Tiền bao nhiêu ăn rồi cũng hết!
Nằm giữa bao khách sạn nhộn nhịp kẻ vào người ra không ngớt gần khu du lịch Đại Nam là một cơ sở bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) nơi cưu mang nhiều phận đời éo le, cám cảnh. Ít ai ngờ rằng, nơi đây từng là một khách sạn tiện nghi, nức tiếng trong vùng vì công việc kinh doanh hết sức thuận lợi. Chủ nhân của khách sạn mang tên Ngọc Quý là ông Nguyễn Quang Sức và bà Đỗ Thị Quý.
Năm 2002, sau bao nhiêu năm lăn lộn, mưu sinh kiếm sống đủ thứ nghề, ông Sức và bà Quý đã tích cóp được số vốn để mua một mảnh đất ở xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một (nay là phường Hiệp An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bỉnh Dương) để xây dựng một khách sạn khang trang đầy đủ tiện nghi có 46 phòng, được thiết kế hình chữ U với 3 dãy nhà cao hai tầng, ở giữa là một khoảng sân rộng rãi thoáng mát.
Thế nhưng “đùng” một cái, năm 2012, ai nấy đều “mắt tròn mắt dẹt” khi hay tin khách sạn Ngọc Quý từ nay chỉ cho người vô gia cư, trẻ em lang thang, người già neo đơn trú ngụ! Giữa lúc khách sạn đang làm ăn thịnh đạt, có ngày doanh thu lên đến gần chục triệu đồng lại nằm ngay vị trí đắc địa gần khu du lịch nổi tiếng nhưng không ai hiểu nguyên nhân do đâu chủ khách sạn lại có việc làm kỳ lạ đến thế. Nhiều người “đoán già đoán non” có thể đây là... “chiêu” kinh doanh mới của khách sạn.
Mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, bao nhiêu nghi kỵ được lý giải khi tấm biển khách sạn Ngọc Quý được treo lên gần chục năm bị tháo gỡ và thay vào đó là tấm biển vàng với dòng chữ “Cơ sở bảo trợ xã hội từ thiện Ngọc Quý nuôi dưỡng người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi” được UBND TP. Thủ Dầu Một cấp ngày 1/11/2012. Từ một khách sạn sang trọng với diện tích hơn 1.000m2, được xây dựng mất gần 2 tỷ đồng tương đương với 80 cây vàng thời đó nay đã trở thành nơi cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh. Nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt phúc hậu, bà Sức điềm đạm: “Vợ chồng tôi sống cùng với nhau hơn 40 năm, nhưng không có một ngày nào vui sướng vì phải lo làm ăn vất vả, lam lũ. Tôi và chồng đã làm đủ thứ nghề chỉ trừ... ăn trộm. Từ vá xe đạp, xe máy, xe tải, làm lô tô ở hội chợ, chế biến... nhưng giờ đến cuối đời mới nghiệm ra rằng tiền làm ra bao nhiêu ăn rồi cũng hết, chết cũng chẳng được mang theo chi bằng tạo ra nhiều việc có ý nghĩa”.
Ông Sức quê ở huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), từ nhỏ cuộc sống gia đình khó khăn nên ông đã được nương tựa trong chùa. Lớn lên một chút, cha lại đem ông vào viện mồ côi cho đến lúc trưởng thành. Để có thể tự nuôi bản thân, ông Sức đã phải lăn lộn kiếm từng đồng bạc lẻ, ai thuê gì làm nấy nơi Chợ Lớn (TP.HCM). Suốt khoảng thời gian được các thầy trong chùa cưu mang, nhìn những đứa trẻ mồ côi có hoàn cảnh giống mình, cậu bé Sức lúc đó đã nuôi tâm nguyện sau này sẽ xây dựng một cơ sở làm nơi đi về cho những ai bất hạnh.
Những ngày còn kinh doanh khách sạn, vào một đêm mưa vợ chồng ông vô tình bắt gặp hai mẹ con chẳng biết gốc gác ở đâu, đang đứng nép mình trú mưa bên cánh cổng của khách sạn. Nhìn cảnh hai mẹ con người ướt như “chuột lột”, ông bà thương tình đã mời vào một phòng khách sạn cho ngủ qua đêm. Bước vào căn phòng đã được mở sẵn máy điều hòa, trên giường là tấm drap (ga) trải giường trắng muốt, hai mẹ con nọ cứ dấm dứ muốn bước vào nhưng ái ngại lại thôi. Thấy thế, ông bà đến động viên hứa sẽ không lấy tiền.
Không khỏi thắc mắc về hai mẹ con lang thang giữa đêm mưa, đôi vợ chồng chủ khách sạn tốt bụng gặng hỏi thì được biết người đàn bà nọ quê ở tận miền Tây. Sau khi lấy chồng thì lên Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) ở và phát hiện anh chồng sa vào nghiện ngập từ lúc nào, đã thế còn suốt ngày đánh đập vợ dã man, không chịu đựng nổi cuộc sống như ngục tù nên hai mẹ con chị đã bỏ nhà đi lang thang. Duyên số run rủi không lâu sau đó, chị quen được một người đàn ông làm nghề xe ôm ở thị xã Thuận An (Bình Dương) và quyết định về sống chung. Nhưng không ngờ hắn lại là một gã sở khanh nên đã lừa lấy hết số tiền chị dành dụm để nuôi con rồi bỏ đi biệt tích. Chị thành người vô sản, trong tay không có nổi mảnh đất cắm dùi nên hai mẹ con đành đi lang thang vạ vật khắp vỉa hè, tối đến đâu cũng là giường. Cám cảnh cho hai mẹ con côi cút, vợ chồng ông Sức đã cho họ ở lại khách sạn luôn từ đó.
Chỉ mong mọi người được no ấm
Ngày đó, hay tin vợ chồng ông Sức, bà Quý cưu mang người lang thang, tiếng lành đồn xa đã có nhiều người vô gia cư tìm đến khách sạn Ngọc Quý để xin ở miễn phí. Dần dần lượng người tìm đến càng đông nên hai vợ chồng ông bà sau nhiều đêm trăn trở đã quyết định dừng công việc kinh doanh của khách sạn để cho người già, trẻ em mồ côi, người vô gia cư đến ở không lấy tiền. Đã từng có người muốn mua khách sạn với giá 12 tỷ đồng nhưng vợ chồng ông bà vẫn nhất quyết không nhận.
“Nếu chúng tôi bán đi thì rồi cũng ăn hết, còn những người đang xin ở đây họ sẽ ra sao nếu không có chỗ để nương thân. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau tạo ra một cô nhi viện, nuôi người neo đơn để tạo công đức. Sau này mình ra đi cũng được nhẹ nhàng hơn”, ông Sức chia sẻ.
Qua nhiều năm, cơ sở từ thiện Ngọc Quý đã cưu mang vô số người cơ nhỡ. Có người đến ở tạm qua hết thời khó khăn rồi ra đi, nhưng cũng có phận đời quá bất hạnh đã xin ở lại miễn phí và làm công quả.
Ở đây các em nhỏ đều là những đứa trẻ mồ côi, bị cha mẹ đem bỏ trước cổng cơ sở. Các cụ già được bao tấm lòng hảo tâm giúp đỡ người nghèo khó, cũng có người mượn danh nghĩa từ thiện để “đánh bóng” tên tuổi, khua chiêng, gõ mõ ầm ĩ nhưng đâu đó vẫn có người làm thiện nguyện lặng lẽ âm thầm nhưng bền bỉ. Tấm lòng từ bi của ông Sức, bà Quý thật đáng nể phục.
Khôi Nguyên