Theo Daily Mail, vào năm 2023, Joshua Davenport, 11 tuổi, đến từ East Grinstead, West Sussex (Anh) đi câu cá cùng cha mẹ trong chuyến nghỉ mát ở Tây Ban Nha thì một con cá da trơn to lớn lao tới đớp mồi.
Phải mất 25 phút cậu bé mới có thể khuất phục được con cá. 3 người trưởng thành sau đó giúp cậu bé đem con cá lên bờ để cân. Con cá da trơn "khủng" được xác định dài 2,7 mét và nặng 68kg.
Khi đó Joshua cao khoảng 1m65 nhưng trông như "chú lùn" khi đứng bên cạnh con cá da trơn mới câu được.
Daily Mail cho biết, Joshua đã phá kỷ lục câu cá nước ngọt lớn nhất thế giới đối với một cậu bé. Đây cũng là con cá lớn nhất mà cậu từng câu được.
Sau khi chụp ảnh cùng với con cá, Joshua đã thả nó về sông an toàn.
Được biết, Joshua câu được con cá "khủng" ở khu vực sông Ebro, Tây Ban Nha. Cha và mẹ của Joshua đều là người đam mê câu cá.
Mẹ của Joshua cho biết: "Thằng bé rất thích câu cá. Lần đầu nó cầm vào cần câu là khi mới 4 tuổi. 2 năm sau, thằng bé đã câu được cá nặng 10kg".
"Từ đó, Joshua đã câu được rất nhiều loài cá khác nhau. Joshua đặc biệt thích cá da trơn vì chúng là loài có kích thước lớn. Chúng tôi đi nghỉ ở Tây Ban Nha trong một tuần và đây là con cá cuối cùng mà thằng bé câu được", người mẹ chia sẻ.
"Joshua rất bất ngờ với kích thước to lớn của con cá. Câu được cá nặng hơn 45kg là giấc mơ của thằng bé", người mẹ nói thêm.
Loài cá da trơn mà Joshua câu được còn gọi là cá trê khổng lồ hay cá nheo Châu Âu. Tên khoa học của cá da trơn Châu Âu này là European catfish, là một trong những loài cá nước ngọt và cá da trơn lớn nhất thế giới.
Cá nheo Châu Âu dài khoảng 1,3 mét đến 1,6 mét, hiếm khi thấy con cá lớn hơn 2 mét.
Loài cá này có nguồn gốc từ Trung và Đông Âu, du nhập vào Tây Âu từ những năm 1970. Một người câu cá ở Đức khi đó đã mang thả hàng nghìn con cá con xuống sông Ebro, Tây Ban Nha với hi vọng chúng sẽ phát triển, tạo thuận lợi cho người đi câu. Những người câu cá khác cũng làm theo, thả cá da trơn trên các con sông tại nhiều quốc gia.
Loài cá này phát triển nhanh chóng, sinh trưởng tại ít nhất 10 quốc gia ở Tây Âu, bao gồm Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh, dẫn đến sự giảm sút của các loài sinh vật bản địa.
Minh Hoa (t/h)