Ít ai biết, đằng sau những pha mạo hiểm “nghẹt thở” trên màn ảnh, là sự cống hiến không biết mệt mỏi của đội ngũ cascadeur (diễn viên đóng thế). Quyết định theo đuổi nghề cascadeur đồng nghĩa các diễn viên phải đối mặt với nhiều rủi ro và hiểm nguy. Cuộc đời họ cũng bấp bênh, mạo hiểm như chính những vai diễn trong phim.
Báo Người Đưa Tin đã cuộc trò chuyện với Cascadeur Đặng Phi Long – người đã 9 năm trong nghề cascadeur để hiểu rõ hơn về những vất vả, áp lực của nghề đóng thế.
Con đường đến với nghề cascadeur của Phi Long bắt đầu từ đâu?
Ngày bé vì rất mê phim hành động nên tôi đã đi học võ. Một dịp tình cờ, tôi đọc được thông tin trên báo về một lớp dạy cascaduer miễn phí nên liền đăng ký theo học hai tháng. Cũng từ dạo đó, tôi bắt đầu bén duyên với nghề đóng thế. Mỗi lần vượt qua được những pha nguy hiểm, tôi rất thích thú. Cảm giác như vượt qua và chinh phục được những điều khó khăn tưởng chừng như bản thân không thể làm được.
Đã có khi nào anh rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nguy hiểm tới tính mạng?
Có lần tôi quay phim ở cầu Thủ Thiêm và ngã suýt ảnh hưởng tới tính mạng. Lúc đó, do sợi dây bảo hiểm rơi ở tốc độ khá nhanh nên tôi bị dập xương sống và mất hơn 2 tháng tôi mới hết cảm giác đau. Đến giờ, tai nạn đó vẫn để lại di chứng.
Đối mặt với “cửa tử” trong gang tấc, vậy các diễn viên đóng thế sẽ được bảo hiểm, hỗ trợ như thế nào nếu xảy ra sự cố?
Vì cascadeur được liệt vào danh sách những nghề nguy hiểm nhất với xác suất gặp sự cố rất cao và tần suất bị tai nạn lại liên tục, nên diễn viên chỉ có thể mua bảo hiểm y tế, còn những loại bảo hiểm khác thì họ không dám bán cho nghề này.
Trên hết, mỗi diễn viên phải tự đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân. Chúng tôi vừa đóng những cảnh mạo hiểm, vừa phải tự lo an toàn cho mình, chứ không ai đảm bảo tính mạng cho đâu. Những cảnh va chạm ô tô ngoài đường, đánh đấm, trèo leo, diễn viên đóng thế phải tự đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ ăn ý của đồng nghiệp, anh em trong nhóm.
Bản thân người đóng thế phải xác định được những rủi ro cao nhất, để lường trước và tránh trong khi diễn. Tuy nhiên, mức an toàn mà diễn viên lường trước cũng chỉ dừng lại ở 70-80%, chứ không thể 100% được. Vậy nên, cascadeur phải cực kỳ cẩn thận!
Lâu nay, mọi người vẫn nghĩ rằng, nghề cascadeur đóng những pha hành động chắc phải nhiều tiền lắm. Là người trong nghề, anh nói gì về điều này?
Nếu ai đó nói làm diễn viên đóng thế nhiều tiền thì không có đâu. Không thể sống bằng nghề cascadeur vì đồng lương mà diễn viên nhận được rất thấp. Công việc trong tháng cũng không đều. Hơn nữa, cát-xê của cascadeur còn tùy theo phim, giá trị của cảnh mà diễn viên đảm nhận. Nên, lương lưng chừng, không cố định.
Luôn đối mặt với nguy hiểm, đồng lương bèo bọt, vậy có khi nào Phi Long có ý nghĩ bỏ nghề để tìm hướng đi mới?
Đã có một khoảng thời gian tôi bỏ nghề cascadeur để theo đuổi công việc mới. Nhưng, khi thấy anh em diễn, tôi nhớ nghề không chịu nổi, ngứa chân, ngứa tay lắm, nên quyết định quay trở lại. Nếu không có đam mê, thì chắc tôi đã bỏ hẳn rồi.
Gia đình phản ứng thế nào khi Phi Long quyết định theo đuổi nghề nguy hiểm này?
Khi biết tôi có ý định theo đuổi nghề đóng thế, gia đình tôi kịch liệt ngăn cấm. Bố mẹ tôi lo lắm, cứ bảo “Hết nghề chọn, chọn nghề chết”. Nhưng, tôi trấn an “Bố mẹ không phải lo lắng cho con. Cũng có nguy hiểm thật, nhưng có kỹ thuật để mình tránh”.
Lúc đầu, ba mẹ cứ ngỡ tôi đi học võ, nên cho mượn xe máy đi lại cho tiện. Nhưng, khi biết tôi học cascadeur nên không cho đi nữa. Dẫu vậy, tôi vẫn không từ bỏ đam mê và quyết theo đuổi tới cùng. Tôi tận dụng xe đạp cũ bị hỏng, mang ra hàng sửa lại, hàng ngày cứ đạp lên sân tập. Cứ thế, ròng rã hai năm trời, bố mẹ thấy tôi cố chấp quá nên mới đồng ý và cho mượn xe máy để đi.
Về phía bạn gái, cô ấy có ủng hộ anh theo đuổi đam mê của mình?
Ban đầu, cô ấy không ủng hộ, nhưng theo thời gian, thấy tôi đam mê quá nên đành chấp nhận. Vả lại, mỗi lần đóng thế những pha nguy hiểm, tôi cũng hạn chế cho cô ấy đi cùng.
Có lần, tôi đóng pha nhảy lầu qua cửa kính, vô tình cô ấy nhìn thấy tôi nhảy từ trên lầu cao, mảnh kính vương khắp người. Thật ra lúc đó, tôi chỉ bị xây xát nhẹ, nhưng do lớp máu hóa trang nên cô ấy sốc lắm, cứ nghĩ tôi bị làm sao nên khóc quá trời luôn.
Phi Long hãy chia sẻ những kinh nghiệm nghề cho các bạn trẻ có ý định theo đuổi nghề cascadeur?
Để diễn tốt những pha nguy hiểm, cascadeur ngoài kinh nghiệm lâu năm, còn cần phải tập luyện nhiều. Ví dụ, cảnh nhảy lầu, cần nhất sự tỉnh táo, bởi nếu tiếp đất không đúng vị trí có thể dẫn đến gãy tay, chân, trẹo xương sống là chuyện bình thường; đảm nhận cảnh đua xe thì diễn viên phải am hiểu kỹ thuật cơ bản về xe. Thật sự, trong nghề này, cần một chút liều lĩnh.
Cảm ơn những chia sẻ của Cascadeur Phi Long, chúc anh thành công!