Cặp lộc bình hình rồng được làm bằng chất liệu đặc biệt

Cặp lộc bình hình rồng được làm bằng chất liệu đặc biệt

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Mỗi lần đi ngang qua máy dàn sóng các tông, anh Hàn Quốc Định (nhân viên công ty cổ phần Đông Á) không thể rời mắt trước những sóng giấy lặp lại đều đặn mà không hề nhàm chán. Bỗng dưng nhen nhóm trong anh ý tưởng làm điều gì đó thật đặc biệt từ chính nguyên liệu "cây nhà lá vườn".

Biểu tượng linh vật mang lại may mắn

Ngày cuối tuần, xếp lại những lo toan công việc và gia đình, ở một góc nhỏ căn nhà, anh Định dồn hết tâm huyết để hoàn thành cặp lộc bình cực lớn, được tạo thành từ những sóng giấy các tông, với hoa văn hình rồng thời Lý sống động. Một chiếc đã xong, chiếc còn lại đang làm dang dở. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn anh tỉ mỉ cắt cắt, dán dán từng mẩu giấy nhỏ xíu để tạo thành những chiếc vẩy rồng. Hàng ngàn mẩu giấy lớn nhỏ, hình dạng khác nhau đã tạo nên con rồng vàng dài đến 4,1m uy vũ, sống động uốn khúc quanh thân chiếc lộc bình.

Hình ảnh con rồng biểu tượng cho sức mạnh và uy lực, linh vật mang lại may mắn này có ý nghĩa rất lớn đối với người đàn ông tuổi Giáp Thìn (SN 1964) này. Họa sĩ Hàn Quốc Định tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài năm 1991. Theo nghề sơn mài được 2 năm, anh chuyển sang điêu khắc. Thời trẻ, anh chuyên đắp rồng cho các đình, chùa. Cho đến khi chuyển về làm chế bản tại Nhà máy bao bì Đông Á (nay là Công ty Cổ phần Đông Á) thì những đam mê tuổi trẻ gác lại cho công việc và gia đình.

Xã hội - Cặp lộc bình hình rồng được làm bằng chất liệu đặc biệt

Anh Định và cặp lộc bình đặc biệt

Bẵng đi mười mấy năm, niềm đam mê mỹ thuật tưởng chừng đã ngủ yên trong anh Định khi công việc hiện tại của anh là một nhân viên vật tư chẳng liên quan gì đến chuyên ngành từng được đào tạo. Cho đến năm ngoái, khi Công ty Cổ phần Đông Á tổ chức làm những sản phẩm bằng giấy, anh chợt nảy ý tưởng làm cặp lộc bình. Bởi anh nghĩ, nếu dùng giấy làm những vật dụng sinh hoạt thì không sử dụng được bao lâu, nhưng làm những sản phẩm trang trí thì sẽ giữ được lâu dài. Anh và một người phụ mất hơn hai tháng thức đêm cặm cụi mới hoàn thành cặp lộc bình đầu tiên cao 1,65m, với hoa văn hình rồng để chào đón năm Nhâm Thìn (2012). Mỗi chiếc nặng khoảng 30kg. Ngày 27/2/2012, Cục Bản quyền tác giả (bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã cấp chứng nhận bản quyền cho anh đối với tác phẩm hình thức thể hiện hoa văn trên lộc bình thuộc loại hình mỹ thuật ứng dụng.

Sẽ lập kỷ lục mới ?

Với kinh nghiệm từ cặp lộc bình đầu tiên, anh Định bắt tay làm cặp thứ hai lớn hơn để chuẩn bị giới thiệu tại Festival Biển 2013. Nếu cặp đầu tiên anh Định gặp khó khi tạo khối thì cặp thứ hai lại khó khi tạo đường nét hoa văn. Hoa văn hình rồng cặp đầu tiên tự do và đơn giản còn cặp lộc bình này hoa văn phức tạp hơn. Đó là hình ảnh con rồng thời Lý, mình thon mềm mại, uốn khúc hình sin tắt dần, với 3 móng tượng trưng thiên, địa, nhân; miệng ngậm minh châu, xung quanh đầu cũng có những viên minh châu biểu tượng cho sự sang trọng. "Không phải là sự cắt dán đơn thuần, khó nhất là làm sao tạo ra con rồng có hồn, sống động, vừa uy vũ vừa mềm mại, uyển chuyển. Từng chi tiết nhỏ nhất phải tạo nên cảm giác chuyển động" - anh Định chia sẻ.

Sau khi hoàn thành chi tiết, anh Định phủ lên bề mặt lớp nhũ đã được xử lý keo vàng óng ả, phần còn lại phun lên những hạt nhựa rồi phun nhũ cũng đã xử lý để vừa bảo vệ bề mặt bình giấy vừa tạo nên lớp màu thời gian như đồng thau được ô xi hóa. Nhờ thế, cặp lộc bình sẽ giữ được rất nhiều năm. Anh Định dự kiến sẽ giới thiệu tác phẩm của mình tại Festival Biển 2013. Nếu được đón nhận, anh có ý tưởng phát triển thành nghề làm lộc bình giấy.

Cặp lộc bình dự kiến lập kỉ lục lần này của anh Định gồm ba phần là miệng, thân và đế với tổng chiều cao 2,05m, mỗi chiếc nặng 40kg và có đường kính bụng rộng 1,91m. Màu sắc chủ đạo của cặp lộc bình lá màu vàng đồng, tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và giàu sang. Trên thân bình nổi bật hình ảnh con rồng thời Lý uốn lượn 7 khúc với chiều dài 4,1m biểu trưng cho vương quyền và sức mạnh. Phần miệng bình và đế bình được tác giả khéo léo đan xen hoa văn khá tinh tế với hai màu trắng, đen đính nhũ. Nhìn một cách tổng thể, chiếc bình rất hài hòa về mặt kiến trúc và để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Họa sĩ Nguyễn Hữu Bài - Chi hội trưởng Chi hội mĩ thuật Khánh Hòa nhận xét: "Trong nước mà làm với kích cỡ như thế này thì chưa ai làm. Tôi cho là đáng trân trọng. Cách làm mang tính mĩ nghệ nhưng kết hợp được với mĩ thuật. Ngôn ngữ, mô típ hoa văn rất là nghệ thuật. Đây là sản phẩm văn hóa giá trị để giới thiệu đến công chúng”.

Cũng đồng quan điểm, nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn nhận xét thêm: "Giấy là chất liệu quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Là nguồn cảm hứng sáng tác cho người nghệ sĩ, riêng anh Định dùng giấy phế thải tạo ra cặp lộc bình khiến tôi rất ngỡ ngàng, thấy độc đáo. Từ nay trong bức tranh nghệ thuật Khánh Hòa có thêm một sắc màu mới".

Hoàng Thiên Lý


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.