Hiện nay, việc rời khỏi TP.HCM đối với nhiều người đang là bài toán nan giải, vì phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Để đáp ứng nhu cầu này, TP.HCM có thêm nhiều đơn vị được bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo HCDC, khi có nhu cầu rời khỏi Thành phố, người dân cần có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính. Hiện, TP.HCM cho phép người dân đi lại trong địa phận không cần phải có “giấy thông hành” này.
Để thực hiện xét nghiệm Covid-19, người dân có thể liên hệ đến bệnh viện được xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc phòng xét nghiệm của các đơn vị được bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
Dưới đây là danh sách các bệnh viện và phòng xét nghiệm của các đơn vị tại TP.HCM được bộ Y tế cho phép, cập nhật đến 14/7.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của HCDC, kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính chỉ có tác dụng chứng nhận ở thời điểm thực hiện, do đó, nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tốt, nguy cơ trở thành F0 luôn thường trực.
Dù có kết quả xét nghiệm âm tính, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm túc theo khẩu hiệu 5K của ngành y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập tập - Khai báo y tế. Thực hiện việc này là để hạn chế lây nhiễm bệnh.
Tính từ 18h ngày 13/7 đến 6h ngày 14/7, Thành phố ghi nhận thêm 666 trường hợp nhiễm mới đã được bộ Y tế công bố vào sáng 14/7 (BN34747-BN35412). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, Thành phố có hơn 17.200 trường hợp mắc Covid-19.
Trong 666 trường hợp nhiễm mới được công bố có 458 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 208 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.
Cách ly F0 không triệu chứng tại nhà
HCDC cho biết: TP.HCM sẽ thí điểm cách ly tại nhà đối với F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 10 âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp (CT value ≥ 30) và tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Riêng F0 không triệu chứng là nhân viên y tế sẽ được cách ly tại nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống lây nhiễm, tự theo dõi, báo cáo tình trạng sức khỏe hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Đối với F1 ở vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày 7, nếu âm tính thì xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú.
HCDC nhấn mạnh: Việc áp dụng Chỉ thị 16 là điều kiện cần để tạo môi trường thuận lợi nhằm tăng cường và siết chặt các giải pháp khác, nhất là việc truy vết và tìm ra các F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.
Tận dụng 10 ngày còn lại của khoảng “thời gian vàng” này, Thành phố kêu gọi toàn thể người dân tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch để sớm đưa TP.HCM trở lại bình yên, khôi phục và phát triển kinh tế.
Dù tình huống nào xảy ra, TP.HCM luôn đặt ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết.