Cặp voi vàng và giếng nước không đáy tại đền thờ vua Hàm Nghi

Cặp voi vàng và giếng nước không đáy tại đền thờ vua Hàm Nghi

Phạm Xuân Chinh

Phạm Xuân Chinh

Chủ nhật, 07/01/2018 19:57

Quần thể di tích thành Sơn Phòng, đền Cộng Đồng, đền Trầm Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang lưu giữ cặp voi bằng vàng ròng và nhiều báu vật do vua Hàm Nghi ban tặng. Tại đây, còn có một cái giếng rộng khoảng 500m2, không đáy và nước đổi màu theo mùa.

Theo tài liệu ghi chép lại, năm 1885, sau khi thất thủ tại kinh thành Huế, vua Hàm Nghi được tướng quân Tôn Thất Thuyết và các đại thần “hộ giá” ra lập căn cứ, xây dựng phòng tuyến chống thực dân Pháp tại thành Sơn Phòng, dưới chân núi Dăng Màn, thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê.

Đêm 20/9/1885, khi Vua vừa chợp mắt thì có một nữ tiên từ trên trời giáng xuống báo mộng là quân giặc đang kéo đến vây bắt nên giúp nhà Vua may mắn thoát nạn. Để cảm ơn tiên nữ và nhân dân xã Phú Gia đã cưu mang, giúp đỡ mình, vua Hàm Nghi đã ban sắc chiếu để ghi công nữ tiên và từ đó đền Trầm Lâm (cách thành Sơn Phòng – nơi vua đóng quân khoảng 1km) trở thành đền Muội Thiên Hiện (người con gái trời giáng xuống trần) - đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm như ngày nay và tặng 2 con voi bằng vàng ròng (1 con 27 chỉ vàng, con còn lại 17 chỉ), 1 con voi bằng đồng đen, 2 thanh bảo kiếm, áo hoàng bào của vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen ... cho người dân địa phương.

Xã hội - Cặp voi vàng và giếng nước không đáy tại đền thờ vua Hàm Nghi

Tại ngôi đền này, năm xưa vua Hàm Nghi và các quần thần đã đóng quân để chống Pháp xâm lược.

Nói về quá trình gìn giữ, bảo vệ các báu vật, trong đó có cặp voi vàng của vua Hàm Nghi ban tặng, ông Lê Văn Khâm (SN 1942), Phó Ban quản lý quần thể di tích thành Sơn Phòng, đền Cộng Đồng, đền Trầm Lâm kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện kì bí, đã trở thành giai thoại.

Theo ông Khâm, trước đây, trong thời kỳ chiến tranh đói kém, do lòng tham, một cổ đạo được giao trọng trách lưu giữ bảo vật đã trộm 1 con voi vàng nặng 27 chỉ, mang sang Lào đổi lấy 10 con trâu. Sau khi đổi xong, trên đường dắt trâu trở về, khi đến chân núi Chân Trụ, thuộc xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê thì người này bị trâu húc chết. Một thời gian sau, khi nghe tin, người dân Lào đã vội vàng đưa voi vàng sang đền Trầm Lâm để trả lại.

Xã hội - Cặp voi vàng và giếng nước không đáy tại đền thờ vua Hàm Nghi (Hình 2).

Cặp voi bằng vàng ròng (2 con nhỏ) do vua Hàm Nghi ban tặng vẫn được người dân xã Phú Gia lưu giữ cho tới ngày nay.

Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng (âm lịch), xã Phú Gia lại tổ chức lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi. Vào ngày này, các báu vật vua ban sẽ được rước từ ngôi nhà của cổ đạo chủ (người được dân làng tin tưởng giao trông coi và bảo vệ) ra di tích để làm lễ, rồi được rước tới nhà bàn giao cho cổ đạo chủ mới cất giữ. Lễ hội rước sắc phong của vua Hàm Nghi hàng năm là để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Cứ 2 năm một lần, ban quản lý khu di tích và chính quyền địa phương lại họp bàn để tuyển chọn tân cổ đạo chủ mới. Tiêu chuẩn của tân đạo chủ phải là những người lớn tuổi, có học thức, am hiểu về lễ tế, lịch sử hình thành của di tích, có uy tín với bà con nhân dân, gia phong phải nề nếp. Đặc biệt, người được chọn làm tân cổ đạo chủ phải có đầy đủ cả vợ lẫn chồng. Trước khi tiếp nhận, tân cổ đạo chủ phải làm lễ xin keo (dùng đồng tiền xu 2 mặt sấp và ngửa để gieo quẻ) và khi được “bề trên” chấp nhận mới được phép tiếp nhận.

Hiện tại, người được giao trọng trách đảm nhận cổ đạo chủ là ông Phan Hiền. Ông Hiền là một giáo viên tiểu học về hưu, năm nay đã ngoài 75 tuổi. Dù đã làm cổ đạo chủ hơn 2 năm, nhưng do chưa tìm được tân cổ đạo mới đủ tiêu chuẩn thay thế nên ông này vẫn đang tiếp tục gánh vác trọng trách dân làng giao phó.

Xã hội - Cặp voi vàng và giếng nước không đáy tại đền thờ vua Hàm Nghi (Hình 3).

Giếng nước được cho là không đáy tại đền Trầm Lâm.

Ông Lê Văn Khâm cho biết, trong khuôn viên của đền Trầm Lâm có một cái giếng rộng khoảng 500m2, không có đáy nên mùa hè không bao giờ cạn. Điều đặc biệt là nước tại giếng đổi màu theo mùa, về mùa đông nước giếng trong xanh và rất ấm, còn về mùa hạ thì giếng chuyển sang màu ngả vàng.

Năm 2001, quần thể di tích thành Sơn Phòng, đền Cộng Đồng, đền Trầm Lâm, thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê được bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ông Lê Xuân Sang, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Phú Gia cho hay, những câu chuyện kỳ bí trên chỉ được người dân truyền miệng lại chứ không có ghi chép trong sử sách. Đến nay, cũng chưa ai xác thực được sự chính xác của những câu chuyện này. Đó có thể là những câu chuyện hư cấu của các cổ đạo chủ và người dân địa phương để răn đe tà tâm của những kẻ muốn chiếm đoạt báu vật mà thôi.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.