Không chỉ vậy, với những người lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, hai ông bà cũng mang về ở trong chính ngôi nhà của mình để giúp họ có chốn dung thân.
Làm việc nghĩa không màng hơn, thiệt
Tôi tìm về với ông bà vào một chiều nắng tháng 5, may rằng không quá khó để tìm đường đến ngôi nhà nhỏ ấy, khi cái nóng đang theo trên đầu. Đón khách khi tay ông vẫn đang tỉ mẩn móc từng sợi dây làm võng và dây thừng, còn bà đang bện từng bó giành giành. Vội vàng xếp lại công việc, ông bà đến bên bàn rót nước mời khách.
Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Được biết, ông Nguyễn Liên Thành và bà Nguyễn Thị Thịnh đã xây dựng gia đình với nhau hơn 50 năm rồi. Hiện tại, ông bà có 4 con, 12 cháu và 3 chắt. Nhà tuy nhỏ nhưng luôn rộn ràng tiếng con trẻ, vì những đứa bé ấy chỉ trông tan giờ học trên lớp để chạy sang quấn quýt bên ông bà. Cuộc sống giờ đã bớt vất vả, khó khăn, nhưng mỗi ngày ông bà vẫn cặm cụi cần mẫn làm việc, không những để tự nuôi mình mà còn giúp phần nào cho con cháu.
Nhiều người đi qua, ngó lại thường khuyên ông bà nên nghỉ ngơi, tuổi cũng đã sang 70, để con cháu phụng dưỡng. Những lúc đó, ông bà thường nhoẻn miệng cười bảo: "Chúng tôi giờ còn lao động được nên ngồi một chỗ khó chịu lắm. Mình sinh ra từ vất vả, cả đời lam lũ, chân tay không nghỉ ngơi, giờ đến tuổi này ngồi chơi cũng thấy khó chịu, không quen". Bà thích làm việc, nên cứ đến vụ mùa, một tay bà lo toan ba sào ruộng, mấy chục con gà. Thoạt nhìn qua bên ngoài, tuy tuổi cao nhưng cả hai người vẫn minh mẫn, khỏe mạnh lắm.
Bên cốc nước chè xanh, câu chuyện của khách và chủ nhà ngày càng rôm rả, lúc đó tôi mới hiểu vì sao, đường tới nhà ông bà dễ tìm đến thế. Ở cái xã nghèo Nam Lộc, không ai không biết đến đôi vợ chồng đặc biệt này. Những việc họ làm khiến nhiều người ban đầu cứ thấy "không bình thường", lâu dần mà cảm phục tấm lòng bao dung đến mức khó tưởng tượng.
Ông Thành và bà Thịnh hạnh phúc bên con cháu.
Năm 1974, ông bà quyết định dựng căn nhà nhỏ ra ở riêng. Hồi đó, thấy bố mẹ vợ tuổi cao sức yếu, cô quạnh, nên ông bàn với bà Thịnh đón bố mẹ bên ấy về sống cùng để tiện bề chăm sóc lúc ốm đau. Nghe chồng nói vậy, bà Thịnh cảm kích trong lòng nên sang thưa chuyện với bố mẹ. Ông bà như được mở tấm lòng vì có người con rể trọng đạo nghĩa. Cuộc sống của họ bình lặng trôi qua trong sự ấm êm của nền nếp gia phong. Một năm sau, ông đón bố mẹ đẻ mình về sống chung dưới một mái nhà.
Trong căn nhà cấp 4, 4 người già, 2 vợ chồng và những đứa con, khó khăn trăm bề đè lên đôi vai gầy của ông Thành và bà Thịnh. Đó không chỉ là lo lam lo làm để kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày, mà còn là cách dung hòa giữa những con người với nhau. Thế mà, trong những cơ cực ấy, ông bà luôn biết cách vun vén vẹn toàn để bố mẹ hai bên yên tâm an hưởng tuổi già.
Sự "khác người" của ông bà không chỉ ở đó, mà còn là sự cưu mang những phận đời cơ nhỡ, đói khổ, không nơi nương tựa, mặc dù gia đình mình cũng chẳng khá hơn họ là bao. Ban đầu là một cụ già hành khất ngồi bên mép ruộng đầu làng với dáng vẻ tội nghiệp. Trong khi bao người đi qua để lại ánh nhìn ái ngại cho cụ thì chân ông lại bước không đặng. Sau một hồi ân cần hỏi thăm, biết cụ ông có hoàn cảnh bơ vơ, không con cái, không nhớ nổi quê mình ở đâu, ông động lòng thương cảm đưa về nhà. Nhờ bà con chòm xóm chung tay cùng mình dựng cái lều trong vườn cho cụ, rồi từ đó nuôi nấng, chăm sóc cho đến lúc cụ qua đời. Gia cảnh tuy đang nghèo nàn, nhưng nhìn thấy người ta như thế, lòng ông không nỡ dửng dưng.
Ông bảo: "Làm thế để cái tâm mình thanh thản, chứ chúng tôi chẳng trông mong sự đáp lại của họ. Ngày lo liệu cho ông ấy yên mồ yên mả, tôi thấy mình thảnh thơi trong lòng. Dẫu không có nhiều tiền để cho những tháng ngày cuối đời của ông được sung sướng, nhưng cũng phần nào giúp ông đỡ cô quạnh đến lúc nhắm mắt buông tay".
Khi lòng tốt không có giới hạn
Được người dân kể cho nghe những câu chuyện "khó tin nhưng có thật" từ các việc làm của ông bà, tôi đã nghĩ: Cuộc sống, không có điều gì là không thể.
Con trai đầu của ông bà là anh Nguyễn Đức Hải. Khi đến tuổi dựng vợ gả chồng, anh đã đem lòng thương yêu cô hàng xóm Đậu Thị Hường đẹp người đẹp nết. Hoàn cảnh gia đình của cô gái cũng rất vất vả. Cha mất sớm, mẹ mù lòa và anh trai Đậu Văn Kính bị tàn tật bẩm sinh. Ngày bước chân theo chồng, chị Hường trong lòng day dứt. Nghĩ thương mẹ thương anh, nhưng Hường không dám tâm sự gì với chồng. Cứ thế, chị tất bật chạy giữa hai gia đình để lo lắng cho vẹn toàn.
Thời gian đầu, anh Kính còn đi lại được, về sau này chân co quắp lại, anh chỉ ngồi được một chỗ, nói năng cũng khó khăn hơn. Những hôm trái gió trở trời, cơn đau lại hành hạ anh nhức buốt khắp cơ thể. Những ngày đó, trông Hường bơ phờ mệt mỏi. Thương con dâu tất tả ngược xuôi, hết chăm lo cho nhà chồng rồi lại nhà mẹ đẻ, ông Thành đã bàn với vợ mình đưa hai mẹ con bà thông gia về nhà chăm sóc và coi như thành viên trong gia đình. Bà Thịnh gật đầu đồng ý và mang chuyện ra bàn với con dâu. Nghe mẹ chồng nói mà chị Hường không dám tin đó là sự thật, cứ nắm lấy bàn tay của mẹ chồng lắc lắc, xúc động đến rơi nước mắt.
"Sinh lão bệnh tử", do tuổi cao sức yếu, bà thông gia đã qua đời cách đây 3 năm. Giây phút cuối của cuộc đời mình, bà cầm lấy tay ông bà Thành - Thịnh nói câu cảm ơn, rồi trút hơi thở cuối cùng. Hiện, anh Kính vẫn còn sống trong căn nhà của vợ chồng anh trai cả. Rảnh lúc nào bà Thịnh lại lên chăm sóc, thay rửa và trò chuyện với anh Kính. Vừa lo hậu sự xong cho bà thông gia được một thời gian thì ông bà lại đón người chị gái mình là bà Nguyễn Thị Đạt về ở cùng. Bà Đạt năm nay đã hơn 80 tuổi, không có con cái mà chỉ ở với đứa cháu nuôi. Thương bà Đạt, ông Thịnh lại đưa bà về nuôi. Được một năm, bà nhớ cháu nên lại trở về Đắk Lắk.
Đến bây giờ, khi đã bước qua cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông bà Thành, Thịnh vẫn cần mẫn lao động, kiếm thêm chút đỉnh để phụ con dâu tiền thuốc men cho anh Kính. Việc làm của ông bà đã vượt ra khỏi lũy tre làng, có nhiều Việt kiều ở tận Canada không quen biết, ruột rà nhưng vẫn liên lạc về xin được nói chuyện và hỗ trợ cho anh Kính. Những việc làm của ông Thành, bà Thịnh dù rất âm thầm nhưng lại khiến nhiều người biết đến và cảm kích.
Điều mà chúng tôi nhận thấy sau tất cả những hành động "không giống ai" của đôi vợ chồng nghèo đó, chính là "tiếng nói chung" trong cái tâm của cả hai người. "Thuận vợ, thuận chồng" đã giúp họ làm nên được nhiều điều kỳ diệu cứ ngỡ không có trong cuộc đời. Tạm biệt ông bà khi bát nước chè Nam Đàn đã vơi và trời đã bắt đầu tắt nắng, chúng tôi thầm nghĩ, biết đâu ngày mai khi nắng lên, họ lại rước về thêm một người cơ nhỡ nào đó...
Mẹ chồng giúp con dâu chăm mẹ đẻ Từ ngày bà thông gia và anh Kính về ở chung, căn nhà thêm ấm áp nhưng ông bà cũng vất vả hơn. Nhìn con dâu vừa phải lo toan nhiều việc trong nhà, bận tối mắt tối mũi rồi lại còn phải tất bật chăm sóc cho mẹ và anh, ông bà lại quyết "tranh" phần việc lo ăn uống và vệ sinh cá nhân cho mẹ con bà thông gia, để con dâu có lúc được ngơi nghỉ. Chuyện "ngược đời" đó lan ra ngoài, khiến ai cũng cảm kích tấm lòng bao dung của ông bà Thành - Thịnh. Trước những lời khen của bà con chòm xóm dành cho mình, đôi vợ chồng già ấy chỉ cười rồi khiêm tốn bảo: "Giúp người là giúp mình mà". |
Loan Nguyễn