Khi “cậu ấm” sa cơ lỡ vận
Mới đây, dân mạng liên tục bàn luận câu chuyện của một chàng trai được nhiều người ví như “cậu ấm” tên Dương Tỏa. Từ nhỏ, Dương Tỏa sống trong gia cảnh khá giả, sống hạnh phúc trong sự ganh tỵ của bạn bè cùng trang lứa.
Nhưng rồi sự thật nghiệt ngã khi chàng trai buộc phải từ giã cuộc đời khi ở độ tuổi đẹp nhất-23 tuổi chỉ vì mắc căn bệnh mang tên “lười biếng”.
Người ta kể, khi vừa lọt lòng Dương Tỏa đã sống như “vua con” khi được cha mẹ ẵm bế trên tay.
8 tuổi, cha mẹ ôm không nổi vẫn sẽ dùng gánh để gánh để đưa con ra ngoài, từ nhỏ đến lớn cũng chưa từng đụng tay vào bất cứ việc gì dù nhỏ nhất.
Sau khi học trung học cơ sở, do bài vở quá nhiều, Dương Tỏa cảm thấy mỗi ngày ngồi trong lớp học quá lâu, rất mệt mỏi bèn tự ý bỏ học về nhà ngủ.
Cha mẹ sợ con cực khổ, nên đành thuận theo ý con mà không hề kêu van. Chưa kể, mỗi lần thầy cô phản ánh, họ đều lên tiếng bênh vực con mình.
Một ngày, cha Dương Tỏa không may qua đời, từ đó, cuộc sống hai mẹ con vô cùng vất vả. Mẹ Dương Tỏa vì lo cho con mà nghĩ đủ cách kiếm tiền. Còn Dương Tỏa không hề mảy may quan tâm mẹ mà còn xem đó là trách nhiệm của người sinh ra mình. Cả ngày, Tỏa chỉ biết ngồi chơi, ngủ và dậy ăn cơm.
Quá vất vả, nên một thời gian sau, người mẹ cũng theo chồng, bỏ lại Dương Tỏa một mình. Vào thời điểm đó, cậu bé 18 tuổi đã phải ra ngoài làm việc, kiếm tiền.
Ngặt nỗi, từ bé Dương Tỏa chẳng phải làm gì nên cậu đã không thể đối diện với thực tại. Chỉ làm được lúc, Dương Tỏa lại bỏ việc về ngủ vì “quá mệt mỏi”. Nhà chủ thấy Tỏa lười quá nên không nhận thuê nữa.
Về nhà, Tỏa nghĩ ra cách bán hết đồ đạc cha mẹ để lại. Khi bán hết mọi thứ, Dương Tỏa bất đắc dĩ đi ăn xin. Nhưng đến việc đi xin ăn, chàng trai này cũng lười, chỉ khi nào quá đói mới chịu lết ra ngoài. Xin được một bữa cơm, Tỏa ngủ tiếp vài ngày liền, tới khi đói mệt, lại lết đi ăn xin…
Một lần, thương cho chàng trai mồ côi, một người hàng xóm cho ít thịt, nhưng vì chẳng biết nấu ăn nên Dương Tỏa đã để thịt mốc, hỏng. Từ đó, chẳng ai cho cậu thêm gì nữa.
Và mùa đông đến, Dương Tỏa đem đồ đạc trong nhà đốt cháy sưởi ấm, ngay cả giường ngủ cũng đốt. Không muốn ra ngoài đi vệ sinh vì lạnh, cậu liền đi vệ sinh ngay trong phòng nhiều ngày liền.
Điều tồi tệ nhất đã xảy ra vào tháng 12/2009, Dương Tỏa bị đói, lạnh cóng đến chết trong nhà riêng của mình.
Chuyên gia xã hội học phân tích, Dương Tỏa sở dĩ gặp phải bi kịch như vậy không chỉ do tính cách bẩm sinh mà chủ yếu là giáo dục gia đình không đúng cách đã đẩy tương lai cậu đến vực sâu tăm tối.
Từ nhỏ cậu cảm thấy học tập rất mệt mỏi, sau đó lại thấy làm việc quá khổ cực, cha mẹ cậu bởi vì thương con vẫn luôn chiều theo mọi điều con muốn. Cho nên Dương Tỏa từ lười học đến lười ăn, lười làm... và cuối cùng đói đến chết.
Nuông chiều quá thành… hại con
Theo chuyên gia tâm lý Trần Ly (Vũng Tàu), có không ít phụ huynh nuông chiều và thỏa mãn mọi nhu cầu của con ở bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, những đứa trẻ được sống trong sự bao bọc, nuông chiều quá mức sẽ hình thành nên tính cách ích kỷ, bướng bỉnh và thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết. Cậu bé Dương Tỏa là một điển hình của việc được nuông chiều quá mức.
Cha mẹ hãy nhớ, khi con cái có những biểu hiện sau đây, cần nghiêm túc xem xét lại cách dạy con của mình:
Tự mãn vì được đáp ứng hết mọi yêu cầu: Mỗi khi trẻ bày tỏ mong muốn được thứ gì đó, cha mẹ không nên chiều theo mà yêu cầu của con. Điều này sẽ khiến trẻ luôn cảm thấy mọi thứ đến với mình quá dễ dàng và sẽ không trân trọng.
Cha mẹ chỉ nên đáp ứng khi thấy mong muốn của con hợp lý và cần thiết với nhu cầu học tập. Còn lại hãy dạy con cách để có được điều gì đó phải trải qua kết quả học tập tốt hay hoàn thành nhiệm vụ mà cha mẹ giao phó...
Luôn coi mình là “cái rốn” của vũ trụ: Với những đứa trẻ được nuông chiều quá mức, chúng sẽ thường có xu hướng cho rằng bản thân là “cái rốn” của vũ trụ, gia đình sẽ chỉ tập trung mọi sự chú ý vào mình.
Lý do là bởi, trẻ được nuông chiều quá mức và nghĩ rằng thế giới xoay quanh mình. Và những đứa trẻ này sẽ rất khó tiếp thu ý kiến của người khác để chịu sửa đổi, hay hoàn thiện bản thân...
Hãy nhớ, việc này sẽ là vật cản đường cho tương lai mai này của con trẻ. Ngay khi gặp thất bại, chúng sẽ nản lòng và không thể gắng gượng đứng dậy.
Không biết nói lời “cảm ơn” và không muốn nói: Hãy nhớ, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức thường không biết nói cảm ơn người khác, ngay cả khi được nhắc nhở.
Các chuyên gia cho rằng, nếu trẻ biết nói cảm ơn, đó là dấu hiệu cho thấy các em biết quý trọng những điều nhận được từ người khác.
Trái lại, những đứa trẻ không biết cảm ơn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng. Nhiều em thậm chí cho rằng những điều chúng nhận được là lẽ đương nhiên và không cần thể hiện thái độ biết ơn.
Thường xuyên nổi cơn thịnh nộ: Tức giận là một trạng thái cảm xúc phổ biến và thông thường của con người. Tuy nhiên, nổi giận thường xuyên và hay la hét lại là dấu hiệu của việc được cha mẹ nuông chiều quá mức.
Khi không vui hoặc gặp phải chuyện trái với yêu cầu đặt ra, những đứa trẻ này có xu hướng la hét, tức giận, thậm chí đập phá đồ đạc.
Lý giải cho hành động này, những đứa trẻ đó sẽ cho rằng nếu tức giận, cha mẹ sẽ ngay lập tức đáp ứng yêu cầu để đáp ứng nhu cầu của chúng.
Chuyên gia tâm lý Trần Ly cảnh báo, một đứa trẻ không thể phát huy được tính độc lập, sáng tạo nếu chúng được cưng chiều, cung phụng như những bà hoàng. Chúng sẽ trở thành đứa trẻ yếu đuối, sống phụ thuộc và ỷ lại người sinh ra mình.
Chưa kể, chúng sẽ ngại khó, ngại khổ và không bao giờ chủ động tìm ra phương án, xử lý vấn đề. Đặc biệt, khả năng phát triển, định hướng, quyết định theo đuổi mục tiêu cuộc sống trong tương lai của trẻ sẽ dần bị thui chột.
Cha mẹ hãy nhớ, nếu thương con hãy học cách nói “không” với con đúng hoàn cảnh, hãy mặc kệ những cơn giận dữ vô bổ của trẻ. Hãy dạy con mạnh mẽ, cứng rắn dám đối diện với giông bão cuộc đời.
Hãy nhớ, sau cơn mưa trời lại sáng, sau mỗi thử thách, gian nan là thành công. Đổi lại, trải qua gian nan bão tố đứa trẻ sẽ là một người trưởng thành, tự bước bằng đôi chân của mình và gặt hái những thành công.
LAM ANH (t/h)