Jonah Larson sinh ra ở Ethiopia, cậu được nhận nuôi và lớn lên ở thành phố La Crosse (tiểu bang Wisconsin). Cậu đã học cách đan móc khi lên 5 tuổi từ một bài hướng dẫn trên mạng xã hội mà mẹ nuôi của mình cho xem.
Nhẫn nại với từng mũi đan len, cậu bé "có tâm hồn của một người phụ nữ đã già" đã tự kiếm được hơn 40.000 USD (gần 1 tỷ đồng) sau 6 năm khởi nghiệp nhờ đan len.
Mẹ nuôi của cậu cho hay: "Tôi đưa cho cậu một kim móc, một cuộn sợi và để cậu tự nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng mình sẽ có một quả bóng bằng sợi, một mớ hỗn độn hay đơn giản là một cái khăn rửa chén khá tốt từ cuộn len đó. Nhưng chỉ trong 3 tháng, Jonah đã có thể làm xong một chiếc khăn nhỏ rồi cứ thế mày mò thêm".
"Công việc không hề dễ dàng như nhiều người vẫn thấy, nhưng với sự khuyến khích của mọi người, Jonah đã thành công. Mọi người đôi khi quên rằng con tôi là một đứa trẻ, chúng tôi cần nhắc nhở rằng cậu bé chỉ mới 11 tuổi", mẹ cậu chia sẻ thêm.
Jonah tiếp thu rất nhanh, chỉ 3 năm sau, cậu bé đã bắt đầu làm những video dạy đan len trên các phương tiện truyền thông. Những ngón tay nhanh nhẹn của Jonah có thể khiến người khác nao núng khi nhìn vào.
Jonah nói: "Sau một ngày rất vất vả, bận rộn với trường học, thật tuyệt khi biết rằng em có thể về nhà và móc len ở góc nhỏ của ngôi nhà trong khi ngồi bên mẹ - người em yêu nhất".
Tài không đợi tuổi, năm 9 tuổi, Jonah được chính quyền địa phương mời làm đại sứ nghề truyền thống.
Hiện tại, Jonah Larson đã mở cửa hàng đan len riêng, mang thương hiệu Jonah's Hand và cùng mẹ viết sách về đan lát. Hàng năm, Jonah cũng tự huy động được 7.500 USD (gần 173 triệu đồng) để có thể duy trì công ty.
Những sản phẩm thủ công của Jonah luôn được nhiều người yêu thích như khăn, thảm, găng tay,... Trên mạng xã hội, cậu có hơn 200.000 người theo dõi với hơn 2.000 đơn đặt hàng. Một tấm thảm Jonah tự đan có giá từ 100 – 130 USD (khoảng 2,3 – 3 triệu đồng).
Dù có tài đan móc nhưng ước mơ của cậu bé là được học tại học viện quân sự và trở thành một bác sĩ phẫu thuật.
Cao cả hơn là tấm lòng của cậu, hàng năm, Jonah vẫn đều đặn quyên góp một số sản phẩm và tiền của mình cho trại trẻ mồ côi ở Ethiopia - nơi cậu được nuôi từ khi lọt lòng.
Minh Anh