Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai có tổng chiều dài 245km với tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ USD được đưa vào khai thác từ tháng 9/2014. Tuy nhiên dọc tuyến đường này đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, nứt gãy taluy gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường.
Cánh tài xế đi trên con đường này dễ nhận thấy từ Km127 – Km178 nhiều điểm taluy bị sạt lở, đất đá lởm chởm tràn xuống mặt đường dừng khẩn cấp và được cảnh báo bởi những đoạn dây mỏng manh.
Không những vậy, có điểm gần 20 hố chôn cọc tôn lượn sóng đào đã lâu, cỏ mọc xanh qua thời gian gặp nước mưa đang có dấu hiệu xói mòn.
Không chỉ vậy, có đoạn còn bị lún vồng luống khoai khoảng 1,5cm, tiềm ẩm nguy hiểm cho các phương tiện khi lưu thông ở tốc độ 80 – 100km/giờ.
Theo một kỹ sư cầu đường, nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở taluy trên tuyến đường này có thể do từ khâu khảo sát địa chất chưa chính xác nên khó đưa ra thiết kế chuẩn cho từng vị trí và quan trọng hơn là cách thức thi công có đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mà dự án đưa ra hay không? Kèm theo một số yếu tố khác như vật liệu đắp taluy không đạt hoăc phần xử lý thoát nước bề mặt kém nên khi gặp mưa gây ra sạt lở mái taluy.
Hồi tháng 6/2016 cũng xảy ra sạt lở một số vị trí cục bộ trên mái taluy tại vị trí từ Km190+960 đến Km191+040 (dài 80m trong tổng số chiều dài 500m của Gói thầu A7) trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, VEC cho rằng nguyên nhân có thể do mưa lớn kéo dài dài kết hợp với địa chất nền có đá phong hóa và đã tiến hành khắc phục.
Sau một năm, tuyến đường này lại có thêm nhiều điểm sạt lở, nứt gãy mặc dù bằng mắt thường sẽ dễ dàng thấy có cả đoạn trước đó đã từng sửa chữa như vết thương chưa kịp lành đã tiếp tục thêm những vết thương khác.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (giai đoạn 1) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư, được khởi công ngày 25/4/2009 và thông xe đưa vào khai thác toàn tuyến ngày 21/9/2014. Dự án có chiều dài là 245km, điểm đầu Km0-80 (giao với đường nối dài của đường cao tốc Nội Bài- Hạ Long với Quốc lộ 2 tại Km0+450), điểm cuối tại Km244+570 (vị trí đấu nối với đường Trần Hưng Đạo (QL4E đoạn Lào Cai- Cam Đường)). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 30.132 tỷ đồng (1.464 triệu USD). Tính đến thời điểm hiện tại, đây là dự án đường bộ cao tốc có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng chiều dài 245km, đi qua 5 tỉnh/thành phố (TP. Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai). Toàn tuyến có 10 trạm thu phí và mức phí được tính là 1.500 đồng mỗi km đường. Mức phí với từng loại xe từ 300.000 – 1.200.000 đồng/lượt. Được biết, VEC là chủ đầu tư của 5 dự án cao tốc có tổng chiều dài 550km, tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng. |
Thiên Di – Hoa Liên