pháp, Đức, Mỹ, Thụy Sĩ, Thái Lan, Bỉ, Trung Quốc, Campuchia gần 100 cuộc triển lãm cá nhân và tập thể ở trong nước. Hiện tại, tranh của bà được lưu giữ ở nhiều nơi như: Bảo tàng Vatican (Italia), Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, Bảo tàng Hội An, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Ngoài ra, bà còn vinh dự được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người vẽ tranh lụa nhiều nhất. |
Thế Quyết - Hà Hưng