Theo cáo trạng của VKSND thành phố H. (tỉnh Q.), Nguyễn Thu Thắm (33 tuổi, trú tại xã B., huyện T., tỉnh Q.) sống như vợ chồng với Phạm Đức Công (32 tuổi, trú tại thành phố H., tỉnh Q.) tại một phòng trọ thuê tại phường Đ., thành phố H..
Thắm vốn làm tiếp thị rượu cho một nhãn hàng ở khu vực, không có lương và chỉ có nguồn thu nhập ít ỏi từ việc bán và giới thiệu sản phẩm. Công dù đã ngoài 30 nhưng vẫn ăn bám bố mẹ, thỉnh thoảng ngửa tay xin tiền bố mẹ để đàn đúm với đám bạn xấu.
Không có nguồn thu nhập khiến cả hai nảy sinh ý đồ lên kế hoạch lừa những người hám của lạ quan hệ tình dục với Thắm rồi Công xông vào, vờ “bắt quả tang”, rồi ép nạn nhân phải chi tiền, nếu không sẽ tố cáo ra cơ quan công an.
Thực hiện kế hoạch phạm tội của mình, qua mạng xã hội, Thắm làm quen với anh Định Quốc Đạt (32 tuổi, trú tại xã C., huyện K. tỉnh H. đang làm việc tại thành phố H. vào đầu tháng 9/2016. Qua nhiều lần nhắn tin trò chuyện, Thắm hẹn anh Đạt đến phòng chơi. Do bận nên cả hai chưa gặp được nhau. Qua trò chuyện, Thắm nói vợ chồng mâu thuẫn nên cả hai ly thân, bản thân dọn ra ngoài thuê trọ.
Trưa 10/9, khi đang ở phòng trọ thì Thắm nhận được điện thoại của anh Đạt nói sẽ mua cơm ăn cùng. Lúc này, trong phòng Thắm ngoài Công, còn có Nguyễn Thành Trung (30 tuổi, trú tại phường C., thành phố H.) là bạn của Công.
Tại đây, Công và Thắm rủ Trung tham gia phi vụ “dàn trận bắt ghen” để ép nạn nhân đưa tiền. Cả 3 thống nhất kế hoạch, sau khi nạn nhân quan hệ tình dục với Thắm, Công và Trung xông vào “bắt quả tang”, sau đó ép lấy tiền.
Sự việc sau đó diễn ra đúng như kịch bản của nhóm Công. Vừa “vui vẻ” xong, anh Đạt tá hỏa khi thấy cửa phòng mở tung. Hai gã đàn ông xông vào, vu anh Đạt đã quan hệ bất chính với vợ mình và đe dọa sẽ báo công an. Do bị nhóm Công ép và dọa nạt, anh Đạt đã phải viết giấy nợ nhóm Công 20 triệu đồng và hẹn 5 ngày sau sẽ trả đầy đủ. Trước khi để anh Đạt đi, Công giữ lại chiếc điện thoại và xe máy để làm tin.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trình báo, công an thành phố H. đã xác lập chuyên án để điều tra, và đến ngày 12/9, cơ quan công an đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Công. Cùng thời điểm này, 2 đối tượng Trung và Thắm đã đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Ngay sau đó, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 đối tượng để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Sau hơn 1 tháng điều tra, cơ quan công an đã có kết luận điều tra vụ án. Căn cứ vào tài liệu chứng cứ và kết luận của cơ quan điều tra, VKSND thành phố H. (tỉnh Q.) đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thu Thắm, Phạm Đức Công và Nguyễn Thành Trung về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 BLHS với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Ngày 18/11, TAND thành phố H. (tỉnh Q.) mở phiên toà sơ thẩm xét xử các bị cáo Thắm, Công và Trung. Thẩm phán Triệu Tiến Cường chủ tọa phiên toà. Ông Đinh Quốc Khánh, đại diện VKSND thành phố H., giữ quyền công tố. Luật sư Nguyễn Thụy Hải Hà (Đoàn luật sư tỉnh Q.) bào chữa cho các bị cáo.
VKS: Các bị cáo phạm tội có tổ chức
Để có tiền tiêu xài, Thắm và Công nghĩ ra cách lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản của người khác. Cách thức các bị sử dụng là Thắm sẽ là người chủ động liên hệ với những người đàn ông thích “của lạ” rồi mồi chài họ đến phòng để quan hệ tình dục. Lúc này, Công sẽ ập vào bắt quả tang và ép nạn nhân đưa tiền nếu không sẽ trình báo tới cơ quan công an.
Trung là đối tượng xã hội, có quen biết với Công và Thắm. Khi được Thắm và Công rủ cùng thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của nạn nhân thì Trung đồng ý tham gia giúp sức.
Kết luận điều tra đã nêu rõ, các bị cáo khai nhận đã gây ra 3 vụ cưỡng đoạt tiền trước đó cùng với thủ đoạn tương tự. VKS đánh giá, hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhóm bị cáo này là có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các bị cáo. Thắm và Công được xem là đầu vụ, Trung là đối tượng giúp sức tích cực, được chia tiền và tài sản cưỡng đoạt được ở các phi vụ trót lọt trước đó.
Tai phiên tòa công khai ngày hôm nay, bị cáo Trung cho rằng mình không phải là đồng bọn với Thắm và Công, không tham gia cưỡng đoạt tiền của các bị hại mà chỉ có mặt ở đó vì đến chơi đúng lúc, đúng thời điểm. Tuy nhiên, với chứng cứ thu thập được, qua lời khai của bị hại cũng như lời khai của Thắm và Công, VKS nhận thấy những lời nói này của Trung nhằm trốn tránh tội lỗi của mình. Nếu Trung không tham gia giúp sức, thì tại sao sau khi cưỡng đoạt tài sản được của nạn nhân, lại được 2 bị cáo kia chia cho số tiền, tài sản đã cướp được?
Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có kế hoạch, có tổ chức và lợi dụng điểm yếu của một số người. Số tài sản mà nhóm bị cáo cưỡng đoạt có giá trị gần 50 triệu đồng.
Bị cáo Thắm đã li hôn chồng, sau đó chung sống như vợ chồng với Công. Bị cáo Công vốn là đối tượng nghiện, không có công ăn việc làm ổn định. Bị cáo Trung cũng là thành phần bất hảo tại địa phương, đã có 2 tiền án và 3 tiền sự, hiện chưa được xóa án tích.
Các bị cáo có đủ nhận thức, năng lực hành vi để chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình đã gây ra. Căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo tại tòa, căn cứ vào lời khai của các nạn nhân, nhân chứng, VKSND thành phố H. nhận thấy có đủ căn cứ để truy tố các bị cáo tội Cưỡng đoạt tài sản theo điểm a (phạm tội có tổ chức) khoản 2 Điều 135 BLHS. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo 10 năm tù giam.
Luật sư bào chữa: Các bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của mình
Bị cáo Thắm và Công đã nhận ra hành vi sai trái của mình. Vì túng thiếu mà các bị cáo đã đánh mất bản thân, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các bị cáo đã khai nhận thành khẩn hành vi phạm tội của mình. Các nạn nhân cũng đã bồi thường một khoản tiền cho các nạn nhân bằng với giá trị tài sản bị cưỡng đoạt.
Đối với bị cáo Trung, ngày 10/9, Trung có đến phòng Thắm và Công chơi. Tại đây Trung được Công nhờ “sau khi ra uống nước được khoảng 15 phút thì đạp cửa xông vào phòng”. Trung không có lời nói, hay hành vi nào đe dọa ép anh Đạt phải viết giấy vay nợ và cưỡng đoạt tài sản của anh này. Đề nghị HĐXX xem xét thật khách quan về vai trò của Trung trong vụ án này.
Bị cáo Công : Bị cáo biết mình sai rồi
Bị cáo làm bị cáo chịu, việc cưỡng đoạt tài sản, lên kế hoạch phân công nhiệm vụ đều do một mình bị cáo chỉ đạo thực hiện, 2 bị cáo còn lại không liên quan. Bị cáo biết tội của mình, xin HĐXX xem xét, giảm hình phạt cho 2 bị cáo Thắm và Trung.
Bị cáo Thắm: Bị cáo chỉ nghe theo chỉ đạo của Công
Thấy việc tiếp thị rượu thu nhập chẳng được là bao nên khi nghe Công bảo có cách kiếm tiền nhanh, nhiều và an toàn nên bị cáo đã nghe theo. Bị cáo không biết như thế là vi phạm pháp luật. Giờ bị cáo biết mình sai rồi, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Trung: Bị cáo chỉ đi theo chứ không cưỡng đoạt tiền, bị cáo bị oan
Trưa 10/9, bị cáo đến phòng Công chơi. Bị cáo nghe điện thoại ở ngoài sau đó vào phòng thì Công bảo ra ngoài uống nước. Được một lúc, Công gọi điện bảo bị cáo về phòng. Tại đây, ngoài Thắm còn có 1 người đàn ông khác ở trong phòng. Sau này bị cáo mới biết anh ta tên là Đạt. Bị cáo không đe dọa, cưỡng đoạt tiền của anh Đạt. Bị cáo bị oan.
HĐXX: Lập kế bẩn hại người
Tại phiên tòa công khai ngày hôm nay, HĐXX đã nghe các bị cáo khai nhận toàn bộ quá trình gây án của mình. Tuy nhiên, bị cáo Trung cho rằng, bị cáo không cưỡng ép, dọa nạt nạn nhân Đạt. Vậy tại sao, bị cáo Thắm và Công lại khai nhận bị cáo có dùng lời nói đe dọa, có túm cổ áo anh Đạt dọa đánh vào mặt anh này?
Nạn nhân Đạt cũng khai báo, ngoài việc bị Công dọa nạt báo công an, chụp ảnh mình trong tình trạng không mặc quần áo, thì bị cáo Trung còn nhiều lần hăm dọa đánh đập, túm tay, túm cổ, túm cổ áo khiến anh Đạt sợ hãi mà phải làm theo lời Công. Những bằng chứng đó đã khẳng định, bị cáo Trung là đồng phạm, giúp sức chứ không đơn thuần là “đến chơi hay chỉ đi theo” như bị cáo đã ngụy biện.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, căn cứ lời khai nhận của bị cáo, của nhân chứng và những người liên quan, HĐXX nhận thấy có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo Thắm, Công và Trung đã phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo điểm a khoản 2 Điều 135 BLHS.
Căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định tại Điều 46, 47 BLHS, HĐXX quyết định tuyên phạt mỗi bị cáo 10 năm tù giam.
Các bị cáo và bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có 15 ngày để kháng cáo theo quy định của pháp luật.
*Phiên tòa giả định
Xuân Hòa