Dòng sông ám ảnh
Một trong những trường hợp tìm kiếm mộ liệt sĩ khó khăn nhất, kéo dài và vất vả nhất là trường hợp của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Miến ở xã Phù Lưu Tế, Huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (cũ) đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Danh Bình. Câu chuyện gần một tháng trời đi tìm chồng, tìm cha của họ, giữa vùng rừng rậm Tây Nguyên, nơi bản làng đồng bào dân tộc Cà Tu, thật là cảm động.
Năm 1966, anh Bình lên đường nhập ngũ, chị ở nhà nuôi ba con nhỏ. Những năm tháng ấy, chiến tranh đang thời ký ác liệt. Anh chị ở với nhau chưa được 10 năm, đám cưới chạy tang, khi chị với 15 tuổi… Anh thương vợ, yêu con hết mực… Rồi năm 1968, chị đã tưởng không thể nào sống nổi khi được tin anh hy sinh. Đơn vị anh làm nhiệm vụ bảo vệ một đồng chí lãnh đạo cao cấp của nước bạn đi công tác. Lần ấy anh cùng bốn đồng chí bộ đội Lào làm nhiệm vụ tiền tiêu, vượt sông trên một chiếc mảng. Khoảng 4h chiều, mảng ra đến giữa sông thì máy bay địch phát hiện. Chúng bắn rốc két xối xả… Chỉ có một đồng chí Lào kịp nhảy xuống sông bơi thoát… Đơn vị trên đường hành quân, không tìm thấy xác anh. Nghe đồn khúc sông ấy có nhiều cá sấu…
Sau chiến tranh, chính người anh kết nghĩa cùng đơn vị với anh khi về đã kể lại trường hợp anh hy sinh. Nỗi đau đớn của chị càng lớn gấp bội phần… Rừng Tây Nguyên hoang vắng, dòng sông biên giới và những con cá sấu… Cái hình ảnh đau thương ấy cứ ám ảnh chị, ám ảnh các con chị suốt bao năm dài đằng đẵng…
Đại uý A Lăng Hương và thanh niên bản A Tép cùng đi tìm mộ liệt sĩ.
Từ thông tin ban đầu ít ỏi
Nghe tin đồn về “Cậu Liên” (nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên) , nỗi mong muốn đi tìm người chồng, người cha thân yêu bùng cháy lên mãnh liệt. Hai mẹ con chị xuống Hải Dương, chờ đợi mãi mà chưa đến lượt. Rồi cuối cùng, ngày 9/9/1997, chị cũng đã gặp được anh Liên tại Hà Nội để hướng dẫn. Tiếc thay, trường hợp của chị, anh Liên không cung cấp được nhiều thông tin như một số trường hợp khác. Anh cho biết: Liệt sỹ bị bắn ở sông, vết thương từ bả vai xuyên qua ngực, xuống đùi - được ông Quế Soòng làm công tác thanh niên cùng bà con dân bản chôn cất. Vùng đó thuộc tỉnh Quảng Nam, ở đoạn sông Ba Lòng, giáp biên giới, cách rất xa đường quốc lộ, thuộc xã Ba Rằng, có đồi Voi Phục, nhưng anh không nói thuộc huyện nào.
Những thông tin đó quá ít ỏi. Khi vẽ sơ đồ, anh nói: “Nhà mình khăn gói mà đi tìm chồng”, chị biết là cuộc tìm kiếm sẽ gian lao, vất vả. Ba mươi năm đã qua đi, người và vật có biết bao thay đổi. Rồi hình ảnh dòng sông, với những tin tức do chính người anh kết nghĩa cung cấp… Bao nhiêu là khó khăn, bao nhiêu là bất định… Nhưng không gì ngăn cản được lòng quyết tâm thiêng liêng và cảm động của chị. Chị muốn đến tận dòng sông đó, dù chỉ được thắp mấy nén hương và nhìn dòng nước nơi anh ngã xuống năm nào…
Chị làm mâm cơm cúng, hai mẹ con cắt tóc thề, xin trời đất linh thiêng chứng giám và phù hộ. Hôm sau, chị ra gặp anh Liên lần nữa, với hy vọng nhận được những hướng dẫn chi tiết hơn. Nhưng vừa gặp “Cậu” đã giục: “Cứ đi đi – đã bảo cứ đi đi mà lỵ”.
Đi tìm ông Quế Soòng lại gặp cụ A Vô Tuôn
Ngày 13/9, chị lên đường. Cùng đi với chị có cô con gái tên Yến, người cháu tên Vượng và anh Phố (một cựu chiến binh có nhiều kinh nghiệm trong việc quy tập mộ liệt sỹ). Làm sao tìm được ông Quế Soòng làm công tác thanh niên những năm 1968-19970 ở vùng biên giới, xã Ba Rằng, có đồi Voi Phục, đầu sông Ba Lòng?
Anh Phố đưa mọi người vào Quảng Nam, hỏi các cơ quan ( sở LĐTB&XH, tỉnh đội…) người ta chỉ vào Quảng Ngãi. Đến Quảng Ngãi, lại gõ cửa các cơ quan, lị trình bày, nhưng cũng không ai biết, toàn gặp những người trẻ và mới cả. Thật là tiến thoái lưỡng nan, không biết đi đâu, hỏi đâu…
Tối 16/9, khi thấy hai mẹ con lầm rầm cầu nguyện, có một ông trung tá, người dân tộc thiểu số, trọ ở phòng bên cạnh, đến hỏi chuyện và ông cho biết nơi cần tìm phải là ở huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam. Ông nhớ hình như có ông Quế Soòng, nhưng lâu lắm rồi.
Mọi người lại quay về Quảng Nam xin giấy tờ rồi lại ra Đà Nẵng mới có xe đi huyện Hiên. Đến huyện Hiên, hỏi nhiều nơi không ai biết. Khi sang huyện đội thì gặp một đại úy, tên là A Lăng Hương, người dân tộc Cà Tu, anh bảo có biết ông Soòng. Bà con dân tộc gọi là A Soòng, là cán bộ dân vận hoạt động ở địa phương. Khi anh còn nhỏ, các bộ A Soòng vẫn thường dạy các anh tập hát… Nhưng cán bộ A Soòng đã chuyển đi Lâm Đồng từ lâu rồi.
Thật kỳ lạ, nếu không gặp ông trung tá ở phòng bên cạnh, hay nếu dịp ấy, anh A Lăng Hương đi công tác thì không biết cuộc tìm kiếm sẽ ra sao. Hai lần, sự may mắn đã diễn ra như một cơ duyên. Và từ hôm đó, huyện dội cử hẳn anh A Lăng Hương đi giúp đoàn tìm kiếm.
Từ huyện lỵ lên vùng bản quê A Lăng Hương khoảng 50km (đúng như trong sơ đồ), đường rất khó đi. Chị sức yếu phải ở lại làm nhiệm vụ liên lạc với Hà Nội. Cô Yến, anh Phố, Vượng và anh A Lăng Hương được huyện cho một chuyến xe U-oát để vào bản. Đó là bản A Tép, xã Blê của đồng bào dân tộc Cà Tu (không phải xã Bà Rằng như “Cậu” nói). A Lăng Hương dẫn mọi người vào nghỉ ở nhà anh A Dum Ba – Bí thư Đảng ủy xã.
Khi anh A Dum Ba mời các già bản đến, thì có cụ A Vô Tuôn, ngoài 70 tuổi, người đã cùng với ông A Soòng chôn liệt sỹ. Cụ nhớ lại: Hôm ấy, chính cán bộ A Soòng gọi cụ đi cứu bộ đội. Cụ và A Soòng chạy ra bờ sông dìu bộ đội lên bờ. Máy bay địch gầm thét trên đầu. Trong rừng, bọn địch thả nhiều toán biệt kích, thám báo lùng sục. Bộ đội bị thương từ lưng qua ngực, một vết ở đùi và đã yếu lắm, không đi dược. Bộ đội nói: “Bộ đội không sống được đâu, đừng dìu bộ đội đi nữa”.
Cụ và A Soòng đã chôn bộ đội ở gần bản. Năm ấy, chỉ có một trường hợp bộ đội hy sinh và được dân bản chôn cất. Khi ấy, bản ở gần sông, sau chiến tranh mới chuyển ra đây…
Mọi người tràn trề hy vọng. Sau sáu ngày vất vả, định đi tìm ông Quế Soòng nhưng lại gặp cụ A Vô Tuôn, một nhân chứng sống. Đêm ấy, Yến không sao ngủ được, chỉ mong trời sáng để lên đường. Có vẻ như niềm khao khát thiêng liêng của cô sắp trở thành hiện thực, dường như cha cô đã ở gần đâu đây… Cô mong đến ngày mai, ngày mai… cô sẽ được “gặp” người cha thân yêu của cô, người đã “ra đi” khi cô mới 5 tuổi…
Tấm ảnh “anh em ruột thịt Bình - Bằng” trong túi liệt sĩ Bình.
15 ngày tìm kiếm trong mưa bão giữa rừng Trường Sơn
Việc tìm kiếm thật không đơn giản. Hôm sau, trời mưa tầm tã, không đi được. Hôm sau nữa, ngớt mưa, cụ A Vô Tuôn, anh A Lăng Hương và bà con dân bản dẫn đoàn về khu bản cũ. Dù đã ngoài 70 nhưng cụ A Vô Tuôn còn khỏe, trí nhớ tốt, cụ đi rừng cứ băng băng. Còn Yến, cô đâu quen lội suối băng rừng, leo dốc… Vừa đi, cô vừa cầu mong cha phù hộ, và quả thật, cô như không biết mệt, vẫn theo kịp những người đàn ông vốn quen leo rừng từ bé. Đi đến trưa mới tới nơi. Đât là khu bản cũ, đã rời đi sau chiến tranh, hơn hai chục năm rồi, bây giờ cây rừng mọc um tùm. Cụ A Vô Tuôn cố nhớ lại, cố tìm vị trí ngôi nhà cũ. Loanh quanh gần hai tiếng, cụ xác định một chỗ, mọi người mừng rỡ nhưng đào mãi mà không thấy dấu hiệu gì. Lúc đó, trời lại bắt đầu mưa, sấm chớp ầm ầm, dân bản bảo phải về ngay kẻo không qua được suối. Yến đâu khổ quá, cô cứ ngồi bên đống đất khóc ròng, không muốn về nữa…
Lúc đi hy vọng bao nhiêu thì khi về thất vọng bấy nhiêu. Trời mưa to, đường trơn, mọi người phải dìu Yến đi. Dòng suối hiền hòa buổi sáng đã trở nên hung dữ, lúc cuốn băng băng, mọi người phải chăng dây cẩn thận rồi giúp cô vượt qua…
Ở ngoài huyện, chị Miến rất sốt ruột, Yến vào bản đã mấy ngày, không biết tình hình thế nào. Chị mong tin tức từng giờ. Mấy lần chị gọi điện về Hà Nội, mãi ngày 23/9 mới gặp được “Cậu Liên”, chị nói đang ở huyện Hiên và con gái chị đang vào bản tìm kiếm. “Cậu” bảo: “Đúng rồi đó, đã đến nơi rồi, đã thắp hương ở đó rồi còn gì nữa. Tìm tiếp đi”.
Ngày 24/9, Yến cùng anh A Lăng Hương và Vượng đi bộ ra huyện Hiên. Ba anh em chống gậy đi. Đường vừa mưa xong, đường trơn lầy lội. Đi mãi, bốn giờ chiều mới ra tới huyện. Khớp các thông tin với nhau, mọi người thấy nhiều hy vọng. Hôm sau ba anh em lại vào bản, lần này thuê ba xe đạp, phải mua cả cuốc, xẻng mang vào.
Nhưng sau đó là những ngày mưa liên miên, không thể nào đi được. Những ngày chờ đợi nặng nề, buồn thảm. Mưa dai dẳng, tầm tã, hết trận này đến trận khác, tưởng như không bao giờ dứt… Lần đầu tiên, cô gái đồng bằng Bắc Bộ biết thế nào là mưa rừng Trường Sơn, là thác lũ, là muỗi, vắt, là lội suối trèo đèo…
Mãi tới ngày 29/9 trời mới tạnh. Cụ A Vô Tuôn, anh A Lăng Hương lại dẫn mọi người vào bản cũ. Lại tìm kiếm, lại phán đoán, đào hết chỗ này đến chỗ khác. Một lần đào thấy đất đen đen – mọi người nghi ngờ, cho là đã tìm thấy, nhưng Yến không thể nào chấp nhận. Cô đã khóc, cô ôm lấy cụ A Vô Tuân, xin cụ cố nhớ lại nơi chôn cất cha mình…
Thương và cảm phục tấm lòng hiếu thảo của cô, đêm ấy, mọi người cùng ăn sắn, ngủ lại rừng để hôm sau tìm tiếp. Nhưng hôm sau tìm mãi vẫn không có kết quả gì.
Ngày 1/10, Yến quyết định đi ra huyện. Tiếc thay, hôm ấy “Cậu” về Hải Dương. Lại chờ đợi, mong đến “Giờ chỉnh mộ” qua điện thoại… Cuối cùng thì cũng gặp được, “Cậu” chỉ dẫn: “Mộ ở sát chân khe, hướng tây nam quả đồi, có một cây đổ mới, hôm qua “Cậu” mới cho cây đổ (thực chất cây đổ do bão), lối đi vòng vào nhà ông già, cách 200 mét, cách vòng cua chân đồi đi vào bản cũ 7 mét, cách gốc cây đổ 2 mét”.
Vật chứng bất ngờ từ bức ảnh trong túi áo liệt sĩ
Ngày 3/10, khi Yến về tới bản, có một tin vui bất ngờ. Cụ A Vô Tuôn tìm thấy một tấm ảnh. Đó là một tấm ảnh nhỏ, chụp hai anh em… Phía sau tấm ảnh ghi dòng chữ: “Anh em ruột thịt Bình – Bằng”.
Cụ A Vô Tuôn nhớ lại: Khi bộ đội hy sinh, trong túi có một tấm ảnh. Cụ đã giữ tấm ảnh đó, mang về nhà, bọc giấy nilon cẩn thận rồi giắt vào vách nứa. Thật may mắn, khi chuyển nhà cụ mang theo, và lại giắt vào vách nứa (!), thế mà tấm ảnh vẫn còn. Lâu quá rồi, cụ quên mất, hôm nay đột nhiên nhớ ra…
Tấm ảnh trông còn rõ, nhưng Yến không nhớ mặt cha. Khi cha vào bộ đội, cô mới 3 tuổi: “Anh em ruột thịt Bình – Bằng” – chữ của cha cô. Ông Bằng là chú ruột của cô, bây giờ ở quê, khác xa tấm hình quá.
Cầm tấm ảnh vô giá đó trên tay, nhớ lại những chỉ dẫn vừa rồi của “Cậu”, đi tìm gốc cây đổ, tìm mãi, không có cây đổ, nhưng có một dây leo rất to, như thân cây gỗ, nằm nghiêng ở bên lối mòn, kiểm tra, cách nhà cũ của cụ A Vô Tuôn chừng 200 mét… Yến như có linh tính, nói chắc chắn đó chính là “cây đổ” theo cách nhìn của “Cậu”. Cô cho đào gần gốc cây, và cuối cùng cũng đã tìm thấy. Phần xương cốt của cha cô không còn nhiều, chỉ nhận rõ những cái cúc áo giữa vùng đất đen, xốp, khác hẳn đất xung quanh.
Gần một tháng trời tìm kiếm gian nan, vất vả, tưởng chừng như không thể vượt qua. Lòng quyết tâm và niềm mong đợi cháy bỏng của họ có thể làm cảm động đến cả trời đất, cỏ cây. Cuối cùng niềm mong đợi thiêng liêng ấy đã trở thành hiện thực. Ba mươi năm rồi, anh nằm trong lòng đất mẹ, dù xác thân không còn gì nữa nhưng anh vẫn sống, vẫn hiện hữu trong tình cảm của chị, của các con, trong tình cảm của họ hàng, bè bạn và nhân dân quê hương.
Ngày 9/10/1997, Đảng ủy, Ủy ban và nhân dân xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức đã long trọng làm lễ truy điệu và rước di hài liệt sỹ Nguyễn Danh Bình về nghĩa trang. Anh đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Anh đã được Nhà nước ta tặng thưởng ba huân chương và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào truy tặng hai huân chương…
Chị Miến, Yến và gia đình… rất muốn được qua bài viết này, bày tỏ lòng biết ơn đối với các cơ quan ở huyện Hiên, với bà con dân tộc Cà Tu ở bản A Tép, xa Blê, và đặc biệt đối với anh A Lăng Hương, anh A Dum Ba, cụ A Vô Tuôn, ông Quế Soòng, ông trung tá… những người đã tận tình giúp đỡ mẹ con chị trong suốt cuộc tìm kiếmn
Phương Anh – Phương Dung