Sau khi phản ánh về việc hàng loạt taluy bị sạt lở, nứt gãy từ Km127 – Km178 trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, PV đã liên hệ với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – chủ đầu tư công trình để tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như hướng khắc phục, đảm bảo sự an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC cho biết, hiện tổng công ty đã nắm được tình hình và khẩn trương tiến hành các biện pháp khắc phục. Theo ông Chung, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mái taluy bị sạt lở, nứt gãy là do thời gian qua khu vực phía Tây Bắc nhất là Yên Bái gặp thời tiết bất lợi mưa lớn kéo dài.
Về kinh phí sửa chữa, ông Chung cho rằng cần phải xem xét nguyên nhân cụ thể, đoạn nào do thiên tai, đoạn nào do nhà thầu. Nếu còn trong thời gian bảo hành thì trách nhiệm sẽ thuộc về nhà thầu.
Ông Đào Quang Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án các tuyến cao tốc phía Bắc thông tin, gói thầu sớm nhất đưa vào khai thác và bắt đầu tính thời gian bảo hành của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai là gói thầu A1, ngày 27/12/2013. Gói thầu muộn nhất đưa vào khai thác sử dụng là gói thầu A4, A5 là ngày 21/9/2014. Tất cả các gói thầu đều có thời gian bảo hành là 2 năm.
Về việc khắc phục những điểm taluy bị sạt, nứt, gãy theo ông Tuấn do hai đơn vị Công ty CP Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) và Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) phụ trách.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, đại diện VEC O&M cho biết, do địa hình miền núi cùng với mưa lớn kéo dài nên không thể tránh được hiện tượng sạt lở.
Lý giải về 20 hố chôn cọc tôn lượn sóng tại km127+350 đào đã lâu thậm chí cỏ đã mọc xanh mà chưa được xử lý, đại diện VEC O&M cho biết: “Có một số lý do nhà thầu chưa thi công được, về sau chuyển sang hình thức thi công cọc đóng, đó cũng là việc rất nhỏ chúng tôi sẽ sớm triển khai lấp lại".
Theo ông Phạm Thái Long – Phó Giám đốc VECS, đơn vị đã huy động lực lượng duy tu bảo dưỡng chụp ảnh và đưa ra giải pháp, chỗ nào có thể tiếp tục sạt trượt sẽ cho xử lý phần mái cho thoải ra thêm, còn trước mắt sẽ cho máy móc xúc dọn đảm bảo hoạt động giao thông bình thường.
Về một số đoạn đã tiến hành sửa chữa nhưng lại bị sạt lở trở lại, ông Long cho rằng do địa chất đất đá xen kẹp nên khi mưa khiến đất trôi đi dẫn đến tình trạng sạt lở. Muốn giải quyết dứt điểm cần cơ quan thiết kế nghiên cứu để có những lực lượng am hiểu hơn về lĩnh vực thiết kế và địa chất xử lý.
Ông Long cũng cho biết thêm, trong đoạn VECS quản lý hầu hết các nhà thầu đã hết thời gian bảo hành.
Về nguồn kinh phí để sửa chữa, ông Long cho hay với những hạng mục nhỏ thì nằm trong nguồn kinh phí quản lý khai thác hàng năm tổng công ty đã duyệt, còn nếu chi phí phát sinh quá lớn phải lập dự toán trình tổng công ty.
Cả hai đại diện VEC O&M và VECS đều cho rằng những vị trí taluy bị sạt lở và nứt gãy chỉ rất nhỏ và không gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, dọc tuyến đường từ Km127 – Km178 có rất nhiều điểm taluy sạt lở và nứt gãy thậm chí tràn xuống làn đường dừng khẩn cấp, có đoạn sạt lở cả trăm mét, do vậy rất cần các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương giải quyết nếu không sẽ tiềm ẩn nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường.
Thiên Di