Liên quan đến thông tin xôn xao dư luận mấy ngày qua về việc cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cập nhật vào danh sách phổ biến rộng rãi một số ca khúc nổi tiếng như Tiến quân ca, PV đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bên hành lang Quốc hội.
ĐBQH Dương Trung Quốc nêu quan điểm: “Đã là sản phẩm của đời sống thì cần gì cấp phép nữa. Nó đã đi vào đời sống từ lâu, làm những thủ tục trên là không cần thiết”.
Ông đặt câu hỏi: “Ý nghĩa cấp phép ở đây là gì? Anh chỉ hiểu cấp phép là những chương trình biểu diễn lấy tiền hay bảo vệ bản quyền. Kể cả bảo vệ bản quyền cũng có cách khác chứ không phải chuyện đang làm”.
Vị ĐBQH là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Chúng ta có biết bao viện nghiên cứu, biết bao chuyên gia. Chính những người đó có thể đánh giá di sản của âm nhạc, thấy cái gì hợp, cái gì không hợp, có kiến nghị. Cục NTBD dựa vào kết quả ấy, chứ không phải cục NTBD có quyền cho phép. Cứ nghĩ mình có quyền cho phép hay không mới dẫn đến những chuyện đó. Tôi nhấn mạnh, chuyện này không thuộc về quản lý mà về năng lực đánh giá, là chuyên môn. Cục trưởng phải dựa vào một bộ máy hoặc hội đồng nào đó".
"Tại sao không tổ chức những đề tài nghiên cứu để đánh giá toàn bộ di sản trở thành cơ sở khoa học để xử lý tốt hơn mà cứ để nhỏ giọt. Hình như là để thể hiện quyền lực nhiều hơn”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nghi ngại.
Cũng liên quan đến câu chuyện trên, không ít ý kiến cho rằng, cục NTBD đã lạm quyền, bởi Tiến quân ca là Quốc ca của đất nước, đã được Quốc hội phê chuẩn. Vì thế, văn bản của cục NTBD cấp phép phổ biến rộng rãi là vô lý. Nhìn nhận về điều này, ĐB Dương Trung Quốc không đánh giá mà đề nghị bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xác minh lại, công bố cho tất cả mọi người là quyền của cục NTBD đến đâu, nếu không sẽ có sự lẫn lộn.
"Cần xác định rõ để chính bản thân các cá nhân trong Cục thực hiện đúng. Vì làm việc này cũng khoác trên mình trách nhiệm nặng nề chứ không thuần túy là tiêu cực hay xin cho. Nhưng rõ ràng, để cục NTBD có thể phát huy tốt cũng có nghĩa là tạo ra môi trường âm nhạc tốt thì nên xác định rõ chức năng, nhiệm vụ. Vì tất cả hiện tượng thời gian qua là biểu hiện nhận thức không rõ ràng”, vị ĐBQH thuộc đoàn Đồng Nai nêu ý kiến.
Trước đó, việc cục NTBD "cập nhật, bổ sung" danh sách 324 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó phần lớn là các ca khúc nhạc đỏ rất quen thuộc với công chúng đã khiến dư luận xã hội dấy lên băn khoăn, bức xúc. Điều đáng nói, trong danh sách 324 bài hát được phổ biến rộng rãi này có ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca của Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.
Nhiều khán giả yêu nhạc cho rằng, đây là chuyện “cười ra nước mắt”. Bởi, Tiến quân ca là Quốc ca của đất nước, đã được Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất phê chuẩn. Vì thế, văn bản của cục NTBD cấp phép phổ biến rộng rãi vô tình trở thành trò cười.
Ngoài Tiến quân ca, trong danh sách 324 bài hát được cục NTBD cho phép phổ biến rộng rãi còn rất nhiều ca khúc được nhân dân thuộc lòng và hát bấy lâu nay như: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du); Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Hoàng Điệp - Phạm Tiến Duật); Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên); Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh); Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận); Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn)...
Dương Thu