Một đứa trẻ bất hạnh phạm tội
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh cậu bé ấy tại phiên tòa ngày hôm đó. Khi vị chủ tọa phiên tòa cho bị cáo nói lời sau cùng, cậu bé không xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình mà chỉ thốt lên một câu hướng về phía tôi: "Cháu muốn cảm ơn cô luật sư vì cô đã giúp cháu rất nhiều!"
Sau câu nói đó là tiếng khóc nấc nghẹn ngào của bà nội cậu bé - người giám hộ cho cậu tại phiên tòa. Nhiều người tham dự phiên tòa hôm đó cũng cố dõi mắt nhìn quanh để tìm một người phụ nữ nào đó trẻ hơn bà cụ nhưng chẳng thấy người nào như vậy. Cậu bé ấy không có mẹ.
Ngược dòng thời gian, kể từ khi vụ án kết thúc cho đến nay đã gần 10 tháng, cậu bé ấy giờ đang thi hành bản án ở một nơi rất xa nhưng những gì liên quan đến cậu bé ấy là đều khiến tôi không thể quên.
Đôi mắt thông minh, giọng nói nhỏ nhẹ của cậu khiến tôi không thể nghĩ rằng người đang ở trước mặt mình lại là một phạm nhân. Cậu bé ấy là Trần Đức Đ, quê ở thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đ bị truy tố về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Đ gây ra tội lỗi nhưng bản thân cậu bé cũng là một đứa trẻ bất hạnh.
Đ tại phiên xét xử
Mẹ bị mất tích khi mới có 7 tháng tuổi, bố Đ lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Ai hỏi về mẹ, ngay từ bé, Đ đều lắc đầu không biết.
Khi Đ lớn lên một chút, vì cuộc sống gia đình, bố Đ thường xuyên đi làm ăn xa, Đ ở với ông bà nội. Cậu bé thông minh, chăm chỉ học hành nên ai cũng quý mến. Danh hiệu "Dũng sỹ tý hon” mà Trường THCS Tiên Dược trao tặng đã ghi nhận sự cố gắng của Đ trong quá trình học tập và rèn luyện.
Tuy nhiên, cuộc sống của Đ không bình yên, phẳng lặng, nó càng trở nên sóng gió khi bố cậu lấy vợ khác.
Người mẹ kế không thông cảm và thương yêu con của chồng. Sự lạnh nhạt của bà làm cho mối quan hệ giữa hai bố con Đ bị rạn nứt. Người bố không quan tâm, không đoái hoài gì đến con trai mình nữa. Thỉnh thoảng ông trút những trận đòn vô cớ lên người Đ.
Đ cảm thấy tủi thân vì vắng mẹ và không có tình yêu thương của bố, càng ngày cậu càng trở lên ít nói hơn. Ông bà nội và bà ngoại vẫn thương yêu cậu và dành cho cậu những gì tốt nhất nhưng những sự quan tâm đó cũng không thể bù đắp nỗi thiếu vắng trong tâm hồn cậu bé.
Đọc thêm: Bút ký luật sư: Kể chuyện dạy... gái ngoan giữ chồng
Kết quả học lớp 6, Đ vẫn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến nhưng sang đến giữa năm học lớp 7 thì cậu bỏ học. Mặc dù không chơi bời, không giao lưu với các bạn bè xấu nhưng Đ thường ngồi lỳ ở quán Net cả ngày. Đ còn đi học hay không, làm gì, đi đâu, sống thế nào cũng không ai biết. Lúc cậu sống ở nhà bà ngoại, khi về bên ông bà nội. Cho đến khi cậu bị bắt giam, bị khởi tố mọi người mới vỡ lẽ. Khi đó Trần Đức Đ mới 16 tuổi 01 tháng 09 ngày.
Từ chỗ không được quan tâm, Đ suốt ngày lang thang trên mạng, rồi xem phim không lành mạnh và tò mò muốn “làm chuyện người lớn”. Một lần, trên đường sang nhà bà ngoại để giúp bà chở lúa, thấy là cô bé Nguyễn Khánh N (9 tuổi, nhà ở gần đó), Đ đã nảy sinh ý định phạm tội. Dù hậu quả chưa xảy ra với người bị hại, nhưng hành vi của cậu đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Lòng vị tha của gia đình nạn nhân
Và cậu bé phải đối mặt với một mức hình phạt rất cao theo quy định của pháp luật: “…4. Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”
Nhận nhiệm vụ bào chữa cho cậu bé, tôi không khỏi băn khoăn bởi người bị hại không có yêu cầu gì về phần dân sự và đề nghị xử lý nghiêm đối với “thân chủ” của tôi. Tôi cũng đã cố để tìm gặp và liên lạc với gia đình bị hại nhưng không được.
Mức án cao mà Đ có thể phải đối mặt và hình ảnh cậu bé với khuôn mặt ướt nhòe nước mắt nhìn tôi như cầu cứu mỗi khi tôi gặp cậu bé trong trại giam khiến tôi nhiều đêm thức trắng. Dù vậy, tôi vẫn dặn bà nội cậu bé mang theo tiền đến phiên tòa để có dịp thì bồi thường cho người bị hại.
Tại phiên tòa hôm đó trông Đ vừa đáng trách, vừa đáng thương. Cậu bé cúi gằm mặt mỗi khi trả lời câu hỏi. Vị chủ tọa là một nữ thẩm phánvới khuôn mặt tuy nghiêm khắc nhưng lại rất phúc hậu. Bà nói nhiều về vấn đề đạo đức xã hội, về nhân phẩm, danh dự con người và bà cũng nói về lòng vị tha của con người có thể làm nên điều kỳ diệu.
Còn tôi, tôi nói về những vấn đề liên quan đến việc bào chữa. Sau khi để cậu bé quay xuống xin lỗi gia đình bị hại, tôi đã hướng về họ để nói một câu mà chính tôi cũng không ngờ rằng câu nói đó đã khơi dậy lòng vị tha của gia đình bị hại:“Số tiền này không đáng là bao so với những gì bị cáo đã gây ra. Nhưng nếu gia đình anh chị nhận có nghĩa là anh chị và cháu đã cho bị cáo Đ một cơ hội!”
Và điều kỳ diệu đã đến. Sau ít phút suy nghĩ, gia đình người bị hại đã đứng lên xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trần Đức Đ.Trong phần tranh luận, khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố đề nghị xử phạt Trần Đức Đ mức án 13 -14 năm tù vì hành vi của Đ là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng nhằm thỏa mãn thú tính, chân cậu bé như khụy xuống. Cậu bám vào vành móng ngựa để khỏi bị ngã.
Tại phần bào chữa của mình, tôi phân tích về nguyên nhân, điều kiện phạm tội của bị cáo, ý thức của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù Đ đã có ý thức thực hiện hành vi phạm tội và đã thực hiện hành vi đó. Tuy nhiên, Đ đã không thực hiện hành vi phạm tội đến cùng mặc dù bị cáo hoàn toàn có điều kiện để thực hiện. Bị cáo đã tự nguyện và dứt khoát không tiếp tục thực hiện hành vi của mình cho dù không có ai ngăn cản.
Đặt trường hợp nếu như Đ cố ý thực hiện hành vi đến cùng thì không biết hậu quả sẽ tai hại đến nhường nào. Nó không chỉ bất hạnh cho chính cuộc sống bị hại mà cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bị cáo.
Tại phiên tòa hôm đó, vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, trước ý kiến của gia đình bị hại, đã đưa ra ý kiến đề nghị áp dụng mức hình phạt từ 9 - 10 năm tù giam với bị cáo.
Đối đáp với Viện kiểm sát, tôi đưa ra lập luận để bác bỏ ý kiến của Kiểm sát viên khi cho rằng cậu bé cố tình thực hiện hành vi phạm tội đến cùng nhằm thỏa mãn thú tính bởi đối với tôi Đ chỉ là một bị cáo vừa bước qua độ tuổi “trẻ con” 01 tháng 09 ngày. Chỉ có điều cậu bé Đ lại “tò mò” vượt quá sự cho phép của đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật.
Đi sâu vào phân tích tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, tôi mong muốn Hội đồng xét xử có cái nhìn khách quan hơn trước khi ra một bản án.
Trên cơ sở quy định của pháp luật và bằng sự phân tích, lập luận có căn cứ của luật sư, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trần Đức Đ mức án 05 năm tù giam.
Sau khi nghe tuyên án, tôi đã nghe thấy tiếng thở phào nhẹ nhõm của bà nội bị cáo, dù ít phút trước đó bà đã khóc rất nhiều bởi mức án quá cao mà vị đại diện Viện kiểm sát đã nêu.
Giá như cậu bé có cuộc sống như bao người
Hiện giờ, Đ đang thi hành bản án tại Trại tạm giam Văn Hòa, Thường Tín (Hà Nội). Là luật sư bào chữa cho rất nhiều bị cáo vị thành niên phạm tội, mỗi bị cáo có một hoàn cảnh khác nhau nhưng trường hợp bị cáo Trần Đức Đ là một trường hợp đặc biệt khiến tôi không thể quên được.
Ngày hôm đó, tôi cảm thấy mình may mắn. May mắn vì Tòa án đã chấp nhận quan điểm của luật sư, may mắn vì gia đình người bị hại đã thay đổi suy nghĩ, may mắn vì cậu bé đã có một cơ hội để sửa chữa những sai lầm của mình bởi một bản án nặng, một bản án nghiêm khắc đâu phải lúc nào cũng khiến con người ta tốt hơn đâu.
Đặc biệt là đối với trường hợp của Đ, một bị cáo mới qua tuổi 16. Sự bao dung của gia đình bị hại đã đem đến điều kỳ diệu cho Đ. Mức án nhẹ sẽ giúp cho cậu bé sớm có cơ hội được trở lại hòa nhập với xã hội và làm lại cuộc đời.
Đến bây giờ tôi cũng vẫn luôn nhớ về phiên tòa ngày hôm đó và nhớ về cậu bé. Giá như Đ có một cuộc sống hạnh phúc như bao bạn bè cùng trang lứa khác, giá như cậu bé có đầy đủ cả mẹ cả cha, giá như mọi người trong gia đình quan tâm tới cậu bé hơn thì cậu bé đã không vi phạm pháp luật. Cậu bé sẽ có một tương lai tươi sáng, một sự khởi đầu tốt đẹp hơn. Nhưng đáng tiếc điều đó đã không xảy ra.
Vẫn biết rằng thời gian sẽ qua nhanh, thời hạn chấp hành bản án cũng sẽ hết nhưng “vết chấm” trong cuộc đời cậu bé khó mà xóa mờ. Mong sao ngày trở về của Đ sẽ là ngày mà cuộc đời cậu bé bước sang một trang mới./.
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan (Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự - Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Luật sư: Con người tạo danh dự cho nghề nghiệp
Luật sư khẳng định Mr Đàm khó thoát tội 'chôm chỉa'
Theo CTTĐT Liên Đoàn luật sư Việt Nam