Một số đại biểu cho rằng với quy mô diện tích và dân số, chúng ta đang phân bổ quá nhiều đầu mối. Nếu có thể sáp nhập được thì theo tính toán có thể giảm được khoảng 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và giảm 3-4 bộ có cùng nhiệm vụ chức năng tương đồng. Đồng thời, mỗi tỉnh sau sáp nhập có thể tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Tờ Người lao động đăng tải ý kiến của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng với những tỉnh có dân số dưới 800.000 dân thì có thể tính toán sáp nhập lại với nhau. Nếu thực hiện đề xuất này thì sẽ tinh giản được hàng ngàn cán bộ, công chức, từ đó tiết kiệm chi thường xuyên hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, khi sáp nhập cũng tiết kiệm trong sử dụng tài sản công. Theo tính toán của đại biểu, sau khi sáp nhập thì có thể giảm được khoảng 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và giảm 3-4 bộ có cùng nhiệm vụ chức năng tương đồng.
Tuy nhiên, trao đổi với tờ Dân Trí, TS.Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá: “Thực tế trong lịch sử chúng ta đã có thời gian từng nhập các tỉnh rồi, khi đó cả nước chỉ còn có 40 tỉnh. Nhưng sau đó chúng ta cũng nhận thấy việc này không ổn, các tỉnh được “lắp ghép” không hoà nhập được vì khả năng quản lý trên địa bàn rộng như vậy rất khó khăn. Vì thế chúng ta lại tách.
Bây giờ nói lại chuyện nhập tách, trả lời câu hỏi nên hay không thì cần có các chứng cứ. Vừa qua, chứng cứ đáng giá chúng ta có là nhập vào không ổn khiến các tỉnh sau ghép nhập trì trệ, khả năng quản lý hay truyền thống văn hoá… không dung hoà được.
Ví dụ như Nghệ An – Hà Tĩnh, gần gũi vậy mà vẫn không giải quyết được. Khó khăn được xác định khi đó là giữa những người lãnh đạo Nghệ An và Hà Tĩnh không tính toán, cân đối được nhiều vấn đề mà nó đưa đẩy tới bế tắc.
Sau khi tách trở lại thì có vẻ như các tỉnh đều phát triển hơn. Vậy thì chứng cứ mà chúng ta có là việc tách tỉnh không phải là xấu trong khi nói nhập lại vào thời điểm này thì chưa thấy có chứng cứ nào cho thấy việc nhập sẽ tốt cả”.
Mới đây, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau nên phải có tổng kết mới đánh giá được.
"Tuy nhiên Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại. Trong Nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh"- ông Tân cho hay.
Còn về sáp nhập các bộ, theo ông Tân, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là "tiếp tục nghiên cứu".
Thành Huế (tổng hợp)