Thông tin cục Nghệ thuật biểu diễn, bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa cập nhật vào danh sách phổ biến rộng rãi một số ca khúc nổi tiếng như Tiến quân ca khiến dư luận xã hội bức xúc.
Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
PV: Thưa ông, cục Nghệ thuật biểu diễn vừa cập nhật danh sách hơn 300 bài hát phổ biến rộng rãi, trong đó có một số ca khúc nổi tiếng như Tiến quân ca đã được Hiến pháp quy định là Quốc ca của Việt Nam. Cá nhân ông suy nghĩ như thế nào?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Tôi cũng như ý kiến nhiều cử tri mà tôi đã tiếp xúc rất băn khoăn và ngạc nhiên với quyết định đưa vào danh sách phổ biến hơn 300 bài hát của cục Nghệ thuật biểu diễn. Điển hình như bài hát Tiến quân ca và rất nhiều những bài hát cách mạng đã đi cùng chúng ta qua một, thậm chí là hai cuộc kháng chiến. Những bài hát này đã góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Vậy, đến nay cục Nghệ thuật biểu diễn công bố những quyết định đó, hóa ra các bài hát suốt thời gian qua đã được biểu diễn “chui” hay sao?
Rõ ràng, có hai câu chuyện cần đề cập. Thứ nhất là tính cập nhật kịp thời của văn bản quản lý. Liệu có cần thiết với những bài hát này hay không? Ví dụ như bài Tiến quân ca đã được quy định trong Hiến pháp – đạo luật cao nhất của nước ta, liệu có cần đến một văn bản của đơn vị quản lý Nhà nước ở cấp Cục như thế nữa hay không? Hiến pháp đã quy định từ nhiều năm nay, vậy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu trong việc hướng dẫn, triển khai Hiếp pháp – pháp luật chậm đến như vậy?
Thứ hai, có những bài hát sáng tác bởi những nhạc sĩ cách mạng, đã được tôn vinh qua các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Tên tuổi các tác giả và sự nghiệp của họ, trong đó có những bài hát thuộc danh sách của cục Nghệ thuật biểu diễn, đã được hội đồng có uy tín thừa nhận. Quan trọng hơn, các bài hát này đều được thừa nhận trong cuộc sống, qua hai cuộc kháng chiến. Liệu có cần cấp phép phổ biến hay không?
Tôi đồng ý việc phân loại các bài hát sáng tác trước năm 1945, hoặc trước năm 1975 vì còn nhiều vấn đề phải bàn. Tuy nhiên, với những ca khúc cách mạng của nhạc sĩ cách mạng, là những bài ca đi cùng năm tháng, liệu có cần cấp phép hay không?
Rõ ràng việc làm của cục Nghệ thuật biểu diễn là không cần thiết, thậm chí có thể nói là vô lý.
PV: Sau những phản ứng của dư luận, cục Nghệ thuật biểu diễn ra một văn bản nêu rõ: "Việc một số bài báo phản ánh "Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép trên 300 bài hát "nhạc đỏ" là chưa đúng với bản chất của vấn đề. Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cập nhật thêm 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi chứ không phải cấp phép mới đối với 300 bài hát nói trên. Ông nghĩ sao về sự "phản pháo" này?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Nếu cục Nghệ thuật biểu diễn lý giải là những bài hát được phổ biến rộng rãi, không vi phạm thì liệu có cần quyết định gì không khi xã hội đã thừa nhận, nhiều thế hệ đã hát và thấm nhuần. Vậy, sau mấy chục năm lại ra văn bản cấp phép phổ biến thì có phải quá chậm không?
Tôi bảo lưu quan điểm, nếu cần thiết thì phân loại các sáng tác trước năm 1975 của các nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam để xem xét cấp phép. Còn sáng tác của nhạc sĩ cách mạng thì làm sao phải xem xét cấp phép phổ biến?
Cần nhấn mạnh, Tiến quân ca được Hiến pháp quy định là Quốc ca của Việt Nam, là tài sản của cả đất nước thì tại sao phải cấp phép phổ biến? Nếu cấp phép phổ biến như vậy, rõ ràng trước khi cấp phép là hát chui. Về logic là như vậy. Hơn nữa, gia đình nhạc sĩ Văn Cao cũng đã hiến tặng ca khúc này cho đất nước.
Lý giải của cục Nghệ thuật biểu diễn tôi cho là vòng vèo, không thuyết phục.
Việc cấp phép như cục Nghệ thuật biểu diễn làm thời gian qua, tôi thấy rất phản cảm, vô lý. Đã là cơ quan quản lý Nhà nước ở một lĩnh vực đặc thù là văn hóa, yêu cầu ứng xử văn hóa cao. Cơ quan văn hóa nên có những quyết định trí tuệ và văn hóa, không nên công bố những quyết định buồn cười như vậy.
PV: Vậy theo ông, cần xem lại chức năng nhiệm vụ của cục Nghệ thuật biểu diễn?
ĐBQH Phạm Tất Thắng: Có hai câu chuyện tôi muốn đề cập. Thứ nhất là quy định chức năng nhiệm vụ của bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong đó có mảng nghệ thuật biểu diễn sẽ được giao cho cục Nghệ thuật biểu diễn. Do đó, cần xem lại từ quy chế tổ chức hoạt động của Bộ, để xem chức năng nhiệm vụ của cục Nghệ thuật biểu diễn như thế nào.
Câu chuyện thứ hai là từ chức năng nhiệm vụ đó, cục Nghệ thuật biểu diễn đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình hay chưa? Cách thức thực hiện chức năng quản lý của Cục như thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng, việc cấp phép phổ biến rộng rãi hơn 300 bài hát, trong đó có nhiều bài hát nổi tiếng, không liên quan đến chức năng nhiệm vụ của cấp Cục. Vậy, cách thức làm việc, cách thức thực hiện nhiệm vụ của Cục như thế nào. Có lẽ, cục Nghệ thuật biểu diễn nên xem lại quy trình và cách thức cấp phép phổ biến những bài hát đó như thế nào.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Xem thêm>>>
‘Cấp phép’ Tiến quân ca: Cục Nghệ thuật biểu diễn có lạm quyền?
Dương Thu (thực hiện)