Theo thông báo của ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chiều 15/10: Đúng 7h sáng ngày 17/10, Hồ Kẻ Gỗ sẽ chính thức xả lũ. Mặc dù mức độ xả 200 - 300m3/s nhưng các cơ quan chức năng đã tính đến những tình huống xấu nhất.
Tại thời điểm xả lũ Hồ Kẻ Gỗ, mực nước lũ tại vùng hạ lưu (TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà) vẫn đang tương đối cao.
Trước đó, để chuẩn bị cho việc xả lũ, trong chiều 16/10, huyện Cẩm Xuyên đã họp và lên phương án sơ tán 1.914 hộ, tương đương với 3.700 nhân khẩu ở các xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Quan, Cẩm Quang, Cẩm Vịnh theo phương án sơ tán tại chỗ, bằng việc cho người dân đến trụ sở UBND xã cao tầng, các trường học cao tầng. Đối với gia súc, gia cầm di chuyển lên đến các gò cao. Ngoài ra, huyện cũng đã chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm, tàu thuyền để hỗ trợ cho dân.
Cũng như Cẩm Xuyên, ngay khi nhận được thông báo, huyện Thạch Hà cũng đã chỉ đạo ứng phó lũ tới tận từng xã, thông báo trên loa phát thanh thông tin liên quan đến đợt xả lũ ở Kẻ Gỗ lần này. Đồng thời, sơ tán người, gia súc và lương thực lên vùng cao.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh (đơn vị quản lý, vận hành hồ Kẻ Gỗ) cho biết: Không thể đánh giá được mức độ ngập lụt vùng hạ du sau khi xả. Tuy nhiên, với lưu lượng xả UBND tỉnh đã thông báo thì xác suất ngập lụt như năm 2010 là khó xảy ra.
Ông Sơn cũng nói thêm, việc xả hồ đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Mực nước hồ Kẻ gỗ tại thời điểm xả tràn ở cao trình 31,15m (tổng lượng tương đương 305 triệu m3), lưu lượng xả từ 200 - 300m3/s.
Nước từ hồ sẽ theo đường tiêu tràn Kẻ Gỗ xuôi xuống sông Ngàn Mọ, sau đó chia làm hai nhánh theo sông Hội về hướng huyện Cẩm Xuyên và theo sông Phủ về TP Hà Tĩnh.
Dự kiến 13h ngày 17/10, nước sẽ tràn đến vùng hạ du, có thể gây ngập một số khu vực. Thời gian kết thúc xả tràn được căn cứ vào diễn biến thời tiết và mực nước hồ. Nhà chức trách Hà Tĩnh khẳng định khi nào ngừng xả lũ sẽ thông báo rộng rãi để người dân biết.
Hồ Kẻ Gỗ là hồ chứa nước nhân tạo. Hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái, khởi công xây dựng từ năm 1976, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Hồ nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ dài gần 30km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước, phục vụ tưới cho gần 17.000ha diện tích đất nông nghiệp thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và phía bắc huyện Kỳ Anh. |
Bấm Ctr + F5 để cập nhật...
PVMT