Tình yêu vượt mọi thử thách, rào cản
Hầu hết các sáng tác của Lê Uyên Phương (nghệ danh của nhạc sĩ Lê Văn Lộc) là viết về cuộc tình của chính ông, về những trăn trở và lo lắng cho cuộc sống của hai người. Những sáng tác của Lê Uyên Phương lúc phiêu diêu, nồng nàn, thiết tha nhưng cũng có khi nức nở, đớn đau. Điều này cũng thật dễ hiểu bởi chuyện tình của Lê Uyên Phương nhiều gập ghềnh, trắc trở.
Năm 16 tuổi, cô học trò Lâm Phúc Anh được gia đình gửi lên Đà Lạt học ở trường Virgo Maria. Là thiếu nữ xinh đẹp, giàu có nên Phúc Anh được nhiều chàng trai thầm thương trộm nhớ. Thế nhưng, cô nữ sinh ấy lại si mê thầy giáo dạy Triết Lê Văn Lộc.
Khi ấy, Phúc Anh là bạn của em gái thầy giáo Lộc nên họ thường xuyên gặp nhau. Cách biệt 11 tuổi khiến thấy giáo Lộc trở thành “cái thùng” để nàng chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống và không biết từ lúc nào, họ trở thành người trong mộng của nhau. Không lâu sau, vào một ngày thật đẹp trên ngọn đồi thơ mộng tại Đà Lạt, chàng đã ngỏ lời yêu nàng.
Kể về chuyện tình đẹp, ca sĩ Lê Uyên chia sẻ, bà yêu ông bởi cái tài và con người hiền lành, đạo đức. Nhưng, thứ khiến tình yêu của họ trở nên tha thiết, nồng nàn chính là bởi căn bệnh hiểm nghèo ông mắc phải (bệnh ung thư xương – PV). Cuộc tình của họ lãng mạn, ngọt ngào nhưng cũng đau đớn bởi không biết một ngày nào đó cả hai sẽ chia lìa nhau. Họ quấn quýt nhau như thành một khối từng ngày, từng giờ cũng bởi cái chết luôn ám ảnh.
Tình yêu của họ nồng nàn hơn vì căn bệnh, nhưng cũng chính căn bệnh ấy khiến tình yêu đó phải trải qua những đoạn trường nhiều khó khăn, trắc trở. Khi ấy, gia đình Phúc Anh không chấp nhận cho con gái đến với một người sống nay chết mai như thầy giáo Lộc nên chuyện tình của họ bị cấm đoán. Đôi tình nhân bị chia cắt, nàng về Sài Gòn còn chàng ở lại Đà Lạt.
Trong thời gian về lại Sài Gòn năm 1968, để được gặp mặt, họ phải ngồi suốt ngày trong nhà ga Sài Gòn. Có khi bụng đói rã rời, chỉ có mẩu bánh mì nhỏ trong bụng, ấy vậy mà họ vẫn không lìa nhau. Họ sống như thế một tháng trời.
Chính thời điểm này, nỗi đau chia ly khủng khiếp ấy khiến người nhạc sĩ tài hoa tuôn trào cảm xúc yêu thương, nhớ nhung và cho ra đời một loạt các ca khúc đẹp viết về tình yêu như: Chiều phi trường, Không nhìn nhau lần cuối, Lời gọi chân mây, Đưa người tuyệt vọng, Vũng lầy của chúng ta, Còn nắng trên đồi...
Ở Sài Gòn, Phúc Anh cũng đau đớn tột cùng để chứng minh tình yêu đích thực, cô đã từng dùng tới thuốc ngủ để được "chết" vì yêu. Còn thầy giáo cũng bị cuốn theo tiếng gọi của tình yêu, từng bỏ cả giảng đường âm thầm về Sài Gòn để gặp người tình bé nhỏ.
Tình yêu của 2 người đã vượt qua tất cả mọi thử thách, mọi rào cản và trở thành cặp vợ chồng nghệ sĩ mang giọng hát và tiếng đàn đến khắp Sài Gòn, Đà Lạt. Hình ảnh chàng nhạc sĩ với mái tóc bồng bềnh, chơi ghi-ta sánh vai với cô ca sĩ có đôi mắt như biển mộng cùng hòa giọng ngọt ngào ấm nồng đã làm nức nở triệu trái tim yêu nhạc.
Chia đôi cái tên
Năm 1969, cái tên Lê Uyên Phương được tách làm đôi Lê Uyên – Phương để trở thành nghệ danh chung của ca sĩ Lâm Phúc Anh và nhạc sĩ Lê Văn Lộc. Sau khi ghép đôi, Lê Uyên - Phương nhanh chóng nổi tiếng và trở thành cặp đôi nức tiếng của làng nhạc Việt. Thuở ấy, họ được giới trẻ Sài Gòn và Đà Lạt đặc biệt yêu thích.
Nói về thời gian ngày, ca sĩ Lê Uyên bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi may mắn được nhiều người ủng hộ chỉ sau đêm thứ hai đi hát chuyên nghiệp. Thật tình khi đến với nhau và hát cho nhau nghe, chúng tôi không nghĩ mình sẽ nổi tiếng. Cái tên Lê Uyên và Phương ra đời năm 1969 và đây cũng là năm mà tôi được anh “chia” cho nghệ danh Lê Uyên. Và một điểm nữa mà giờ tôi mới cảm nhận là cột mốc cuộc đời chúng tôi dường như gắn liền với con số 19. Sau đúng 19 đêm đi hát với 19 địa điểm, chúng tôi nổi tiếng ngay. Còn Phương (ông xã tôi) thì 19 ngày nằm trên giường bệnh, đã ra đi...”.
Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, họ bỏ lại tất cả để ra đi. Ở nơi đất khách, Lê Uyên – Phương bắt đầu từ con số 0. Năm 1985, Lê Uyên gặp tai nạn khi bà không may bị trúng đạn lạc từ một vụ thanh toán của hai băng xã hội đen.
Cái chết cận kề, 19 ngày liền bà mê man trên giường bệnh. Lúc này người túc trực duy nhất lo lắng, chăm sóc chính là người chồng - vị nhạc sĩ lãng mạn đã chia cho bà nửa nghệ danh. Chứng kiến những cơn đau đớn, chứng kiến lằn sống mong manh trong gang tấc cận kề, ông đã viết tác phẩm Cho lần cuối.
Sau lần thoát chết đó, cuộc sống cùng với những thử thách sóng gió đã khiến cuộc hôn nhân đẹp như mộng của Lê Uyên - Phương bị gián đoạn một thời gian. Họ chia xa một vài năm. Với họ, thời gian ấy chỉ là một nốt lặng trong bản nhạc mà Lê Uyên - Phương đã cùng hòa tấu trước cuộc đời.
Thế nên, sau quãng thời gian chông chênh, họ lại trở về bên nhau, lại hạnh phúc, lại yêu thương như thuở ban đầu cho đến khi người nhạc sĩ tài năng ấy ra đi. Sau khi chồng mất, Lê Uyên cô đơn và yếu đuối trước nỗi đau quá lớn, có những lúc bà yếu đuối, chới với tìm tới thuốc ngủ để mong được "chết bên nhau thật là hồn nhiên" như bài hát Dạ khúc cho tình nhân mà người bạn đời đã viết.
“Lúc anh mất, tôi đã chuẩn bị thuốc ngủ để theo anh. Tôi khóc từ sáng đến đêm khuya, ngày nào cũng khóc và ngay khi tôi định tìm đến cái chết bởi quá tuyệt vọng thì tôi cảm nhận được có điều gì đó từ anh không muốn tôi như vậy. Có thể anh đã xui khiến một người bạn gọi đến cho tôi. Tôi còn nhớ rất rõ đó là ngày thứ 50 anh mất. Tôi không ngờ người bạn ấy có thể nói được những lời mà trước đây anh từng nói với tôi: “Nếu như nhạc của anh không có mình (anh không gọi tôi bằng em mà gọi là mình) thì không biết phải làm sao. Mình không thể khóc hoài như vậy, mình phải sống và có bổn phận gìn giữ, đưa âm nhạc của anh thăng hoa”", ca sĩ Lê Uyên tâm sự.
Đã 19 năm kể từ ngày chồng mất, Lê Uyên vẫn thấy ông dường như còn đâu đây. Bà vẫn thấy ông hiện hữu trong cuộc sống của mình theo một cách nào đó. Giờ đây, bà sẽ gánh thêm phần của ông để duy trì sức sống cho cái tên Lê Uyên – Phương. Lê Uyên – Phương sẽ không bao giờ cách xa nhau, lúc nào cũng gắn bó, quấn quýt. Ngay cả khi một trong hai không còn trên dương thế, tình yêu của họ vẫn nồng nàn, vẫn ngọt ngào khiến người ta phải ngưỡng mộ.
Nguồn: Tổng hợp