Thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sử dụng tuyến cáp AAG cho biết, nguyên nhân của sự cố với tuyến cáp AAG vẫn chưa được xác định và đơn vị điều hành tuyến cáp vẫn chưa có thông tin chính thức về sự cố này đến các ISP tại Việt Nam.
Hiện tại, trải nghiệm truy cập Internet của tác giả bài viết thông qua đường truyền cáp quang của nhà mạng VNPT vào các trang web có máy chủ đặt tại nước ngoài khá chập chờn, trong khi truy cập những trang web có máy chủ đặt tại Việt Nam ở trạng thái bình thường.
Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) có chiều dài 20.000 km được khai thác từ tháng 11/2009 và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang biển AAG được nhiều nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sử dụng như VNPT, Viettel, FPT Telecom hay CMC Telecom.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố. Trước đó, vào đầu tháng Giêng tuyến cáp cũng đã gặp sự cố sập nguồn gây mất liên lạc Internet đi quốc tế do sự cố rò rỉ điện, làm ảnh hưởng đến lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế tại Việt Nam. May mắn là sự cố cũng được khắc phục trước thời điểm Tết Nguyên đán.
Trước đó, tuyến cáp AAG đã liên tục gặp sự cố trong năm 2016 với tổng cộng đến 4 lần (tháng 3, 6, 8 và 9). Riêng trong tháng 8/2016, tuyến cáp này đã gặp sự cố kép khi liên tiếp bị đứt ở 2 vị trí nhánh cáp S11 hướng Hồng Kông và S1B hướng Singapore. Hướng Việt Nam nằm trong nhánh cáp S1.
Như vậy, nếu tính từ năm 2014 đến nay, lần cáp quang biển AAG gặp sự cố vào chiều ngày 18/2/2017 là lần thứ 11.
Trước việc tuyến cáp AAG liên tục gặp sự cố, các ISP tại Việt Nam đang tính chuyện đầu tư và khai thác các tuyến cáp quang quốc tế khác, trong đó đáng chú ý là tuyến APG có băng thông cao nhất tại khu vực Châu Á, lên đến 54 Tbps. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại công suất mà APG được các nhà mạng khai thác mới chỉ đạt 4 Tbps.
Kiến An