Ngày 24/9, trang Republic Of Buzz đưa tin về vụ án mạng kinh hoàng bị núp dưới cái tên “cái chết danh dự”. Theo đó, vào ngày 22/9, cậu bé 9 tuổi ở Sargodha (Pakistan) đã bắn dì ruột của mình, Kanwal Parveen vì kết hôn với 1 người không theo sự sắp xếp của gia đình.
Đáng phẫn nộ hơn, cảnh sát Pakistan cho biết, “tên sát nhân” đã được gia đình huấn luyện trong vòng 1 năm để sát hại dì của mình. Được biết, 10 năm trước, Kanwal đã bất chấp sự phản đối của gia đình để lấy người đàn ông mà mình yêu say đắm. Tuy nhiên sau đó, cô đã hòa giải với gia đình. Thật không ngờ, những người thân gia đình vẫn luôn ghi nhớ sự mâu thuẫn này trong lòng.
Ngày 14/9, Kanwal được gia đình mời đến nhà để tham dự sinh nhật cho đứa cháu nhỏ. Bất ngờ thay, cậu bé 9 tuổi đột nhiên rút súng và bắn tử vong người dì.
“Sau sự việc cậu bé đã trốn khỏi hiện trường. Cậu bé được cha chỉ cho cách sử dụng vũ khí, đó là 1 điều không thể xảy ra ở cậu nhóc 9 tuổi. Tôi thực sự thấy phẫn nộ với tư tưởng của những thành viên trong gia đình này. Họ sẵn sàng để 1 đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên giết người để không thành viên nào trong gia đình bị bắt giữ hay truy tố. Thật kinh tởm”, một trong số những sĩ quan cảnh sát tham gia vào cuộc điều tra cho hay.
Trước đó không lâu, ngày 12/9, 1 vụ giết người khác được báo cáo lên chính quyền địa phương. Theo đó, người đàn ông đã xuống tay sát hại em gái 30 tuổi của mình vì cô dám kết hôn đến… lần thứ 6!
Người chồng của nạn nhân, Nighat Parveen đã nộp đơn trình báo sự việc sau khi phát hiện vợ mình mất tích. Trong quá trình cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, họ phát hiện rằng người em trai 22 tuổi của nạn nhân, Abdullah Hashim đã gọi cô đến nhà rồi sát hại cô.
Tại cơ quan chức năng, Abdullah cho rằng nạn nhân là nỗi ô nhục của cả gia đình trong suốt 8 năm qua. Anh ta nói rằng bản thân và gia đình cảm thấy vô cùng áp lực khi phải sống trong sự gièm pha, bàn tán của những người hàng xóm về tính cách của chị gái mình.
Đây không phải 2 trường hợp lạ lẫm tại Pakistan. Nhiều người cho rằng, lịch sử của Pakistan “nhuốm máu” của những cô gái dũng cảm dám yêu và chiến đấu vì tình yêu. Cứ ngỡ rằng trong cuộc sống hiện nay, bất cứ phụ nữ nào cũng có quyền sống và kết hôn với ai mà họ mong muốn nhưng trong tư tưởng của Ấn Độ và Pakistan, các cô gái không được coi trọng và phải sống dưới sự sắp xếp của người khác.
Có thể nói, “cái chết danh dự” được ví như “căn bệnh ung thư ác tính” cắm rễ sâu vào tư tưởng của những người dân Pakistan. Mỗi năm, tỷ lệ những người phụ nữ bị giết dưới cái mác “danh dự” bởi người thân trong gia đình đang ở mức độ đáng báo động. Các tổ chức nhân quyền và chính phủ đã cố gắng lên án, đưa ra những biện pháp để thay đổi cục diện. Song thực tế cho thấy, kỳ tích vẫn chưa được xuất hiện.
Han (theo ROB)