TTXVN đưa tin, chiều 11/5, thông tin từ Vùng 4 Hải quân cho biết, các y, bác sĩ trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vừa cấp cứu thành công cho một ngư dân bị giảm áp do lặn biển.
Theo đó, lúc 15h30, ngày 10/5, Bệnh xá đảo Song Tử Tây tiếp nhận ngư dân Trương Đình Đậm, sinh năm 1987, là thuyền viên trên tàu cá QNg 95068 TS (quê xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) do ông Võ Út cùng quê làm thuyền trưởng.
Trước đó, lúc 4h ngày 10/5 ngư dân Trương Đình Đậm lặn sâu khoảng 20 m dưới biển. Sau một giờ lặn, khi ngoi lên mặt nước, ngư dân này xuất hiện tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn.
Trước tình huống nguy hiểm trên biển, lại ở rất xa đất liền, các thuyền viên trên tàu cá quyết định đưa ngư dân Trương Đình Đậm vào cấp cứu tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây.
Theo VOV, qua thăm khám, các y, bác sĩ nhận định ngư dân Đậm bị giảm áp do lặn sâu, các y, bác sĩ đã tiến hành đo huyết áp, kiểm tra tim mạch, truyền dịch Corticoid và theo dõi sát thể trạng của bệnh nhân
Đến sáng 11/5, Thượng tá Bùi Thanh Tùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, sức khỏe của ngư dân Trương Đình Đậm đã ổn định, hiện đang được bệnh xá đảo chăm sóc và điều trị.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 10/5 một thuyền viên bị tai biến nặng trên vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa đã được các chiến sĩ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) ứng cứu kịp thời, bảo toàn tính mạng.
Cụ thể, sáng ngày 11/5 báo Nhân dân đưa tin, ngày 10/5, Tàu QNa 92792 TS do ông Lê Thanh Phương (trú tại Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng khi đang hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa tại vị trí: 15050’N – 110001’E (cách đảo Tri Tôn khoảng 67 hải lý về hướng Tây) thì thuyền viên Trần Văn Cu (1968) mắc phải các triệu chứng méo miệng, co giật từng cơn, các thuyền viên trên tàu ra sức chăm sóc nhưng tình trạng bệnh của anh Cu không thuyên giảm, thuyền trưởng Phương đã liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã kết nối với Trung tâm y tế hướng dẫn sơ cứu cho thuyền viên bị bệnh, đồng thời thẩm tra yếu tố dịch tễ. Các thuyền viên trên tàu không có ai có các triệu chứng của Covid-19, không rời tàu và không tiếp xúc với người ngoài tàu trong 14 ngày đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, do hiện nay đang trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai các biện pháp phối hợp cấp cứu nạn nhân, đồng thời tuân thủ các yêu cầu của phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã ban hành. Qua quá trình tư vấn y tế từ xa, các y, bác sĩ thuộc Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng chẩn đoán bệnh nhân Trần Văn Cu bị tai biến nguy kịch, huyết áp cao và có biểu hiện của liệt nửa người, nếu không được tiếp cận y tế khẩn cấp có thể dẫn đến liệt vĩnh viễn hoặc tử vong.
Thực hiện chỉ đạo quyết liệt từ Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bằng mọi giá phải cứu sống cho thuyền viên đang nguy kịch, lúc 12h50 ngày 10/5, Trung tâm đã điều động tàu SAR 412 khẩn trương rời bến đi cứu nạn cho bệnh nhân tàu QNa 92792 TS, đi theo tàu thực hiện nhiệm vụ có một ê kíp bác sĩ chuyên khoa cùng trang thiết bị của Trung tâm 115 Đà Nẵng.
Sau nhiều giờ hành trình với tốc độ tối đa, lúc 17h5 lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã tiếp cận được tàu QNa 92792 TS cấp cứu cho bệnh nhân đồng thời triển khai các biện phòng, chống dịch bệnh. Tình trạng bệnh nhân lúc này hết sức nguy kịch, sức khỏe suy yếu do không ăn uống được, mất nhận thức. Sau khi trải qua ca cấp cứu tại chỗ, bệnh nhân được đưa lên tàu SAR 412 để được chăm sóc y tế tích cực tại phòng cách ly và khẩn trương hành trình về Đà Nẵng, bàn giao cho các cơ quan chức năng liên quan để đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân Trần Văn Cu bước đầu đã vượt qua cơn nguy kịch, hiện đã được chuyển về bệnh viện địa phương để tiếp tục điều trị.
Quốc Tiệp (t/h)