Vượt lên những mặc cảm, định kiến kèm những lo lắng của gia đình, kéo dài suốt 9 năm, họ đến với nhau, cùng xây hạnh phúc. Đó là chuyện tình yêu đẹp khiến nhiều người ngưỡng mộ của anh Phạm Xuân Trường (sinh năm 1975, quê Chương Mỹ) và chị Đinh Việt Anh (sinh năm 1978, quê Hà Tĩnh).
Vượt lên số phận
Cuộc đời chị có lẽ sẽ chỉ là một màu đen tăm tối nếu chị không biết vượt lên số phận để đeo đuổi ước mơ, hoài bão. Năm lên 3 tuổi, mẹ Việt Anh bất ngờ khi thấy mắt con gái có những dấu hiệu khác lạ. Cô bé thường bảo: "Con chẳng nhìn thấy gì cả!". Thậm chí, có lần con mèo đang chơi ngoài sân mà Việt Anh còn nhìn không rõ, tưởng là con nhím. Nhiều lần cô bé bị ngã khi vấp phải đồ khi trời nhập nhoạng tối. Thấy vậy, mẹ Việt Anh vội vã đưa con đi khám. Khám xong, các bác sỹ cho biết một mắt của Việt Anh đã bị hỏng, mắt còn lại chỉ nhìn được mọi thứ sau lăng kính mờ ảo. Thương con gái, bố mẹ Việt Anh đưa cô bé đi chạy chữa khắp nơi, nhưng không khả quan.
Vợ chồng anh Trường và cô con gái 2 tuổi
Đến năm 6 tuổi, cô bé Việt Anh đã biết chấp nhận sống chung với căn bệnh của mình. Nhìn bạn bè đến trường, Việt Anh chỉ biết đứng ở cửa nhìn theo. Tiếng cười nói líu lo của bạn bè vọng lại khiến Việt Anh thèm được như chúng bạn. Biết con gái ham chữ, mẹ Việt Anh đã xin cô giáo cho Việt Anh đến trường để được ngồi nghe giảng. Được đi học, Việt Anh vô cùng vui sướng. Nhìn dòng kẻ bằng con mắt mờ ảo còn lại song Việt Anh luôn trân trọng, nắn nót viết từng chữ theo hàng. Chính vì vậy riêng phần kiến thức, từ lớp 1 đến lớp 9, Việt Anh luôn dẫn đầu lớp.
Những tưởng chút ánh sáng mờ ảo ấy sẽ theo Việt Anh suốt cuộc đời thế nhưng con mắt ấy đã đóng kín khi Việt Anh học lớp 9. Để cô có thêm cơ hội tìm ánh sáng từ đôi mắt tật nguyền, bác sỹ đã đưa ra phương án phẫu thuật thay giác mạc. Hồi đó, quyết định làm phẫu thuật khiến cô và gia đình suy nghĩ rất nhiều, bởi kinh phí phẫu thuật vừa tốn kém mà khả năng hồi phục lại không cao.
Thương con, bố mẹ cô vẫn quyết định phẫu thuật. Ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, đôi mắt Việt Anh vẫn nhìn được 1/10. Thế nhưng được một thời gian sau, đôi mắt của Việt Anh mờ hẳn, khép lại ước mơ đèn sách đang dang dở của cô. Ở nhà một thời gian, nỗi nhớ trường nhớ bạn cào xé khiến cô bé đứng ngồi không yên, Việt Anh lại xin bố mẹ cho đi học. Chưa biết đến chữ Brain (chữ nổi), Việt Anh cố gắng lắng nghe, chắt đọng kiến thức của thầy cô. Mỗi tiết kiểm tra, các thầy cô cho phép Việt Anh kiểm tra miệng. Ba năm học phổ thông, Việt Anh đều dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Có năm, thầy cô còn đề xuất cho cô đi thi học sinh giỏi tỉnh nhưng vì một số lý do nên cơ hội của Việt Anh đành phải gác lại trong tiếc nuối.
Học hết cấp 3, Việt Anh thi vào trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhưng không đỗ. Ở nhà, cô tự đăng ký hệ đại học từ xa chương trình do trường đại học Mở Hà Nội phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức. Theo học 2 năm thì phải dừng do trường không tổ chức thi được cho học viên. Cùng thời gian đó, những truyện ngắn, bài thơ Việt Anh đọc cho mẹ chép gửi lên các báo Lao động Nghệ An, Tiền Phong được đăng tải, cô được nhiều người biết đến. Những vần thơ đầy sức sống và niềm tin vào tương lai cứ thôi thúc vào trái tim người đọc: "Tôi, các bạn, bao nỗi niềm san sẻ/Để giữa trái tim hồng đọng mãi một niềm tin/ Cho hoa kết giữa trang đời, bao hạnh phúc xây nên (Hoa kết giữa trang đời)...”.
Cuối năm 2007, Việt Anh mới biết đến hội Người mù Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ở đây, chị được cử ra học ở trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù, được tiếp cận với chữ nổi. Đây là cơ hội để chị cống hiến và phấn đấu mới sau bao năm ngủ vùi.
Khác với Việt Anh, Phạm Xuân Trường là con cả trong gia đình có 5 người con thì có đến 3 anh em khiếm thị. Khi chào đời, đôi mắt anh hoàn toàn bình thường nhưng đến 3 tuổi, đôi mắt ấy cứ yếu dần, nhìn mọi thứ mỗi lúc một khó khăn. Cậu em thứ hai và cô em gái út cũng có triệu chứng giống hệt anh trai. Đi khám, bác sỹ bảo, Trường bị thoái hóa sắc tố võng mạc hai mắt, không thể cứu chữa được. Từ đó, Trường bắt đầu làm quen với bóng tối. Dù mắt kém, nhưng Trường vẫn say mê học chữ. Anh là học viên khiếm thị đầu tiên được học ở trường đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2001, anh ra trường và đầu quân cho Trung tâm, cũng là nơi gắn kết cho tình yêu của hai anh chị.
Gặp nhau ở Trung tâm, cũng là lúc hai người tìm thấy bến đỗ hạnh phúc của mình (Hồi đó, Việt Anh là giảng viên dạy trong trường). Tiếng đồn về nữ giảng viên khiếm thị khá thông minh khiến anh tò mò. Hàng ngày, anh vẫn thấy Việt Anh miệt mài bên từng trang sách chữ Brain đến tận khuya. Sau mỗi giờ lên lớp, anh lại sang giúp đỡ đồng nghiệp soạn giáo án.
Đôi mắt Trường chưa mờ hẳn nên vẫn còn nhìn thấy bóng dáng Việt Anh. Tình yêu của họ càng lớn dần lên cùng với con chữ Brain. Tối thứ bảy, chủ nhật, hai người lại đi dạo phố. Kỷ niệm đáng nhớ nhất mà đến giờ, anh vẫn còn bàng hoàng là hôm đưa chị qua đường bị xe máy đâm. Lúc đó, Việt Anh bị hất ngã sang một bên. "Như có sức mạnh thần kỳ, tôi vội vàng nhào đến tìm kiếm. Cũng may, cô ấy không làm sao nhưng tôi thì phát điên vì hoảng sợ", anh Trường kể. Chân Việt Anh bị sưng to, suốt một tháng trời, Trường đến cõng cô đến phòng làm việc.
Hai mẹ con chị Việt Anh
Hai mảnh ghép hoàn hảo
Khi biết con trai đem lòng yêu thương một cô gái khiếm thị, bố Trường vô cùng lo lắng. Trường là con cả, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nay có thêm cô con dâu cũng không nhìn thấy gì, làm sao lo nổi cho cuộc sống. Ông ý tứ nói với con trai về quyết định xây dựng hạnh phúc của mình. Nhưng con trai ông bảo: "Con và cô ấy sẽ đợi các em ổn định gia đình rồi mới tính đến chuyện kết hôn. Con tin, tình yêu sẽ giúp con vượt qua được những sóng gió, thử thách trong cuộc sống".
Năm 2007, Việt Anh chuyển công tác về Hà Tĩnh. Thời gian xa cách khiến cho hai người hiểu, họ không thể sống thiếu nhau. Mối dây liên lạc thường xuyên nhất là qua điện thoại kéo gần khoảng cách. Thỉnh thoảng, Trường lại bắt xe hơn 300km về quê thăm người yêu. Đến đầu năm 2009, sau tròn 9 năm yêu thương và chờ đợi, họ đến với nhau bằng một đám cưới hạnh phúc. Cả bầu trời Hương Sơn, Thanh Oai và Trung tâm ở Cầu Giấy cùng chúc phúc cho cặp vợ chồng trẻ. Cuối năm 2009, Việt Anh lại chuyển công tác ra Hà Nội và được cử làm phó giám đốc Trung tâm. Căn phòng ký túc xá nằm trong Trung tâm trở thành nhà hạnh phúc của họ.
Niềm vui của họ càng vỡ òa, khi trong căn nhà nhỏ có thêm tiếng cười trẻ thơ. Bé gái nay đã tròn 2 tuổi, đã biết nịnh mẹ và đòi giúp mẹ việc nhà. Còn nhớ hôm chị chuyển dạ cũng là lúc đang làm việc, anh vội vã gọi taxi đưa đến bệnh viện. Bao nhiêu lo lắng chất đầy đôi mắt khiếm thị, sau 4 giờ đồng hồ, anh được bế con gái trên tay. Với anh, đấy là giây phút hạnh phúc, sung sướng nhất khi được bế trên tay kết quả tình yêu của chính mình.
Nhờ có bà ngoại chăm sóc, việc chăm con của anh chị cũng bớt đi phần vất vả. Anh chị đặt tên con là Hà Anh, Hà là Hà Tĩnh, cũng là Hà Tây quê hương của hai vợ chồng, Anh là tên của một loài gỗ đẹp với mong muốn con gái đầu lòng sẽ luôn được ban tặng những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Có con nhỏ, cuộc sống của hai vợ chồng dù vất vả nhưng ấm cúng hơn. Mỗi khi mẹ vợ về quê, hai vợ chồng tự tắm rửa, giặt giũ, cho con ăn. Anh làm việc nhà thì chị lại cho con ăn, chơi với con. Bé Hà Anh còn có tên gọi là Suri, rất ngoan ngoãn và thương yêu cha mẹ. Mỗi lần mẹ đi vắng, Suri lại nghe lời bà ngoại và bố. Hơn 3 năm chung sống, anh Trường vẫn hào hứng khoe: "Tôi thật may mắn, bởi tôi có một mái ấm hoàn hảo, với đứa con gái 2 tuổi xinh xắn, khỏe mạnh và người vợ đúng nghĩa, cũng là người đồng nghiệp giỏi giang và là người bạn chia sẻ trong cuộc sống".
Hồng Mây