Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ do Bộ làm chủ quản đầu tư cũng như đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả sau đầu tư xây dựng.
Ngày 23/8, ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi Bộ trưởng Bộ GTVT liên quan đến tình trạng ngập cục bộ tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo đó, xét báo cáo ngày 16/8 của Bộ GTVT về tình trạng ngập cục bộ tại km25+369-km25+469, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý triệt để, không để lặp lại tình trạng tương tự tại dự án này cũng như các dự án khác.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ do bộ làm chủ quản đầu tư cũng như đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả sau đầu tư xây dựng.
Trước đó, từ ngày 27 đến 29/7 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là trong đêm 28/7. Đến khoảng 4h30 ngày 29/7, tại lý trình Km25+419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa phận xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) xảy ra ngập nước.
Điểm ngập sâu nhất chiều cao khoảng 70cm, khiến xe cộ không lưu thông được theo cả hai chiều, gây ùn tắc giao thông khoảng 10km.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, kết quả kiểm tra, đánh giá của tư vấn thiết kế kỹ thuật Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 và tư vấn giám sát liên danh TEDI - VJEC tại vị trí ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở km 25+419 ngày 30/7 cho thấy:
Hiện tượng ngập úng cục bộ tại phạm vi km25+369 đến km25+469 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nguyên nhân bắt nguồn từ việc nước ở sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống tại km25+419, dẫn đến nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường, gây ngập úng cục bộ.
Cống tại km25+419 thiết kế với khẩu độ (2,5 x 2,5m), được bố trí để thoát nước lưu vực từ trái tuyến qua phía phải tuyến và đổ về dòng chảy tự nhiên dẫn ra sông Phan.
Rà soát lưu vực thực tế và bảng tính toán thủy văn có thể khẳng định khẩu độ thiết kế cống đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía trái tuyến cao tốc (phạm vi từ km25+100 đến km25+900).
Về nguyên nhân nước sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống km25+419, đơn vị tư vấn thiết kế đánh giá từ ngày 26 đến 29/7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung, khu vực xã sông Phan và các khu vực lân cận dự án liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là đêm 28/7, rạng sáng 29/7.