Tìm về xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), PV không khỏi xót xa khi được nghe những lời tâm sự đắng lòng của những người dân nơi đây về vụ án mạng kinh hoàng "Đoàn Văn Tư đốt chết đôi tình nhân trong đêm" cách đây 10 năm. Đặc biệt, PV không thể quên được từng ánh mắt khắc họa nỗi đau đớn của người làm cha, làm mẹ khi chứng kiến cảnh con mình chết một cách đớn đau. 10 năm, nỗi đau chưa hề nguôi ngoai đối với những người có liên quan đến vụ án. Vì ghen tuông, anh Đoàn Văn Tư (SN 1962, ngụ ấp Phước Lễ, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã đốt chết đôi tình nhân lúc nửa đêm.
Bà Nguyễn Thị T. chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Ảnh Thơ Trịnh.
Ngọn lửa oán hờn 10 năm chưa tắt
Trao đổi với PV, ông P.V.H. (ngụ ấp Tiên Đông Thượng, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) kể lại vụ án mạng trong nỗi xót thương: "Đoàn Văn Tư kết hôn với chị N.T.H. vào năm 1985 ở cùng ấp và có 2 con chung. Hàng ngày, anh Tư hành nghề xe ôm, còn chị H. ở nhà chăm lo con cái, vườn tược. Năm 1998, anh Tư đem lòng yêu thương Phạm Thị D. (SN 1965, ngụ tại ấp Tiên Đông Thượng, xã Tiên Thủy). Thấy hoàn cảnh của D. một mình nuôi 4 đứa con côi cút, Tư cảm thương và thường lén lút qua lại với người đàn bà này. Kể từ đó, bi kịch của hai gia đình ngày càng trầm trọng hơn. Những hành động lén lút của họ cuối cùng cũng không che giấu được. Khi chị H. phát hiện cuộc tình vụng trộm giữa họ thì mâu thuẫn gia đình ngày càng căng thẳng hơn. Không thể chịu được cảnh chồng ngoại tình, năm 2001, chị H. xin ly hôn với anh Tư. Từ đó, anh Tư ra đi theo tiếng gọi của tình yêu.
Ngày 18/5/2004, Tư bỗng dưng trở lại nhà và sống chung với vợ cũ để động viên con đi thi đại học. Vì ghen nên D. tức giận và tuyên bố đoạn tình với Tư và đem quần áo của Tư ra đốt. Mặt khác khi Tư nghe tin D. có người tình mới là Nguyễn Hữu Q. (đã có vợ con, SN 1976, ngụ ấp Tiên Tây Thượng, xã Tiên Thủy) thì cơn ghen càng lên cao hơn. Vào khoảng 23h30' ngày 23/5/2004, Tư tìm đến nhà D., trên tay cầm chai xăng khoảng hơn 1 lít. Sau khi lén vào được bên trong căn nhà, Tư thấy D. và Q. đang ngủ trong mùng giăng ở ngoài hè. Không kiềm chế được cơn ghen, Tư tạt xăng vào nơi hai người đang nằm và bật lửa đốt. Kết cục, cả D. và Q. đều tử vong. Lúc này, cháu Trần Thị Kim C. (SN 1987, con gái thứ ba của Phạm Thị D.) bị kẹt bên trong căn nhà. C. may mắn được bà con hàng xóm giải cứu và dập tắt đám cháy".
Ông L. lo lắng về tương lai của các cháu (con nạn nhân D.). Ảnh Thơ Trịnh.
Bà L.T.M. (56 tuổi, ngụ tại ấp Tiên Đông Thượng, xã Tiên Thủy) tâm sự: “Khi còn sống, D. bị mang tai tiếng do lối sống lăng nhăng, buông thả, hết cặp bồ với người này rồi lại quay sang sống chung với người khác. Đó chính là lý do, nhiều người bàn tán 4 đứa con của chị D. là của 4 người đàn ông khác nhau. Còn Tư, sau khi bị cơ quan CSĐT bắt đã thành thật khai nhận tội lỗi của mình. Tư thú nhận hành vi cố sát tình địch và nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của người tình. Vì vậy, ngày 8/11/2004 TAND tỉnh Bến Tre đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt bị cáo Đoàn Văn Tư mức án cao nhất tử hình về tội giết người”.
Bà M. cho biết thêm: "Kết cục quá đau lòng, cả ba người trong cuộc tình tay ba ấy đã chết thê thảm và để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người thân trong gia đình. Những đứa trẻ bơ vơ không cha, mẹ và lớn lên giữa bao cạm bẫy cuộc đời".
Cho đến thời điểm này, từng sự kiện liên quan đến vụ việc vẫn không thể nhạt nhòa trong ký ức của người dân nơi đây. Nhắc đến Đoàn Văn Tư, người ta không khỏi xót thương cho ba con người đã đủ lớn để suy nghĩ về những hành động của mình. Thế nhưng chỉ vì phút nóng giận nông nổi, họ đã tự hủy hoại sự sống của mình và đem lại nỗi đau cho quá nhiều người ở lại.
Nỗi buồn thiên thu của ba gia đình
Tìm đến gia đình người quá cố Nguyễn Hữu Q., PV không khỏi xót xa khi lắng nghe tâm sự của người mẹ già bơ vơ trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo. Bà Nguyễn Thị T. (75 tuổi, mẹ của Q.) chia sẻ: "Đã 10 năm trôi qua nhưng ký ức về cái chết của con trai vẫn hằn vào tâm trí tôi đầy đau đớn. Chiều ngày 23/5/2004, Q. xin phép vợ chồng tôi đi chơi ở nhà bạn nhưng tới khuya vẫn không thấy cháu về. Vợ chồng tôi đóng cửa đi ngủ thì đột nhiên thấy mấy người công an vào hỏi Q. có nhà hay không. Chúng tôi gần như quỵ ngã khi nghe tin con mình chết thê thảm trong đám cháy. Mọi người trong gia đình cố gắng kìm nén nỗi đau để đưa con về mai táng. Mười năm trôi qua, nỗi đau ấy vẫn còn lại nguyên vẹn đến bây giờ. Nhiều đêm nằm nhớ con mà nước mắt tôi chảy ròng không ngớt".
Nói đến mối quan hệ giữa Q. và D., bà T. cho hay: "Gia đình tôi có nghe cháu Q. quen với D. từ rất lâu trước khi xảy ra sự việc. Thế nhưng, cho đến ngày cháu mất, mọi người trong gia đình đều không biết D. là ai. Sau sự việc xảy ra với cháu Q., gia đình tôi như rơi vào vực thẳm. Bởi khi còn sống, Q. là lao động chính của gia đình. Hai vợ chồng tôi già cả, người ốm kẻ đau nên cũng không làm được gì. Chồng tôi vì suy nghĩ nhiều về chuyện con cái nên bệnh tật ngày càng nặng hơn. Cho đến năm 2008, ông ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Thân già cô quạnh như tôi, sống nay chết mai lúc nào cũng không biết trước được. Tôi chỉ sợ căn nhà duy nhất để hương khói cho chồng con cũng không giữ được vì mưa bão. Nhiều hôm, trời mưa gió, tôi không dám ngồi ở trong nhà vì bốn bức vách cứ lung lay theo gió. Nước mưa qua lỗ hổng của mái nhà mà chảy vào mọi ngõ ngách của căn nhà như một dòng suối".
Ông L. tâm sự: "Vì cuộc sống miếng cơm manh áo, các anh chị lớn cũng không lo nổi cho em nên cháu A. phải nghỉ học khi vừa lên lớp 9. Hoàn cảnh của tôi quá khó khăn, sống một mình bao nhiêu năm nay, không còn sức lao động, lại mang trên mình nhiều căn bệnh kinh niên. Có lúc, tôi phải đi nằm việc cả tháng trời nên hai ông cháu chỉ còn biết nhìn vào mấy gốc dừa kiếm gạo ăn qua ngày. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng tôi cũng không dám cho cháu đi đâu xa vì sợ ngoài xã hội có quá nhiều cạm bẫy. Tôi già yếu, sống nay chết mai là chuyện thường tình nhưng tôi rất lo lắng vì không biết tương lai của cháu A. rồi sẽ về đâu. Từ ngày mẹ mất, tính tình của nó có nhiều thay đổi, cháu nóng tính và cục cằn hơn".
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi PV tìm đến gia đình anh Đ.V.M. (em trai của bị án Tư). Anh M. cho biết: "Cái gì đã qua hãy để cho nó qua và nằm im trong ký ức của mỗi người. Thời gian không dừng lại nên con người không thể cứ nhìn mãi về quá khứ. Cuộc sống của mẹ con chị H. (vợ Tư) cũng có vẻ khá hơn lúc trước".
Cuộc sống gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn Trao đổi với PV về hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị T. (mẹ nạn nhân Q.), ông Nguyễn Hồng Gấm, Phó trưởng ấp Tiên Tây Thượng (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: "Gia đình bà T. vốn có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi Q. chết càng khiến gia đình khó khăn hơn. Gia đình bà T. là gia đình liệt sĩ nên hàng tháng bà sống nhờ vào số tiền hỗ trợ của Nhà nước. Về phía chính quyền địa phương, những dịp lễ tết đều cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên...". Bốn đứa trẻ mồ côi mẹ PV tiếp tục tìm đến căn nhà nơi xảy ra vụ án mạng 10 năm trước đây. Không khí ở nơi đây vắng lặng đến nỗi khiến PV lạnh cả người. Trao đổi với PV, cụ Phạm Văn L. (SN 1927, bố của nạn nhân D.) ngậm ngùi: "Không có gì đau đớn hơn khi nhìn cảnh con gái mình chết không toàn thây như thế. Điều khiến tôi bận tâm nhất là 4 đứa con của cháu D. phải tự lặn lội, bươn chải với cuộc sống vất vả mà xung quanh có quá nhiều cạm bẫy. Từ ngày mẹ mất, ba cháu lớn tản đi mỗi đứa một nơi để kiếm tiền tự lo cho cuộc sống của riêng mình. Chỉ có cháu Trần Văn A. (SN 1997, con trai út của D.) là chưa đến tuổi lao động". |
Thơ Trịnh