Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ngày 9/6, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry - Bạc Liêu đồng tình với 9 nhóm vấn đề thể hiện trong báo cáo của Chính phủ. Bà đánh giá, báo cáo đã phản ánh khá rõ nét về tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian qua.
Trong đó cho thấy Chính phủ và chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh những mặt đạt được cũng còn nhiều vấn đề tồn tại chưa có giải pháp thiết thực nhằm khắc phục triệt để, như khai thác cát trái phép, chặt phá rừng, ô nhiễm môi trường, thất thoát trong đầu tư công cũng chưa đạt kết quả như mong muốn….
Trên cơ sở tiếp xúc ý kiến cử tri trước kỳ họp Quốc hội, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry cho rằng, việc khai thác tài nguyên trái phép, nhất là nạn khai thác cát trái phép, phá rừng xảy ra còn rất nghiêm trọng.
“Trong báo cáo ý kiến tổng hợp cử tri, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá là diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền và dư luận. Mặc dù vấn đề này được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 lần kiến nghị với Quốc hội và 2 lần với Chính phủ nhưng tình trạng vẫn chưa giảm, kết quả chưa đạt được như mong muốn và đáng báo động, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Dù chính quyền địa phương vào cuộc nhưng do thiếu phương tiện, kinh phí, con người và công cụ cần thiết nên việc bắt giữ các đối tượng vi phạm, các tàu hút trộm cát gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra là với những điểm sạt lở trong thời gian qua, hiện nay chúng ta còn bao nhiêu điểm được cấp phép khai thác nằm trong quy hoạch.
Cử tri thắc mắc là vì sao cát tặc tồn tại được? Phải chăng liên quan đến lợi ích nhóm dẫn đến buông lỏng trong quản lý hay bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật, chưa kể có nơi còn hợp thức hóa vấn đề này dưới dạng nạo vét lòng sông”, ĐBQH Hoa Ry nói.
Vị ĐBQH cũng chỉ ra rằng, cát là nhu cầu lớn đối với ngành xây dựng, có cầu ắt có cung, hơn nữa người khai thác cát trộm không mất gì, chỉ hút trộm cát lên bán thu lợi, còn người mua cát trộm cũng không mất gì, thậm chí được lợi vì mua giá rẻ, lợi thế đầu vào sản phẩm xây dựng và có ưu thế cạnh tranh.
"Mặt khác, cát trộm còn tuồn bán ra nước ngoài với giá rẻ. Người thiệt hại ở đây chính là người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, Nhà nước phải xuất ngân sách để hỗ trợ khắc phục những hậu quả này. Có nơi vì quá bức xúc, người dân tự xử lý cát tặc và vây bắt đối tượng trộm cát.
Một vấn đề nữa đặt ra là với tình trạng sạt lở nghiêm trọng như hiện nay, nước ta còn bao nhiêu điểm nữa khai thác được", ĐBQH Hoa Ry nhấn mạnh.
“Chính vì vậy, tôi đề nghị nếu không có giải pháp triệt để và tạo điều kiện cần thiết của các cấp có thẩm quyền và sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân thì không thể khắc phục được vấn nạn này.
Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn các cơ quan chức năng và địa phương chấn chỉnh trong quản lý công bố công khai vùng quy hoạch được phép khai thác, cũng như đối tượng được cấp phép để người dân giám sát.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng đủ sức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và cả những người có trách nhiệm ở địa phương buông lỏng trong quản lý. Song song với đó, tôi đề nghị Quốc hội nên giao cho Ủy ban Quốc hội có giám sát chuyên đề riêng về vấn đề này để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục triệt để”, ĐBQH đoàn Bạc Liêu bày tỏ.
Dương Thu