Thành tích 'khủng' của hai cậu học trò nghèo
Khác với vóc dáng nhỏ thó và vẻ bề ngoài giản dị, hai anh em Hoàng Anh và Anh Tiến lại có cách nói chuyện chín chắn, già dặn như những người kinh doanh thực thụ dù chỉ mới sinh năm 1990. Là hai cậu học trò chuyên hóa lại đến với tin học khá muộn (năm 2005) nhưng hai anh em Anh, Tiến lại gây bất ngờ cho các bạn cùng trang lứa khi đạt được hàng loạt các giải thưởng lớn nhỏ.
Hoàng Anh và Anh Tiến
Nuôi ước mơ sáng tạo từ năm lớp 10, khi đang học ở trường THPT Thái Phiên, Anh và Tiến bắt đầu tạo ra sản phẩm đầu tay của mình là phần mềm tin học "Tìm đường ngắn nhất", đoạt giải Khuyến khích Tin học trẻ không chuyên TP. Đà Nẵng năm học 2005 - 2006. Tiếp đó là Huy chương đồng cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần 3, năm lớp 11 với phần mềm "Từ điển sinh vật"...
Suốt những năm sau đó, hầu như năm nào hai anh em cũng nhận được giải thưởng từ những sáng tạo của mình. Đặc biệt hơn, năm 2012, phần mềm "Hệ thống nhận dạng vân tay" của hai anh em vượt qua nhiều đối thủ nặng ký đến từ các quốc gia khác trên thế giới để đoạt Huy chương vàng tại Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ quốc tế tại Đài Loan.
Đạt được nhiều thành tích "khủng" và được nhiều bạn bè ngưỡng mộ, tuy nhiên, ít ai biết được rằng phía sau những thành công vang dội đó là quá trình miệt mài phấn đấu và vượt lên nghịch cảnh của hai anh em. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, mẹ bán nước vỉa hè, bố chạy xe thuê, nguồn thu nhập eo hẹp và không ổn định khiến cho chi phí việc học của Anh và Tiến gặp muôn vàn khó khăn. Xuất phát từ con số không tròn trĩnh, những ý tưởng mà hai em ấp ủ như nụ hoa không thể nào bung nở. Để khắc phục những khó khăn hai anh em quyết chí đi làm thêm.
Từ việc giữ xe ở công viên cho đến dán giấy hàng mã, miễn sao có tiền phục vụ quá trình nghiên cứu. Để củng cố kiến thức chuyên môn, cả hai thường lui tới các nhà sách đọc các sách về tin học. Vì không đủ tiền mua máy tính, quán internet cũng là địa điểm mà hai anh em thường xuyên lui tới.
Hoàng Anh - Anh Tiến chia sẻ niềm vui với bạn bè khi nhận danh hiệu Thanh niên tiêu biểu cấp thành phố năm 2012 - 2013
Với bảng thành tích sáng chói nhưng Anh và Tiến lại rất khiêm tốn khi nói về bản thân mình. Tiến tâm sự: "Đạt được những thành công trên là nỗ lực của cả hai. Là anh em song sinh, giữa chúng em có mối đồng cảm sâu sắc nên trong công việc phối hợp với nhau rất ăn ý. Cùng một vấn đề, nhưng hai người lại tiếp cận từ hai khía cạnh khác nhau để lúc người này thiếu sót lại có thể bổ sung cho nhau".
Chính vì vậy mà dù theo học ở khoa Công nghệ thông tin (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) mất một năm, Anh Tiến vẫn mạnh dạn thi lại vào khoa Điện tử viễn thông (ĐH Bách Khoa Đà Nẵng). Người am thông phần cứng, người chuyên sâu phần mềm, có như vậy hai anh em có thể hỗ trợ nhau trong công việc.
Dân IT đi làm giám đốc ở tuổi 22
Không muốn những đứa con tinh thần của mình chìm vào quên lãng, hai anh em đã mạnh dạn đề xuất với CLB Sáng tạo trẻ TP. Đà Nẵng sáng lập ra một công ty chuyên quản lý, nghiên cứu và thương mại hóa các mô hình và phần mềm tin học. Được sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng, vào ngày 27/3/2012 công ty TNHH TecViet chính thức được thành lập.
Như "nắng hạn gặp mưa rào", Anh và Tiến vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Khi kể từ đây những ý tưởng sáng tạo không chỉ của riêng hai anh em mà còn các thành viên trong CLB sẽ được tài trợ kinh phí, đăng ký bản quyền cũng như phát triển để ứng dụng vào đời sống thực tiễn.
Lúc đầu, cả hai anh em đều giữ vị trí kỹ thuật bởi có kinh nghiệm và tay nghề cứng nhất hội. Dần dà, được sự tín nhiệm của anh em trong công ty, Lê Anh Tiến được bầu vào vị trí giám đốc công ty TecViet. Từ dân IT chuyển sang làm giám đốc, Tiến có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Do nắm rõ quy trình hoạt động cũng như chuẩn kiến thức nên Tiến dễ dàng hướng dẫn cho nhân viên trong chuyên môn nghiệp vụ, nhưng để quản lý cả một đội ngũ nhân sự lên đến 22 người quả thật không đơn giản một chút nào.
Tiến kể: "Trong khoảng thời gian đầu mình còn lúng túng lắm, nhưng bác Hồ Việt, người sáng lập ra CLB cho mình hẳn một tủ sách, đầy đủ các loại như nghệ thuật kinh doanh, nghệ thuật dùng người hay cả những sách liên quan về kinh tế, đối nội, đối ngoại. Mình phải đọc cho kỳ hết, vì sách là người thầy hữu ích và nhanh chóng nhất giúp mình bù đắp những điều còn thiếu sót".
Phụ giúp cho Tiến, Hoàng Anh giữ chức Phó giám đốc điều hành kiêm Project manager (quản lý dự án - PV). Không cảm thấy mình thua kém trước người em song sinh, Anh chia sẻ: "Tính mình ít nói nên chuyện xã giao tiếp xúc không nhanh nhẹn bằng Tiến, mình cũng chẳng quan tâm mình đang giữ chức vụ gì, mình chỉ quan tâm đến việc mình thích gì và cống hiến được những gì". Để tìm kiếm thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu thiết yếu của khách hàng, hai anh em Anh, Tiến không ngại ngần đến từng cơ quan, đoàn thể trong thành phố hỏi về những khó khăn trong công việc của họ.
Dù còn trẻ tuổi, nhưng với thương hiệu "dày dặn" của bản thân Anh và Tiến cũng đã thuyết phục và ký kết được nhiều hợp đồng "béo bở". Dù lợi nhuận chỉ đủ tái đầu tư cơ sở sản xuất và hỗ trợ lương cho nhân viên, nhưng với hai anh em đó lại là niềm hạnh phúc khi có cơ hội nuôi dưỡng tiếp những đam mê còn ấp ủ.
Dù chỉ mới là sinh viên nhưng cả Anh và Tiến phải kiêm biết bao nhiêu là việc, khi phải vừa học, vừa làm, vừa điều hành công ty, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chưa một phút giây nào được ngơi nghỉ, hai anh em hết chạy đua công trình này lại đến dự án khác. Áp lực từ sự thành công của những cuộc thi trước thúc đẩy hai anh em phải không ngừng học hỏi và sáng tạo hơn nữa.
Bà Trần Xiêm, mẹ của cặp song sinh kể: "Những đêm đi bán về 3 - 4h sáng vẫn thấy chúng còn thức mà tôi xót lắm, bị la hoài mà chúng nó cũng chẳng chừa. Để đối phó với tôi, có bận cứ nghe tiếng mẹ mở cửa là hai anh em lại tắt máy vọt lên giường giả vờ ngủ. Mẹ xem xét xong xuôi là lại dậy cày tiếp. Chúng nó thương cha mẹ vất vả nên chăm chỉ làm việc lắm. Có lúc nhà túng tiền quá hai anh em phải chạy sô dạy thêm, bán cà phê hay cả đi trông xe nữa".
Ái Linh - Hồ Hằng