Cấp giấy "thông hành khống": Cần ngăn chặn, xử lý nghiêm

Cấp giấy "thông hành khống": Cần ngăn chặn, xử lý nghiêm

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 4, 21/07/2021 08:58

Trước việc Giám đốc Hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận cấp giấy "thông hành khống" cho con, Luật sư cho rằng đây là việc nguy hiểm cho xã hội, cần xử lý nghiêm.

Mới đây, con gái của ông Giám đốc hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận Nguyễn Đăng Thanh đã xin cha ký giấy thông hành - loại giấy để chứng minh việc ra đường là hợp lý, tránh việc bị lực lượng chức năng xử phạt. Mặc dù cô này không phải là thành viên hợp tác xã, không thể được cấp giấy xác nhận nhưng ông Thanh vẫn ký cấp cho con gái và cho cả con rể. Sự việc bị phát hiện khi con gái ông khoe lên mạng xã hội.

Góc nhìn luật gia - Cấp giấy 'thông hành khống': Cần ngăn chặn, xử lý nghiêm

Mẫu giấy xác nhận thành viên HTX Môi trường Phú Nhuận do ông Nguyễn Đăng Thanh in và đóng dấu sẵn phát cho xã viên (ảnh internet).

Phân tích dưới góc độ pháp lý về những hành vi nêu trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, thạc sĩ – luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc công ty Luật TNHH TGS (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì con gái của ông Giám đốc hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận có thể bị xử phạt về hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, với mức phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu trường hợp người này dùng giấy thông hành đi ra ngoài đường mà làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với mức phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 – 12 năm tù giam (theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

Góc nhìn luật gia - Cấp giấy 'thông hành khống': Cần ngăn chặn, xử lý nghiêm (Hình 2).

Luật sư Nguyễn Đức Hùng.

Đối với người đại diện của Hợp tác xã “xác nhận khống” Giấy xác nhận thì tùy theo tính chất, mức độ có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi: “Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch”, với mức phạt từ 30 – 40 triệu đồng, theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Ngoài việc bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính thì người cấp giấy “xác nhận khống” hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong trường hợp người được cấp giấy “thông hành khống” đi ra đường làm lây lan dịch bệnh cho xã hội. Khi đó, người cấp giấy “xác nhận khống” có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh: “Đối với những hành vi trên, cần có biện pháp xử lý nghiêm để làm bài học cho người dân. Các cơ quan chức năng trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý hình sự.

Các hành vi vi phạm nêu trên ít phổ biến nhưng cũng đã xảy ra trong thời gian gần đây. Căn cứ Chỉ thị 16, theo đó, nếu người dân cố tình ra đường mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 – 3 triệu đồng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Đối với hành vi đưa tin sai, không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội, đối với cá nhân có thể bị xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Góc nhìn luật gia - Cấp giấy 'thông hành khống': Cần ngăn chặn, xử lý nghiêm (Hình 3).

Dòng trạng thái con gái ông Thanh (Giám đốc hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận) đăng tải trên mạng.

Bện cạnh đó, luật sư Hùng cho biết, lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện tốt chức trách được giao, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng; quán triệt cho từng cán bộ, nhân viên nghiêm chỉnh chấp hành. Việc lợi dụng, lạm quyền cấp khống giấy thông hành rất đáng lên án và cần phải bị xử lý nghiêm.

Vị luật sư cũng đưa ra khuyến cáo, mọi người đều có vai trò trong việc làm giảm và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Do đó, mỗi người dân cần phải có ý thức nâng cao tinh thần chống dịch, thực hiệm nghiêm các Chỉ thị của Nhà nước và khuyến cáo của bộ Y tế đề ra.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình, người dân cần có nhận thức đúng đắn trước các thông tin về tình hình Covid-19 trên mạng xã hội, tránh tâm lý hoang mang trước các thông tin giả mạo và tiếp tay cho các thành phần lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, chống phá Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, người dân cũng cần phải lên án mạnh mẽ, phát hiện và tố giác kịp thời tới cơ quan chức năng trước những trường hợp không thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch như tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, hoặc những trường hợp đưa ra các thông tin giả mạo,… để kịp thời ngăn chặn và xử lý trước khi để lại hậu quả nghiêm trọng. Cần có sự phối hợp, đồng lòng giữa người dân và Nhà nước trong tình hình hiện nay để sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 ra khỏi đất nước, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Bích-Hường

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.