Đâu chỉ có nắng vàng
Thời điểm này, vùng núi cao Mù Căng Chải buổi sáng trời se lạnh, trưa và đến khoảng 4h chiều nắng hanh hao. Sự nghèo nàn, vắng lặng nơi đây khiến mỗi ai có dịp đến vùng đất này đều xót xa.
Nhiều học sinh ở huyện Mù Căng Chải vẫn hằng ngày xách cặp lồng cơm đạm bạc đi học. Từ lâu, Mù Căng Chải được nhắc đến với ruộng bậc thang, những hình ảnh lúa vàng dập dờn, sóng sánh theo từng cơn gió thổi và đẹp long lanh trong mắt của nhiếp ảnh gia, các "tín đồ phượt" miền xuôi.
Nơi đây được các "tín đồ phượt" nhắc đến như một cung đường phải đến trong cuộc đời. Và cũng theo họ, những hình ảnh nghèo đói, thiếu thốn, đặc biệt là của các em nhỏ đã ám ảnh họ.
Những đứa trẻ xách cặp lồng cơm đến trường
Từng nghe và ao ước được họ trải nghiệm, tôi cũng một lần muốn được tận mắt nhìn thấy những cung đường cua tay áo mà đi hết một cua tay là có thể nhìn toàn cảnh cả đoạn đường vừa đi qua. Cách Hà Nội gần 400km, quãng đường không quá xa nhưng những gì mà ai đã một lần qua đây sẽ nhớ mãi là thử thách ở đèo Khau Phạ, nằm giáp ranh giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Căng Chải. Đèo nằm ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Mỗi lúc đi qua một đoạn đèo, hành khách sẽ có cảm giác ù tai, đủ để thấy sự chênh lệch độ cao từ chân đèo đến đỉnh.
Giữa những con đường dốc đến hàng chục độ, bất ngờ có một lối mòn dẫn lên những ngọn núi xung quanh. Theo lý giải của chị Nguyễn Thị Huệ, một cô giáo tiểu học đi nhờ xe chúng tôi trong hành trình thâm nhập thực tế, con đường này hình thành là do dân khai thác gỗ lăn gỗ xuống đường cái chờ vận chuyển.
Cô giáo Huệ quê gốc ở Thái Bình, theo bố mẹ đi làm kinh tế mà di cư lên đây. Cô đi nhờ xe chúng tôi từ Tú Lệ lên Mù Căng Chải. Theo cô giáo Huệ thì những chuyến xe khách vào gần những ngày nghỉ lễ thường rất đông. Vì có việc xuống thị trấn Nghĩa Lộ (Yên Bái) đến khi về thì xe quá chật, cô giáo không chịu được nên xuống giữa đường.
Khi chúng tôi hỏi: "Xuống giữa đường nhỡ đến tối không bắt được xe thì sao?". Cô giáo tỏ ra kinh nghiệm và bảo: "Cứ gần những ngày cuối tuần, đứng ở đường kiểu gì cũng vẫy đi nhờ được xe của những dân phượt".
Chiếc cặp lồng một món
Chiếc cặp lồng một món
Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp mơ màng, sự hiểm trở đầy lôi cuốn đó là một cuộc sống vất vả đến tột cùng của người dân nơi đây. Tôi tạm gác lại những thảm ruộng bậc thang đầy quyến rũ, để men theo từng triền núi, chạy xe chênh vênh quanh các đỉnh đồi để đến với các em nhỏ ở Chế Cu Nha. Ở vùng núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển, những đứa trẻ đứng trong nắng chiều, lộ bụng và cả sự buồn thương...
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bắt gặp một nhóm các em học sinh lanh lẹ, xách theo những chiếc cặp lồng cơm đi học. Qua tìm hiểu tôi được biết, các em đang học tiểu học ở Chế Cu Nha (Mù Căng Chải). Thấy chúng tôi, các em cười khá hồn nhiên. Chúng tíu tít như đã quen thân từ lâu.
Chúng bảo, thi thoảng vẫn gặp các anh chị "giống" chúng tôi lên đây và được cho rất nhiều bánh kẹo và sữa. Dự trù được "tình huống" này giống như những lần đi Sapa (Lào cai), chúng tôi chia kẹo cho các em và đề nghị được khám phá cặp lồng cơm. Một cậu bé có vẻ "nhỉnh" nhất bảo: "Bữa trưa của chúng cháu đấy!".
Chiếc cặp lồng cơm vừa mở ra, chúng tôi thấy sống mũi cay cay. Không có món ăn mặn chỉ có cơm trắng và một ít rau rừng nấu không có mỡ. Các em bảo với chúng tôi đó là rau đắng. Một em tỏ ra khá "hiểu biết" bảo: "Bố mẹ cháu và bà còn toàn ăn ngô". Những chiếc cặp lồng cơm đạm bạc và bộ quần áo lấm lem, nhiều vết bùn đất chứng tỏ, các em đã trải qua một cuộc hành trình dài để đến trường.
Chị Hạng Thị Dê ở xã Cao Phạ chia sẻ: "Gia đình người Mông đều làm nhà ở lưng chừng núi, có nhà cách nhau cả quả núi nên điểm trường cách nhà cả chục km là chuyện bình thường. Trẻ con người Mông quen leo đèo, lội suối rồi. Các em phải dậy sớm, để đi bộ còn kịp giờ học". Nhìn những chiếc nồi đen không có dấu vết của dầu mỡ, chúng tôi hiểu tại sao, cặp lồng cơm của con cái họ chỉ có một món cơm trắng.
Tôi nhớ một lần được một thầy giáo từng dạy ở đây ba năm, trước khi chuyển công tác về xuôi kể về không ít lớp học mà giáo viên lớp này dạy thì giáo viên lớp khác cũng nghe thấy. Mỗi buổi sáng sớm, cả thầy và trò phải chịu cái lạnh tê tái luồn qua những khe hở giữa những tấm tôn mỏng của phòng học lắp ghép khiến các em học sinh trong những bộ quần áo phong phanh không khỏi run lên vì lạnh. Có những ngày mùa đông, nhiệt độ ở đây chỉ còn 50C nên những lớp học lắp ghép tạm bợ không thể ngăn giá rét.
Anh Nguyễn Văn Việt, thành viên của một nhóm phượt đang trải nghiệm ở Mù Căng Chải chia sẻ nỗi niềm về sự thiếu thốn của trẻ nhỏ ở đây. Trong câu chuyện của anh Việt và bạn bè thì hình ảnh của những em học sinh ở trường tiểu học Mồ Dề (xã Mồ Dề) cầm cặp lồng cơm đến rồi đổ ụp một bát nước lã vào âu cơm, ăn ngon lành, thật sự ấn tượng. Anh Việt thấy lạ, hỏi cháu làm thế để làm gì, cậu bé liền trả lời "để ăn".
Theo lời anh Việt, các em bảo bữa ăn của các em chan nước lã, không thức ăn, không mắm muối. Anh Việt bảo, từ những điều trông thấy, khi trở về Hà Nội, anh sẽ cố gắng vận động bạn bè quyên góp và tổ chức các chuyến đi lên lại nơi này. Hình ảnh chiếc cặp lồng cơm một món không chỉ khiến tôi mà bất cứ ai từng đi lên Mù Căng Chải đều thấy sống mũi cay cay.
Hoàng Mai