Những ngày qua, thông tin tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị không cho tiếp tục triển khai dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu cát trên sông Cầu đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trước đó, tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần đề nghị các bộ ngành cho tạm dừng dự án này, bởi trong quá trình triển khai dự án đã diễn ra tình trạng khai thác cát khiến đê hữu Cầu, bãi sông bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi 5 - 10 m.
Đặc biệt, theo tỉnh Bắc Ninh, có thời điểm trên địa bàn, dự án nạo vét luồng có 40 tàu hoạt động, thậm chí là 60 tàu. Trong khi đó, cùng một dòng sông nhưng chỉ tỉnh Bắc Giang cấp phép cho dự án.
Trước việc “cát tặc” lộng hành sông Cầu, nhiều chuyên gia về đê điều, thủy lợi cho rằng, các hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủy lợi, hệ sinh thái các dòng sông.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ty Niên - nguyên Cục trưởng cục Đê điều & Phòng chống lụt bão (bộ NN&PTNT) cho rằng, sở dĩ có tình trạng “cát tặc” lộng hành trên các dòng sông là do việc quản lý yếu kém, bất cập, từ đó dẫn đến việc đe dọa hành lang về đê điều, thủy lợi.
Theo ông Niên, do cùng một dòng sông nên khi nạo vét “tận thu” hút cát thì tỉnh Bắc Ninh không tránh khỏi ảnh hưởng. “Chung một dòng sông có dự án nạo vét mà chỉ tỉnh Bắc Giang cho phép, Bắc Ninh thì không. Vậy thì ai đảm bảo là họ chỉ hút cát phía Bắc Giang, lấy vạch mốc, ranh giới nào để phân biệt?”, ông Niên bày tỏ.
Cũng theo ông Niên, câu chuyện cát tặc là phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, việc quản lý các dòng sông đang có tình trạng mạnh ai nấy làm. “Ngày xưa nạo vét đều phải thông qua bộ Thủy lợi. Phải đánh giá về dòng chảy, về đê điều…”, nguyên Cục trưởng cục Đê điều & Phòng chống lụt bão phân tích. Trước tình trạng đê sông Cầu bị sạt lở, ông Niên cho rằng, bộ NN&PTNT cần vào cuộc mạnh mẽ.
TS. Đào Trọng Tứ - cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam chia sẻ với PV rằng, việc nạo vét luồng lạch kết hợp với tận thu cát diễn ra vượt mức sẽ làm sâu đáy sông, làm bờ sông không ổn định dẫn đến xói lở.
Theo ông Tứ, sông Cầu là một nhánh quan trọng của sông Hồng nên việc “cát tặc” lộng hành là rất nguy hiểm. “Nếu hút cát quá mức thì mùa lũ xuống sẽ rất nguy hiểm, làm gì có lắm cát thế… đồng ruộng của người dân cứ sạt lở xuống”, ông Tứ phân tích.
Cũng theo ông Tứ, dòng sông là cuộc sống của bao nhiêu con người nên phải có cơ chế quản lý, không thể chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn phải bảo vệ dòng sông. Nói về việc tỉnh Bắc Ninh “cầu cứu” Thủ tướng, TS. Đào Trọng Tứ nói rằng: “Tỉnh Bắc Ninh rất dũng cảm. Tuy nhiên, đến tỉnh còn phải vậy thì các cấp xã sẽ ra sao? Việc khai thác cát xảy ra trên nhiều dòng sông, nhiều địa bàn chứ không riêng gì Bắc Ninh”.
Đề cập đến giải pháp, TS. Đào Trọng Tứ cho rằng, pháp luật cần phải nghiêm minh, trừng trị nghiêm đối với những “cát tặc”. “Sông Cầu cũng là dòng sông dữ dội, khi khai thác cát như vậy mà có đột biến về thời tiết thì nguy cơ rất lớn”, ông Tứ nói thêm.
"Bắc Giang chấp thuận cho nạo vét sông Cầu đến hết năm 2017"
Bộ GTVT vừa phát đi thông tin về việc tạm dừng thi công Dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu.
Theo bộ GTVT, báo cáo của cục Đường thủy nội địa Việt Nam về kết quả khảo sát hiện trạng Dự án cho biết, Cục này đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Bắc Ninh như: Công an tỉnh, sở TN&MT, sở NN&PTNT, sở GTVT, UBND huyện Quế Võ và đơn vị tư vấn độc lập đo xác suất 4/11 vị trí đoạn cạn thuộc Dự án và có 3/4 vị trí chưa đạt chuẩn tắc theo thiết kế.
Vì vậy, bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư để tiếp tục thi công nạo vét tại những vị trí chưa đảm bảo chuẩn tắc luồng.
Phạm vi của Dự án có một số đoạn cạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Ngày 27/10/2016, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản số 3392/UBND-TN chấp thuận cho phép gia hạn thực hiện Dự án tại 5 đoạn cạn trên sông Cầu thuộc địa bàn tỉnh đến hết ngày 31/12/2017.
Theo báo cáo của cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại văn bản số 303/CĐTNĐ-KHĐT ngày 8/3/2017, bộ GTVT thống nhất theo ý kiến của cục Đường thủy nội địa Việt Nam về tạm dừng thi công Dự án.
Yêu cầu cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương phối hợp với sở GTVT Bắc Ninh và các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo bộ GTVT các nội dung liên quan đến Dự án theo văn bản số 55/UBND-NN.TN ngày 9/3/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Nhất Nam