Ra tù vào tội
Nguyễn Hồng Sơn sinh ra trong một gia đình công chức, ngay từ thuở nhỏ, anh đã được bố mẹ rất mực cưng chiều mặc dù gia cảnh chẳng mấy khá giả. Tính bướng bỉnh lớn dần theo tuổi, dần dần anh nhận ra rằng dù anh có sai lỗi đến đâu cũng chỉ bị la mắng nhẹ nhàng rồi gia đình dễ dàng bỏ qua. Anh học hành cầm cự được hết cấp 3 rồi như "chim sổ lồng" khi nghe tin mình trượt đại học.
Anh chân thật: "Học xong cấp 3, thi trượt đại học tôi chẳng lấy làm buồn mà lại vui vì từ nay mình không phải học, càng có nhiều thời gian để chơi bời. Lúc đầu chỉ là tụ tập ăn chơi, nhưng chơi mà không có tiền thì buồn lắm, tôi nghĩ xin gia đình mãi thì cũng không được, giờ chỉ có cách kiếm tiền thôi. Mà nghĩ xem kiếm tiền bằng cách nào cũng là một vấn đề, thế là chúng tôi bèn rủ nhau đi trộm cắp vặt. Thú thật ban đầu tôi cũng sợ lắm nhưng rồi dần dần cũng quen, càng ngày tôi càng cảm thấy thích thú khi lấy được của mọi người một cái gì đó miễn là bán được".
Từ ăn cắp vặt chuyển thành trộm cắp những món đồ lớn, dần dần Sơn trở thành tay "đạo chích" chuyên nghiệp từ lúc nào cũng không hay. Rủng rỉnh tiền từ các phi vụ trộm cắp, Sơn muốn kiếm cái gì đó hay, "đã" hơn và "đẳng cấp" hơn để bạn bè phải nể phục. Sơn tìm đến thuốc phiện. Năm đó anh bước sang tuổi 19.
Cũng như bao con nghiện khác, lý do nghiện thuốc phiện của Sơn là thử cho thỏa trí tò mò. Sơn không thể ngờ rằng quyết định này sẽ kéo theo một vết trượt dài đen tối lên cuộc đời anh. Cuộc đời Sơn là một vòng tròn khép kín: Trộm cắp để lấy tiền mua thuốc phiện. "Chơi" xong, Sơn lại tiếp tục đi trộm cắp rồi mua thuốc phiện. Sơn phát hiện ra mình bị nghiện thì cũng đã muộn, cậu không thể sống mà không có "nó", những cơn bứt rứt cấu xé da thịt khiến Sơn tìm mọi cách để kiếm được tiền lo mỗi ngày 3 bữa hút.
Anh Sơn và chị Hằng ngồi trực tại cơ sở của nhóm tự lực
"Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma". Trong một lần đang hí húi bẻ khóa xe thì Sơn bị công an bắt. Tòa tuyên án 12 tháng tù giam. Một năm tuổi xuân bị bỏ phí ở chốn tù ngục đã khiến Sơn ít nhiều tỉnh ngộ. Vừa hết án trở về, bố mẹ Sơn lấy vợ cho anh với hi vọng anh tu trí làm ăn. Với sự giúp đỡ của gia đình nhà vợ, hai vợ chồng Sơn có được một sạp hàng bán vải ở chợ. Cuộc sống ổn định một thời gian, dần dần sạp hàng cũng sinh chút lợi nhuận, Sơn lại có "đồng ra đồng vào".
Có tiền trong tay, Sơn lại bắt đầu mon men tìm lại đường cũ. Ngày đó, đau đớn cho Sơn là người dẫn lối anh sa chân vào ma túy lại chính là anh vợ. Nghe lời dụ dỗ của anh vợ: "Ma túy là "hàng mới", "chơi" không ai biết mà lại rất tiện, chỉ cần cho thuốc vào tờ giấy bạc, đốt lên rồi ngửi thì phê lắm", Sơn tò mò thử cho biết rồi lại mắc nghiện. Hết tiền để hít, Sơn lại xoay ra lấy trộm. Ban đầu là từng khoản nhỏ từ tiền hàng ở sạp vải, rồi cứ thế bao nhiêu tiền buôn bán của vợ Sơn cũng "cuỗm" sạch để cung phụng "nàng tiên trắng". Hết lừa vợ, Sơn quay ra lừa dối gia đình và bạn bè, để thỏa mãn cơn nghiện. Sơn lừa đảo cả bạn hàng để rồi lại phải chịu 2 năm tù giam.
Ngày ra tù, lòng anh buồn vời vợi khi thấy cảnh đứa con gái mới sinh được mấy tháng phải ở cùng ông bà nội. Vợ anh đã bỏ đi vì đã quá chán với người chồng hết nghiện ngập lại tù tội. Không có công ăn việc làm, Sơn chẳng biết làm gì hơn ngoài việc tơ tưởng đến "nàng tiên" của lòng mình. Tự cho mình được phép "tìm quên" trong những cơn phê thuốc. Nhớ lại quãng thời gian u tối của cuộc đời mình, Sơn phân trần: "Nó là ma túy mà, quả thật gọi là "ma" chẳng sai chút nào, nó lúc nào cũng ám ảnh trong tâm trí mình, lúc nào mình cũng nghĩ tới nó, nó ám mình đến nỗi nó có thể chi phối hết con người mình, mình chẳng còn là mình nữa. Lúc đấy nghĩ rằng chỉ có nó mình mới quên đi thực tại buồn chán này, hết cơn phê đến lúc tỉnh ra cũng biết mình sai, mình có lỗi nhưng thành thật mà nói, biết vậy nhưng chẳng làm gì được vì mình đã quá phụ thuộc vào nó rồi".
Sơn tâm sự rằng, cuộc đời anh lúc này như một người bị lún bùn. Sơn biết mình sẽ ngày càng lún sâu và điều gì đến cũng sẽ đến. Hết tiền hút, Sơn chuyển sang chích để tăng độ "phê" và giảm chi phí rồi ngày càng nghiện nặng, đến nỗi mỗi sáng mở mắt ra là phải lo, phải "chạy" để có nó. Thời gian này, Sơn sẵn sàng làm bất cứ cái gì để có thuốc chích, thậm chí là đi buôn bán ma túy. Đã 2 lần vào tù ra tội, Sơn biết rõ viễn cảnh của những bộ quần áo kẻ sọc đang chờ đón nhưng vẫn lao vào như con thiêu thân để có tiền hút chích.
Sự se duyên của số phận
Cái giá phải trả cho sự nông nổi quá đắt, tổng cộng Sơn phải mất thêm 10 năm nữa của cuộc đời để cai nghiện và đi tù. Lần đi tù này đã khiến Sơn thực sự sáng mắt. Ngày Sơn ra tù cũng là ngày anh thấy đứa con gái bé bỏng ngày nào bây giờ đã thành thiếu nữ. Con gái Sơn đã không nhận được sự chăm sóc của cả bố mẹ, đã bị chính bố mẹ đánh cắp tuổi thơ, từ nhỏ đến lớn phải chịu biết bao thiệt thòi, không biết chia sẻ với ai. "Nhìn con bé mà lòng tôi xót xa, tôi quyết tâm từ bỏ ma túy, phải làm thế nào để ma tuý phải sợ mình chứ mình không thể sợ nó", Sơn nói.
Nhận thấy Sơn có biến chuyển tốt gia đình và bạn bè anh rất vui. Có người đã giới thiệu anh đến với nhóm tự lực của những người đã và đang sử dụng ma túy cùng giúp nhau cai nghiện. Anh như người chết đuối vớ được cọc, được ở trong môi trường mà bấy lâu nay anh chưa từng được biết đến. Mọi người ở đây đều có hoàn cảnh và quá khứ giống như anh nhưng họ khác anh ở một điểm, họ đã vượt qua, vươn lên và cai nghiện thành công. Anh thầm nghĩ, họ cũng nghiện như mình mà họ lại dứt ra được thì sao mình lại không làm được? Anh tìm đến họ để nhận được sự đồng cảm và sẻ chia cũng như những nâng đỡ về tinh thần.
Với sự đồng hành của các thành viên trong nhóm, Sơn đã cai nghiện thành công. Nhớ lại những cơn "vật" thuốc, Sơn không khỏi "rùng mình". Bù lại, anh có một động lực vô cùng lớn, đó là sự quan tâm của chị Hằng, thành viên nòng cốt của nhóm. Chị cũng là người đã từng nghiện ma túy. Làn khói trắng đã lấy đi của chị vẻ đẹp đầy đặn, thay vào đó là sự hốc hác gầy gò. Quá khứ của chị là chuỗi ngày khổ sở vì những cơn nghiện của chồng. Uất ức, chị cũng hút cũng chích để rồi phải vào trại cai nghiện. Ma túy đã cướp đi hạnh phúc gia đình chị. Chị không thể để nó tàn phá cả cuộc đời chị nữa, chị tự cai không tái nghiện từ năm 2007 đến nay. Chị trở thành thành viên nòng cốt của nhóm tự lực, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Hơn ai hết, chị biết rằng cai nghiện không phải là một hành động mà là một quá trình. Bằng những kinh nghiệm của bản thân và bằng sự ân cần của người phụ nữ, chị đã "thu phục" được anh Sơn.
Cai nghiện thành công, anh Sơn xin phép gia đình làm vài mâm cơm để cảm ơn các thành viên trong nhóm và cũng là để chị chính thức ra mắt họ hàng "nhà nội". Nhờ sự giới thiệu của chị, anh Sơn quay về "đầu quân" cho nhóm tự lực, cảm thấy mình là người có ích khi được giúp đỡ các "chiến hữu cũ" trở về nẻo chính đường ngay. Hàng ngày anh chở chị đến cơ sở của nhóm tự lực ở bên kia cầu Long Biên, họ cùng nhau túc trực ở cơ sở để tư vấn và làm các công tác xã hội giúp những người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Tết 2013 này là cái tết đầu tiên Sơn - Hằng nên nghĩa vợ chồng. Con đường phía trước của anh chị còn lắm chông gai vì họ biết, mỗi ngày trôi qua lại là một cuộc chiến cam go để giữ mình không lạc vào "vết xe đổ", nhưng cứ tin đi, "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn".
"Cuộc đời tôi như được hồi sinh. Đến giờ tôi đã lấy được vợ và lại có công ăn việc làm ổn định, điều đáng nói là chính vợ đã giúp tôi cai nghiện. Qua đây tôi rất mong muốn các bạn đã và đang sử dụng ma túy hãy từ bỏ hẳn, dù khó nhưng bỏ nó thì ta mới sống được. Tôi nhận ra rằng có nhiều người tốt xung quanh sẵn sàng giúp đỡ nếu ta biết làm lại cuộc đời. Tôi kể lại câu chuyện của mình, một người nghiện ma túy 12 năm và đã làm lại cuộc đời với mong muốn được chia sẻ niềm vui với tất cả những ai đã và đang có hoàn cảnh giống tôi", Sơn nói. |
Thanh Xuân