Vụ việc một giáo viên tại trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) dạy thêm tiếng Anh cho 9 học sinh để thi chứng chỉ Cambridge bị phê bình và cắt thi đua cả năm học đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD-ĐT về vụ việc này.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Đúng là hiện nay có hiện tượng dạy thêm tràn lan, tiêu cực. Dạy ở lớp không đủ mà tìm mọi cách đưa học sinh về nhà để dạy. Hiện tượng đó cần phải lên án, nghiêm cấm. TP.HCM đã quyết tâm làm, và tôi hoan nghênh điều đó".
Theo PGS. Trần xuân Nhĩ, dạy thêm, học thêm tiêu cực cần phải lên án nhưng cũng có những thứ học sinh thích trong phạm vi kỹ năng của trẻ. Ví dụ, thích múa, thích ngoại ngữ… Cái đó là sở thích, tăng cường thêm kỹ năng của học sinh, cái đó là cần thiết.
"Cái chúng ta cần lên án là dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực. Đó là những kiến thức trong sách giáo khoa đã được quy định, người thầy giáo không làm tròn trách nhiệm của mình trên lớp như câu người ta hay nói rằng “dạy lớp lơ là, dạy nhà là chính”. Còn việc học sinh ngoài việc học ở trường, các cháu có năng khiếu âm nhạc, múa hát, ngoại ngữ… chúng ta bồi dưỡng thêm là cần thiết, tôi nghĩ như vậy", ông Nhĩ nói.
Tuy nhiên, vị nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, việc tổ chức việc này làm sao tránh tràn lan, tiêu cực của dạy thêm thì giáo viên phải đăng ký với nhà trường. Theo ông, đôi khi, việc quản lý dạy thêm, học thêm đang tràn lan khiến chúng ta lẫn lộn việc bồi dưỡng kỹ năng sống cái trẻ cần với việc “dê dắt”, “ép” trẻ học tràn lan.
Về trường hợp cô giáo bị kỷ luật cắt thi đua khi dạy thêm tiếng Anh cho 9 học sinh để thi chứng chỉ Cambridge, ông Nhĩ nêu quan điểm: "Ở góc độ tăng thêm kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ cho trẻ thì nên khuyến khích! Tôi nghĩ, có thể giáo viên này không đăng ký".
Ở góc độ cá nhân, vị nguyên Thứ trưởng GD bày tỏ: "Nếu giáo viên dạy không mang lợi ích cho học sinh, trái quy định thì phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí mời họ ra khỏi ngành. Nhưng, trong trường hợp này, theo thông tin tôi biết từ báo chí, xét về mặt động cơ giáo viên làm là tăng kỹ năng ngoại ngữ và học sinh thực sự có nhu cầu. Tôi nghĩ lần đầu nên nhắc nhở, vì điều này cũng thể hiện tính nhân văn trong việc xử lý".
Đỗ Thơm