Theo thông tin từ tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) chia sẻ với báo Nhân Dân, hiện nay, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm 8% tổng số khách hàng (tương ứng khoảng 100.000 khách hàng) và 11% số khách hàng có mức tiêu thụ rất ít, chỉ 1- 4m³/tháng (tương ứng khoảng 138.000 khách hàng).
Phó Tổng Giám đốc Sawaco, ông Bùi Thanh Giang thông qua báo Nhân Dân nhận định: Nguồn nước ngầm tự khai thác có chi phí rẻ hơn so với nước máy là một trong những lý do chính dẫn đến việc các hộ gia đình, các khu công nghiệp, khu chế xuất không sử dụng nguồn nước máy của đơn vị cấp nước. Tuy nhiên, hậu quả của việc khai thác nước ngầm quá mức và sử dụng nước ngầm không bảo đảm vệ sinh thì người dân chưa lường hết được.
Cũng theo ông Giang, nước máy đã có thể được cấp đến 100% số hộ dân của thành phố với tổng lượng nước phát ra mỗi ngày đêm của Sawaco gần 2,2 triệu m³ (dư hơn 500.000m³/ngày đêm), trong khi một lượng lớn nước ngầm vẫn được người dân và doanh nghiệp khai thác sử dụng là sự lãng phí lớn về tài nguyên nước cũng như đe dọa môi trường do nguy cơ sụt lún từ khai thác nước ngầm gây ra.
Vì vậy, theo Dân Trí, theo tờ trình về ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan khai thác nước trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 của sở TN-MT TP.HCM, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, TP.HCM chỉ khai thác 100.000m³/ngày.
Đồng thời, TP.HCM sẽ trám lấp các giếng khoan hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước.
Hiện nay, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố vào khoảng hơn 700.000m³/ngày. Theo lộ trình, giai đoạn 2017-2019, giảm lượng khai thác còn 330.000m³/ngày; giai đoạn 2024-2025 còn 100.000m³/ngày.
Riêng đối với tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), lượng nước khai thác dưới đất hiện nay là 130.000m³/ngày, đến năm 2025 sẽ giảm còn 50.000m³/ngày.
Sở TN-MT TP.HCM cho rằng, việc cắt giảm lượng nước khai thác dưới đất theo lộ trình trên là khả thi.
Theo sở này, dự báo nhu cầu sử dụng nước của TP.HCM đến năm 2025 (bao gồm nước sinh hoạt, công nghiệp, các loại hình dịch vụ khác và nước thất thoát) là 3.570.000m³/ngày đêm.
Trong khi đó, riêng tổng công suất cấp nước sử dụng nước mặt từ các nguồn sông Đồng Nai/hồ Trị An và nguồn nước sông Sài Gòn/hồ Dầu Tiếng – hồ Phước Hòa đến năm 2025 là 3.600.000m³/ngày đêm.
Bên cạnh đó, sở TN-MT cho biết, các khu vực đã có hệ thống cấp nước của TP, lưu lượng, chất lượng và áp lực nước đáp ứng yêu cầu sẽ ngưng cấp phép mới hoạt gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện sẽ áp dụng các giải pháp hỗ trợ khác như đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước của thành phố, không sử dụng nguồn nước dưới đất; đề xuất điều chỉnh quy hoạch cấp nước của TP, trong đó có tích hợp với biến đổi khí hậu cho phù hợp với điều kiện của thành phố.
Hiện nay, tình hình khai thác nước ngầm tràn lan có nguy cơ dẫn đến hiện tượng sụt lún. Ngoài ra, nguồn nước thải ô nhiễm xâm nhập vào nguồn nước dưới đất nên việc sử dụng nguồn nước này chưa qua xử lý để phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người dân.
Ngọc Lài (tổng hợp)