Cách TP. Pleiku gần 200km về phía đông nam, xã Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh với phần lớn là người đồng bào dân tộc Jrai sinh sống. Cùng với đó là một hệ thống hủ tục lạc hậu đầy rùng rợn vẫn tồn tại nhiều thế kỉ qua. Trong đó, đáng sợ nhất là hủ tục nar tui mih - một hủ tục đã gây nhiều nỗi đau, sự ám ảnh khó nguôi ngoai đối với người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Cậu học trò Nay Đ’Roeng
Tình phụ tử đã chiến thắng hủ tục nghiệt ngã
“Con chim con sống phải có chim mẹ, con chim non yếu thì về với Atâu (tổ tiên, ông bà). Nếu không, Yàng (trời) sẽ phạt!”, Kbôr Yoang, cha của Nay Đ’Roeng (buôn Ji A, xã Krông Năng, Krông Pa, Gia Lai) bắt đầu câu chuyện về cậu con trai của mình làm nên kì tích chiến thắng tục lệ nar tui mih (con theo mẹ) nhiều đời nay của người Jrai.
Vào những năm 1972, vợ chồng Kbôr Yoang và Nay H’Đril đều là du kích ở căn cứ E Réh, huyện Krông Pa. Nơi đây cũng là khu căn cứ bị Mỹ dùng máy bay thả chất độc màu da cam/dioxin xuống, trong đó có dòng suối Ia H’Đreh. Nó cũng chính là con suối mà hàng ngày Kbôr Yoang vẫn thường men theo đi làm nhiệm vụ và là nơi cung cấp nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày của người du kích.
Khi chiến tranh kết thúc, Kbôr Yoang được phân công về làm cán bộ xã Krông Năng, cho đến năm 1990 thì ông xin nghỉ để ở nhà làm rẫy cùng vợ. Và niềm vui đã đến với họ khi Nay H’Đril có thai. Nhưng than ôi! Số phận đã không mỉm cười với họ, sau những tháng ngày hy vọng và chờ đợi, trong tích tắc mọi thứ đã hoàn toàn vụt tắt, khi H’Đril sinh đứa trẻ ra chỉ có duy nhất một cái đầu đỏ hỏn như cục thịt. Một nỗi sợ hãi đã xâm chiếm toàn thân đôi vợ chồng du kích. Và cái gì đến đã đến khi cả làng hay tin vợ chồng Kbôr Yoang đã sinh ra một quái thai, người có quyền lực tối cao của làng là già làng đến bảo đứa bé phải bị đem chôn xuống đất để nó về với Atâu! Đau đớn, nhưng sợ tục lệ của dân làng, đôi vợ chồng du kích đành nuốt nước mắt tuân theo.
Không thôi ý định mong muốn sinh ra một đứa trẻ lành lặn, sau mấy mùa rẫy, H’Đril lại sinh thêm một đứa con. Nhưng một lần nữa bất hạnh lại ập đến, đau đớn thay khi đứa trẻ sinh ra không có bàn tay, cũng chẳng có bàn chân, cả thân người cứ co quắp lại. Cũng như mọi lần, người dân trong làng lại kéo đến đòi chôn đứa bé để về với Atâu. Từng nuốt nỗi đau vào trong khi tận mắt chứng kiến việc dân làng kéo đến đòi chôn những đứa con của mình, đến lúc này, Kbôr Yoang mới thấm thía nỗi đau của đứa bé khi sinh ra trên đời này nhưng bị dị tật, ông nghĩ để nó sống thì tội nó quá. Nên người bố khổ đau đành buông xuôi theo tục lệ.
Mặc dù đã chấp nhận sự thật phũ phàng, nhưng chính trong thời khắc đêm tối lũ làng kéo đến, trên tay lăm lăm cầm những cây đuốc và những dụng cụ để chuẩn bị cho việc đưa đứa bé về với Atâu. Khi cái hố đã hoàn thành, trong ánh sáng lập lòe của ngọn đuốc, hình ảnh đứa con bé bỏng, nhỏ nhắn đang oằn mình lên như cố hết sức để vùng vẫy, như đang cầu cứu khi bị đặt xuống lòng đất lạnh lẽo. Rồi chiếc khăn thổ cẩm đã phủ kín toàn cơ thể, thì thằng bé khóc thét lên dữ dội, tiếng kêu khóc mỗi lúc mỗi vang to nghe như xé lòng người cha.
Chính tiếng khóc đó đã biến tình thương của người cha thành sức mạnh, lấn át hết mọi nỗi lo sợ tầm thường. Bỏ qua cái luật tục khắc khe của dân làng, Kbôr Yoang như không còn suy nghĩ được gì hơn là việc nhanh chóng nhảy xuống hố, bế lấy đứa con bé bỏng chạy nhanh về nhà. Lấy vỏ nứa cắt rốn và tắm rửa sạch sẽ, rồi mang vào chỗ người vợ đang héo hon vì nỗi đau mất con. Đứa bé khát sữa liền bú no căng, không còn khóc. Còn Kbôr Yoang mừng rỡ đặt tên con là Nay Đ’Roeng, và không quên chuẩn bị heo, bò để nộp phạt cho dân làng.
Cậu học trò Nay Đ’Roeng
Vượt qua gian khó tìm đến cái chữ
Sinh ra đã là đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh khi cơ thể khiếm khuyết, suốt thời thơ ấu, Nay Đ’Roeng chỉ quanh quẩn trong nhà sàn. Khi cha mẹ lên rẫy, mình Nay Đ’Roeng ở nhà vừa chăm sóc bản thân, vừa trông nom lợn, gà. Bạn bè cũng chẳng có bởi không có đứa trẻ nào thích chơi với một đứa bé quái dị. Hàng ngày nhìn thấy những đứa trẻ xung quanh được bố mẹ cho đi học, Nay Đ’Roeng đã nuôi dưỡng một ước mơ cho bản thân mình. Bỗng nhiên một hôm, cậu bé lăn mình đến nơi bố đang ngồi nghỉ nói: “Ama (bố) ơi con muốn đi học!”.
Trước lời đề nghị bất ngờ của đứa con tội nghiệp, Kbôr Yoang lặng người đi và ngạc nhiên, Kbôr Yoang nghĩ rằng đến đứa trẻ bình thường trong làng nó còn không thích đến trường huống chi là như con mình. Suy nghĩ một hồi rồi ông xoa đầu con đáp: “Được rồi Ama sẽ đến trường xin cho con đi học! Nhưng con có theo được cái chữ không? Để biết được cái chữ khó lắm đấy! bao nhiêu đứa trẻ làng mình có chịu đi học đâu. Nay Đ’Roeng đã ngẩng mặt lên nhìn bố thật lâu và buông một câu chắc nịch như khẳng định: “Ama đừng lo, con sẽ cố gắng đi học, con học giỏi được cái chữ cho Ama xem!”.
Từ lúc nghe đứa con tật nguyền nói chuyện, Kbôr Yoang trong tâm trạng vừa lo âu lại vừa khấp khởi vui mừng vì nghĩ rằng Đ’Roeng tuy khiếm khuyết tay chân, nhưng cái đầu thì lại thông minh biết nghĩ. Còn lo vì thằng bé không có ngón tay, cũng chẳng có bàn chân thì học bằng cách nào? Bao nhiêu điều thắc mắc cứ quanh quẩn mãi ở trong đầu, nhưng vì tình thương vô bờ bến đối với đứa con trai, Kbôr Yoang đã chuẩn bị sách vở và cõng cậu bé đến Trường Tiểu học Krông Năng nhờ các thầy cô giáo dạy cho em cái chữ.
Mơ ước nhỏ nhoi của Nay Đ’Roeng đã trở thành hiện thực, em háo hức chuẩn bị cho buổi đi học đầu tiên. Buổi sáng hôm ấy, khi được bố cõng đến trường trong tâm trạng vô cùng vui sướng và hồ hởi, cậu học trò Nay Đ’Roeng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người như một vật thể lạ ngoài hành tinh! Mới buổi ban đầu với nhiều bỡ ngỡ, với biết bao khó nhăn trước mắt vì em không được bình thường như những đứa trẻ khác, bạn bè nhìn em với cái nhìn khác lạ. Nhưng rồi, với tình yêu cái chữ vô bờ bến, cậu học trò Nay Đ’Roeng đã dần làm quen cùng bạn bè trong lớp học và tập thích nghi và vượt qua dần với những khó khăn.
Kể từ đó, cuộc sống của Đ’Roeng đã thay đổi, không còn những ngày buồn tẻ chỉ biết thui thủi ở nhà, mà em chuyên tâm vào miệt mài học tập. Không có ngón tay, Đ’Roeng cặp bút giữa 2 cùi tay chăm chỉ tập viết. Không có bàn chân để chạy nhảy, vui đùa, những ngày không có bố đưa đón, Đ’Roeng dám trườn cả thân mình trên con đường đất đồi dốc để đến lớp. Chính ý chí và nghị lực phi thường ấy đã khiến tâm hồn cậu bé đồng bào Jrai thêm vững tin vào cuộc sống. Với những đứa trẻ khác trong buôn làng, có thể đi học là không quan trọng lắm nhưng với Nay Đ’Roeng thì lại là một niềm vui vô bờ bến.
Kbôr Yoang vui mừng hân hoan khi nhắc đến cậu con trai: “Khi chưa đi học, Nay Đ’Roeng chỉ quanh quẩn ở chân cầu thang, rất ngại tiếp xúc với mọi người. Thế nhưng bây giờ Nay Đ’Roeng đã có nhiều bạn bè và quan trọng hơn, nó còn biết viết, biết đọc cái chữ, biết làm phép tính nữa!”.
Không những là niềm tự hào của gia đình mà Nay Đ’Roeng còn là niềm tự hào của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Krông Năng, nơi cậu học trò giàu nghị lực Nay Đ’Roeng bắt đầu gieo ước mơ của mình với nghị lực phi thường, các thầy cô nhận xét: “Với lực học khá, chăm ngoan, năm học nào Nay Đ’Roeng cũng nhận được giấy khen của nhà trường. Mặc dù bị tật nguyền nhưng Nay Đ’Roeng sống rất hòa đồng với bạn bè và đặc biệt là học rất giỏi 2 môn Toán và Vẽ”. Đầu năm học này, Nay Đ’Reong cũng chuẩn bị lên lớp 11, với bao niềm tự hào, chặng đường tìm đến cái chữ của em để thực hiện ước mơ trở thành một nhà viết kịch của em còn dài. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng em sẽ hoàn thành được ước mơ của mình. Bởi em chính là tấm gương sáng vượt lên số phận, vượt qua lời nguyền luật tục của đồng bào Jrai mà không dễ gì ai cũng có thể làm được. |
Nhật Khánh Khánh