Tại Hà Tĩnh, từ sáng 14/10, trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã có mưa vừa đến mưa to, nhiều nơi mưa rất to; gây ngập lụt nhiều tuyến đường và chia cắt một số địa bàn ở khu vực Kỳ Anh.
Mưa lớn xảy ra tại địa bàn các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh gồm: Kỳ Lạc, Kỳ Lâm, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn... Đã có 30ha cây ngô sinh khối và hàng chục ha tràm bị đổ.
Ở địa bàn tại các thôn Lạc Thắng, Lạc Thanh, Lạc Tiến và Lạc Trung của xã Kỳ Lạc, mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều nơi, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt.
Tại xã Kỳ Lâm, nhiều cây cầu dân sinh bị xói lở nghiêm trọng.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện Kỳ Anh đã phân công cán bộ xuống địa bàn để nắm tình hình, chỉ đạo các địa phương triển khai phòng chống; thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động ở các xã vùng ven biển về nơi tránh trú an toàn, kiểm tra rà soát các vùng xung yếu ao hồ, đê đập và đặc biệt là các vùng thường xuyên ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lỡ đất để có phương án xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Khu vực nội TP Hà Tĩnh nhiều đoạn đường bị ngập sâu, tê liệt giao thông.
Tại Quảng Bình, tính đến 19h ngày 14/10, mưa lũ đã làm 3 người chết, 2 người mất tích, 9 người bị thương nặng; hàng ngàn ngôi nhà bị ngập và tốc mái, nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Nước đầu nguồn dâng cao làm ngập 230 nhà tại xã Cao Quảng và xã Mai Hoá (huyện Tuyên Hóa), 45 nhà ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), nơi ngập sâu nhất khoảng 2,5m.
Huyện Quảng Trạch bị ngập 22 nhà ở xã Phù Hóa, xã Quảng Sơn. Thị xã Ba Đồn có 600 ngôi nhà bị ngập từ 0.8 - 2 m, 100 nhà tại thôn Biểu Lệ và xã Quảng Minh bị cô lập hoàn toàn.
Nhiều gia súc của người dân bị cuốn trôi, hoa màu bị ngập úng, nhiều đoạn bị sụt lún, tắc đường như Quốc lộ 12A, km 137+800, km 123+730…
Các bản làng như Rục (Minh Hóa), Cờ Đỏ, Chăm Pu, Aki, Cà Ròng… ở Thượng Trạch (Bố Trạch) bị chia cắt hoàn toàn.
Lốc xoáy làm 26 nhà bị tốc mái tại huyện Lệ Thủy, 4 phòng của trường mầm non Võ Ninh (Quảng Ninh) và 30 nhà ở xã Vạn Trạch (Bố Trạch).
Riêng tại TP Đồng Hới, mưa to và rất to kéo dài từ ngày 13 đến 14/10 gây ngập úng trên diện rộng. Toàn bộ 16 xã, phường trong tình trạng ngập lụt. Hiện, hồ Phú Vinh đã tiến hành xả nước chống lũ mức 2.
Khu vực nội thị gồm các phường: Bắc Lý, Nam Lý, Đức Ninh Đông, Đồng Mỹ, Đồng Sơn, Hải Đình hệ thống giao thông gần như tê liệt. Tính đến chiều tối ngày 14/10, các trục đường giao thông trong TP. đều ngập sâu đến mức kỷ lục, có nơi trên 0,5m.
Nhiều đoạn đường sắt chạy qua một số huyện của tỉnh Quảng Bình cũng xảy ra hiện tượng ngập, khiến tàu không thể lưu thông.
Tại Quảng Trị, mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy đã xuất hiện tại nhiều địa bàn trong tỉnh. Theo ghi nhận, Triệu Phong và Hải Lăng là hai huyện chịu thiệt hại nặng nhất.
Huyện Triệu Phong, có hơn 210 ngôi nhà dân bị tốc mái; 6 trường học bị tốc mái; 3 người bị thương. Nhiều diện tích cây cối, rau màu của người dân trên địa bàn bị gãy đổ, hư hại. Hiện nay, nước sông An Tiêm đang lên nhanh.
Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND huyện Hải Lăng, lốc xoáy đã làm 144 ngôi nhà trên địa bàn bị tốc mái; nhiều cây cối bị ngã đổ. Một số diện tích ném, rau màu, cỏ nuôi bò… do người dân trồng để chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển bị ngập úng, có khả năng mất trắng.
Ngoài hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, mưa lớn kèm theo lốc xoáy do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và tình hình sản xuất.
Tại Thừa Thiên - Huế, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền đã gây ra nhiều thiệt hại, trong đó có 1 người chết, 1 người mất tích; nhiều nhà và trường học bị tốc mái; nhiều cây xanh đổ và bật gốc.
Ghi nhận tại huyện Phong Điền, mưa lũ khiến nhiều vùng bị chia cắt. Đến 10h sáng ngày 14/10, nước sông Ô Lâu đã lên mức báo động 3; nhiều tuyến đường bị ngập nặng.
Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Phong Điền, trên địa bàn có 186 nhà bị ngập trong nước; 75 nhà bị tốc mái; hàng trăm ha rau màu bị ngập…
Trong khi đó tại A Lưới, nhờ chủ động triển khai đồng bộ các phương án, đồng thời trên địa bàn không xảy ra gió mạnh, nên tính đến 9h sáng 14/10, toàn huyện không có thiệt hại về người, tài sản, diện tích sản xuất trong mưa bão.
Còn ở Phú Lộc, nước hồ Truồi tràn đập 1,4m. Lượng nước thượng nguồn đổ về khá nhiều nên khu vực hạ nguồn nước dâng lên 0,9m. Tuy vậy, ghi nhận tại các xã thấp trũng hạ nguồn sông Truồi vẫn chưa có lũ và ngập cục bộ.
Tình hình mưa lũ tại các tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá cũng đang diễn biến hết sức phức tạp; mực nước ở các sông nơi đây đang lên rất nhanh. Nguy cơ lũ quét, lũ ống có thể xảy ra ở khu vực các huyện miền núi.
PV báo Điện tử Người Đưa Tin hiện đang có mặt tại các điểm nóng, xung yếu về mưa lũ, để cập nhật thông tin đầy đủ đến bạn đọc.
Nhấn Ctr + F5 để cập nhật....
Sáng 14/10, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp giao ban trực tuyến với 5 tỉnh thuộc khu vực miền Trung gồm: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quãng Ngãi và Chi cục phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên, Chi cục phòng chống thiên tai miền Nam nhằm ứng phó kịp thời và hiệu quả với áp thấp và mưa lũ. Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh chịu ảnh hưởng của áp thấp và mưa lũ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ; bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến nhân dân nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa biết về tình hình áp thấp và mưa lũ để chủ động phòng tránh. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện Công điện số 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 28 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. |
PVMT