Không ít người dân tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương không giấu được bức xúc trước sự lộng hành của “cát tặc”, một vấn nạn mới của những người dân nơi đây khi hệ thống ao ruộng, đất nông nghiệp ven đê của họ đang bị “rút ruột” từng ngày.
Tại hiện trường, trên suốt dọc bờ đê đoạn qua xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ ngày đêm luôn rầm rập những chiếc xe tải trọng lớn chở đầy cát từ các bãi bồi vào nội địa. Xe tải ngày đêm cày phá khiến mặt đê vốn được đổ xi măng phẳng lì nay nham nhở như những miếng vá trước sức phá hủy không thương tiếc của những chiếc xe siêu trường siêu trọng.
Trước cảnh tượng nói trên, ông Nguyễn Văn S., một người dân xã Đại Đồng không khỏi xót xa: “Chẳng mấy mà con đê tả sông Thái Bình sẽ bị đục khoét vào đến tận chân. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư lên chính quyền nhưng các cơ quan chức năng vẫn “làm ngơ” trong khi “cát tặc” vẫn hoành hành”.
Tàu hút trộm cát trên sông Thái Bình, đoạn chảy qua huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.
Trong câu chuyện với PV, anh Trần Văn H., người từng nhiều năm tham gia vào đội quân “cát tặc” cho biết: “Loại tàu “cát tặc” sử dụng chủ yếu có trọng tải từ 300 – 400 m3, loại nhỏ tầm hơn 100 mét khối. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một chiếc thuyền loại vừa, với công suất hút cát trung bình, có thể “móc” từ dưới lòng sông lên khoảng 200-300m3 cát. Nhẩm tính, mỗi ngày những kẻ khai thác cát trái phép đã “hút” đi hàng chục nghìn mét khối cát dưới lòng sông, và dần tới đây xóa sổ cả những mảnh ruộng, bãi bồi ven sông”.
Sau nhiều năm khai thác, hiện trường các bãi bồi sông Thái Bình đoạn qua huyện Tứ Kỳ là một cảnh tượng tan hoang, đổ nát kéo dài trên một diện rộng dọc bờ sông và nguy hiểm hơn những bãi khai thác này chỉ cách bờ đê chống lũ chưa đến vài trăm mét.
Cũng theo anh H. đội quân “cát tặc” thường hoạt động chủ yếu vào cuối giờ chiều và ban đêm. Những hôm thời tiết thuận lợi, thuyền khai thác cát kéo ra tràn khắp mặt sông, thắp đèn sáng trưng cả một đoạn sông dài. Được biết, vào thời gian cao điểm, có đến hàng trăm chiếc thuyền cùng khai thác cát trên đoạn sông dài chưa đến 10km.
Những thùng, mũng rỗng ruột tiếp nối nhau ở các bãi bồi ven sông Thái Bình đoạn qua xã Đại Đồng, Tứ Kỳ
Thực tế tại đây cho thấy, để qua mắt người ngoài cũng như các cơ quan chức năng, những đội tàu khai thác cát tại đây đã dùng những thủ đoạn vô cùng xảo quyệt, chúng liên hệ với những người dân có đất bồi ven sông và mua lại đất. Sau khi có được những bãi đất vốn là đất nông nghiệp từ các hộ dân, “cát tặc” bóc lớp đất trên mặt tạo thành những chiếc ao hàng trăm m2, nằm san sát nhau để tiện khai thác. Với một hệ thống “vòi rồng” được ngụy trang và thọc sâu xuống lòng ao đến hàng chục mét, những con thuyền ngoài sông có thể thoải mái hút cát trong ruộng của dân mà chính quyền và người ngoài không hề hay biết.
Nhìn những vườn chuối xanh mướt ven sông, ít ai nghĩ rằng chỉ trong một thời gian không xa nữa khi có một tác động nhẹ, hoặc một cơn lũ bất thường tràn qua, cả khu vực bãi chuối có thể sẽ đổ sập xuống và không ai dám chắc con đường đê chắn lũ kia sẽ trụ vững khi mà chân đê đang bị đe dọa từng ngày.
Không chỉ cuộc sống người dân đang bị nỗi lo đê điều đè nén mà theo nhiều người dân tại xã Đại Đồng, từ ngày nạn “cát tặc” nổi lên, tình hình an ninh trật tự của địa phương cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Một người dân sinh sống lâu năm tại đây cho hay, thời gian qua trên địa bàn xã Đại Đồng xuất hiện một số đối tượng tự xưng là đại ca cầm đầu các nhóm “cát tặc” và đã không ít lần trên địa bàn xã xảy ra các cuộc tranh giành lãnh địa giữa các nhóm anh chị. Và cách đây chưa lâu, trên khu vực sông Thái Bình chảy qua địa phận Hải Dương đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp nghiêm trọng giữa các đội nhóm "cát tặc" có trang bị vũ khí nóng.
Theo những người dân xã Đại Đồng, những tay anh chị nói trên là đội quân được các nhóm hội “cát tặc” chiêu mộ về đây xưng hùng xưng bá khiến người dân nơi đây không dám can thiệp vào việc làm ăn của chúng.
“Ban đêm chúng tôi chẳng dám ra khỏi nhà vì sợ đụng phải “cát tặc”. Không cẩn thận bị ăn đòn như chơi”, một người dân chia sẻ.
Cũng theo phản ánh của người dân, "đội quân “cát tặc” sẵn sàng chống đối hoặc nộp phạt khi bị phát hiện nhưng tất cả chỉ mang tính hình thức để rồi sau đó chúng lại ngang nhiên tái phạm".
Tình trạng "cát tặc" đang trở nên nhức nhối gây lo lắng cho không ít người dân nhưng một điều khiến không ít người lấy làm lạ là cảnh tượng huyên náo của bãi khai thác cát chỉ cách trụ sở Hạt quản lý đê điều Tứ Kỳ chưa đến 300m và không ít người dân đã phản ánh nỗi bức xúc của mình lên chính quyền địa phương nhưng dường như chính quyền và các cơ quan chức năng không hề hay biết đến hoạt động của hàng chục đội “cát tặc” ngoài kia.
Nói như ông hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Tứ Kỳ, Dương Công Thân: "Chúng tôi sẽ có những biện pháp kịp thời". Trên thực tế, người dân đã mòn mỏi chờ những "biện pháp kịp thời" từ chính quyền trong bao nhiêu năm qua nhưng bù lại họ chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu. Điều này đủ lý giải vì sao bao nhiêu năm nay nạn "cát tặc" vẫn ngang nhiên hoành hành mà không bị dẹp bỏ.
Trao đổi với PV về tình trạng "cát tặc" tại xã Đại Đồng, ông Dương Công Thân - hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Tứ Kỳ vẫn khẳng định: "Hành lang an toàn đê vẫn đảm bảo, "cát tặc" chưa khai thác đến phạm vi 25 mét dài (phạm vi an toàn đê) tính từ bờ đê ra sông". Để minh chứng cho lời khẳng định của mình, ông Thân còn cử cán bộ đi cùng PV xuống khảo sát hiện trường nhưng vị cán bộ này đã quay xe bỏ về sau khi đi được một đoạn đường trên đê. |
P.V