Không thể bảo vệ chiếc HCV tại nội dung vật tự do nữ tại Olympic London 2012, nhưng với hàng triệu fan hâm mộ Việt Nam, Carol Huỳnh xứng đáng được coi là niềm tự hào số một. Cũng dễ hiểu, bởi cho đến thời điểm này, cô chính là ngôi sao mang dòng máu Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay có được 2 huy chương cá nhân, trong đó có 1 tấm huy chương Vàng danh giá, tại các kỳ Thế vận hội.
Carol Huỳnh trở thành niềm tự hào của Cộng đồng người Việt trên khắp năm châu
Gian nan đường đến đỉnh cao
Những ngày đầu đến Canada, cuộc sống mới khiến gia đình Carol gặp rất nhiều khó khăn. Bố mẹ Carol Huỳnh phải làm mọi việc để nuôi dạy năm con nhỏ, bốn người sinh ra khi còn ở Việt Nam, riêng cô con gái út Carol Huỳnh chào đời chỉ chín tháng sau khi họ định cư ở Hazelton, một tỉnh nhỏ vùng núi, thuộc tiểu bang British Columbia.
Ngay từ những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất Bắc Mỹ, bố mẹ Carol Huỳnh đã rèn luyện tính độc lập và thói quen lao động cho các con. Carol Huỳnh cũng không được hưởng ngoại lệ so với anh chị. Tuy nhiên, các anh chị đã gánh hết những việc nặng nhọc nhằm giúp cô em út có nhiều thời gian học tập và tập luyện mọi môn thể thao mà cô thích. Đặc biệt, do cả hai người chị tham gia môn vật tự do tại trường học nên Carol Huỳnh đã biết tới môn đô vật từ rất sớm. Chính vì thế, Carol Huỳnh có một tình yêu mãnh liệt với môn đô vật hơn bất kì bộ môn thể thao nào khác.
Kể từ khi chính thức bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp, không phải lúc nào Carol Huỳnh cũng gặp thuận lợi, đặc biệt với ước mơ được thi đấu tại đấu trường Olympic của Carol Huỳnh. Sau khi gia nhập làng đô vật chuyên nghiệp của Thế giới năm 2000, chỉ mất 2 năm, Carol Huỳnh đã chứng tỏ được thực lực của mình khi giành vị trí quán quân của giải vật tự do Thế giới hạng cân 46kg của nữ. Cũng trong năm đó, Carol Huỳnh đứng vị trí số một trong bảng xếp hạng của hai Hiệp hội đô vật Thế giới CIS và NAIA.
Những tưởng mọi thứ sẽ suôn sẻ cho Carol Huỳnh trên con đường tới Olympic Athen 2004, thì trong trận đấu cuối cùng để quyết định ai là người được dự Olympic Athens, Carol Huỳnh thua Lyndsay Belisle, người bạn thân ở đội tuyển Canada. Thất bại đã khiến giấc mơ thi đấu tại Olympic sụp đổ, nhưng cũng chính thất bại đó đã thổi vào Carol Huỳnh một quyết tâm cao độ khi phải ngồi ngoài chứng kiến người bạn của mình thi đấu tại Olympic Athens.
“Tôi không bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc sau thất bại. Có lúc, tôi muốn ngừng mọi thứ vì cảm thấy suy kiệt về thể lực cũng như tinh thần, nhưng tôi luôn tự nhủ phải đứng vững vì trước mắt còn những mục tiêu chưa hoàn thành”, Carol Huỳnh tâm sự. Và để biến ước mơ thành hiện thực, nữ đô vật tài năng đã có một quyết định táo bạo: tạm ngưng việc học, chuyển từ Vancouver đến Calgary, dành mọi thời gian cho việc tập luyện với các huấn luyện viên (HLV) giỏi nhất của đội tuyển Canada. Nỗ lực tột bậc của Carol Huỳnh cuối cùng đã được đến đáp khi giành vị trí đại diện cho đội đô vật Canada tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 sau khi đánh bại người đồng đội Erica Sharp ở trận đấu cuối cùng.
Biến giấc mơ thành sự thật
Được đánh giá rất cao khi tham dự Olympic 2008, Carol Huỳnh đã không phụ long mong mỏi của người hâm mộ khi thắng như chẻ tre để có mặt trong trận chung kết nội dung vật nữ hạng cân 48 kg. Tuy nhiên đối thủ của Carol Huỳnh là một bức tường thật sự bởi Chiharu Icho - VĐV Nhật đang là vô địch thế giới và là người đoạt huy chương Bạc Olympic Athens bốn năm trước.
Trước trận đấu, Icho được dự báo sẽ chiến thắng không mấy khó khăn, nhưng Icho không ngờ đối thủ của mình lại ngoan cường đến vậy. Khi trận đấu bắt đầu, Carol Huỳnh tấn công ngay, không cho đối thủ có cơ hội giành quyền kiểm soát trận đấu. Những điểm ghi được liên tiếp của Carol Huỳnh càng lúc càng khiến Icho thêm bất lực trong việc lật ngược thế trận. Thời khắc trọng tài đưa cao tay Carol Huỳnh lên để báo hiệu cô là người chiến thắng, những người Canada có mặt trên khán đài như phát điên lên vì vui sướng. Trên sàn đấu, Carol Huỳnh vừa khóc vừa cười, rồi hét lên trong lúc gương mặt đẫm lệ.
Sau thành công tại Olympic Bắc Kinh 2008, Carol Huỳnh tiếp tục việc học để hoàn thành chuyên ngành tâm lý mà mình đã đăng kí. Tốt nghiệp đại học, cô ghi danh học cao học và có được tấm bằng thạc sĩ chỉ vài tháng trước khi nhận được quyết định tập trung đội tuyển vật Canada dự Olympic London 2012. Một lần nữa, Carol Huỳnh lại lao vào tập luyện, bất kể chấn thương cổ và đầu gối hành hạ không ngừng. HLV Leigh Vierling của đội tuyển vật Canada cũng phải thán phục tính kiên cường của Carol Huỳnh. Những người khác không thể vượt qua sức ép về thể lực cũng như tâm lý mà Carol đã gánh chịu trong thời gian đó.
Cũng giống như Olympic Bắc Kinh 4 năm trước đó, tại London Carol Huỳnh tiếp tục có những chiến thắng dễ dàng để có mặt tại trận bán kết. Tuy nhiên, hành trình bảo vệ HCV của Carol Huỳnh đã bị chặn lại bởi VĐV đến từ Nhật Bản Hitom Obara. Đây là VĐV mà thầy của Carol Huỳnh, HLV Vierling, tỏ ra rất e ngại. Nhưng không bị suy sụp tinh thần, Carol Huỳnh hạ quyết tâm và đánh bại thuyết phục đô vật người Senegal ở trận tranh hạng Ba, đem về cho đoàn thể thao Canada tấm HCĐ
London 2012 là lần cuối Carol Huỳnh có mặt ở một kỳ Olympic trong vai trò VĐV. Nhưng với 1 HCV và 1 HCĐ đạt được tại Olympic, Carol Huỳnh vẫn khiến người Việt trên khắp năm châu tự hào khi là VĐV gốc Việt đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này có HCV tại Olympic.
Nhờ chế độ tập luyện khắc nghiệt từ rất sớm nên đến năm 15 tuổi, Carol Huỳnh đã có tên trong đội tuyển của trường trung học và là một trong những ngôi sao trong làng đô vật nữ trung học toàn Canada. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp bậc trung học, Trường Đại học Simon Fraser đã dành sẵn học bổng cho cô nhờ thành tích thể thao xuất sắc. Và không khó khăn mấy để sau đó 1 năm, Carol Huỳnh được gọi vào đội tuyển vật trẻ quốc gia trước khi trở thành thành viên chính thức của đội tuyển quốc gia vào năm 2000. |
Tiến Thịnh
Kỳ 4: Sarah Attar – Người viết sử cho phụ nữ Ả Rập