Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, vừa qua đội Quản lý thị trường số 17 (chi cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện một chiếc xe tải mang BKS: 89C–122.19 do lái xe Trương Ngọc Tân điều khiển chở 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà có dấu hiệu vi phạm. Ngay sau đó, cơ quan quản lý đã lập biên bản đồng thời thu giữ hàng trăm vỏ gas lậu.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Lâm Văn Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, hành vi “cắt tai mài vỏ”, chiết nạp gas lậu là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội và người tiêu dùng. Các đối tượng thực hiện có thể đối mặt với các tội danh như: Kinh doanh trái phép, sản xuất hàng giả, sử dụng trái phép tài sản...
Điều đáng nói, hành vi này còn gây thất thu thuế cho Nhà nước, gây thiệt hại cho những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính.
Để hạn chế tình trạng gas giả, gas lậu trên thị trường, theo luật sư Quang, các cơ quan chức năng cần tìm ra công ty đầu mối cung cấp gas cho các trạm sang chiết bất hợp pháp và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
Được biết, Hiệp hội gas Hà Nội đã “điểm mặt” một số công ty và có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm.
Lý giải về vấn đề này dưới góc độ pháp lý thì các hành vi nêu trên được mô tả là: “Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu" theo quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 42, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu, khí và "làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép” theo quy định tại khoản 3, Điều 40, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP. Đây đều là các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Chiếu theo các quy định pháp luật có thể thấy công ty Hải Dương gas chiếm giữ, bán vỏ bình gas mang thương hiệu Pertro Hồng Hà của chủ sở hữu khác (mà ở đây là của công ty TNHH TM Trần Hồng Quân) và tự ý tháo van bình gas này là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 67/2017/NĐ-CP của Chính phủ nói trên.
Đáng nói, việc tháo van vỏ bình gas (chai) thuộc sở hữu của thương nhân khác và nếu còn cắt bỏ các cấu thành chai để nấu sắt vụn là vi phạm pháp luật và có dấu hiệu của hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 với khung hình phạt cao nhất theo quy định của điều luật từ 20 năm đến tù chung thân .
Trường hợp cơ quan quản lý thị trường (QLTT) nhận thấy có dấu hiệu của hành vi hủy hoại tài sản thì tất nhiên phải chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xác minh có hay không hành vi vi phạm pháp luật hình sự theo quy định tại Điều 101, Bộ luật Tố tụng Hình sự và hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 06.
Cụ thể hơn, trường hợp này được gọi là “kiến nghị khởi tố” là việc các cơ quan Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của mình phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm và có văn bản kiến nghị cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.
Cũng theo luật sư Quang, khi xác định vụ việc này có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 104, Bộ luật Tố tụng Hình sự và tiến hành điều tra theo quy trình.
Trường hợp cơ quan điều tra nhận thấy đủ dấu hiệu cấu thành hành vi hủy hoại tài sản theo quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự hiện hành thì sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các cá nhân có liên quan.
Khi vụ án được chuyển tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà Tòa án có thể tuyên mức án tương ứng cho mỗi cá nhân từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến tù chung thân.
Luật sư Quang cũng chia sẻ: "Thực trạng các cơ sở bị phát hiện có hành vi vi phạm, sau đó chỉ xử lý qua loa về mặt hành chính rồi chìm dần vào quên lãng không phải là hiếm.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, chúng tôi nhận thấy đã có hành lang pháp lý rõ ràng để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas, khi các hành vi vi phạm bị phát hiện, được công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng, thì cần được xử lý nghiêm đúng theo quy định của pháp luật, qua đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của các thương nhân kinh doanh gas chân chính mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng".
Xuân Nguyễn