Chú chó đặc biệt
Cậu bé Murray Whooley sống tại thủ đô Dublin (Ireland) được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ từ năm 2 tuổi. Giống như một người khuyết tật, Murray luôn gặp khó khăn trong việc giao tiếp và hòa nhập với cộng đồng. Thế giới bên ngoài trở thành một nơi đặc biệt đáng sợ đối với cậu. Ngay cả một chuyến đi đơn giản như đến siêu thị hay cửa hàng bách hóa cũng khiến cậu la hét, cáu giận và đôi khi còn bị nôn mửa.
Có lẽ cuộc sống của Murray sẽ ngày càng khủng hoảng trầm trọng nếu không có sự xuất hiện của chú chó Clive, được mọi người trong gia đình Whooley yêu quý và trở thành một thành viên không thể thiếu của gia đình. Clive được lựa chọn để làm bạn với Murray sau khi bà Fiona (mẹ Murray) đọc được bài viết trên một tờ báo về chương trình thí điểm những chú chó hỗ trợ tự kỷ của tổ chức Irish Guide Dogs for the Blind (chó hướng dẫn cho người mù Ireland) vào năm 2006.
Đây là chương trình khá mới, nơi những chú chó đã được huấn luyện đặc biệt để giúp đỡ trẻ em mắc chứng tự kỷ, đã từng thành công ở Canada. Ngay lập tức, Fiona đã có cảm giác rằng đây có thể là câu trả lời cho căn bệnh của con trai mình bởi Murray luôn thân thiện với động vật. Cậu bé học cưỡi ngựa từ năm 4 tuổi, đã chăm sóc một con mèo đi lạc và ngồi trước bể cá hàng giờ để lấy lại bình tĩnh.
Sau khi được đưa đến nhà Murray, Clive đã dành cả ngày để quan sát cậu chủ. "Clive là một chú chó rất thông minh. Lần đầu về nhà tôi, nó đã chạy thẳng lên cầu thang và vào phòng ngủ của Murray. Ban đầu tôi cũng lo lắng, không biết một con chó sẽ làm được gì để giúp đỡ con trai mình. Tuy nhiên, từ lúc có Clive, Murray đã không ngừng cười đùa. Murray đã rất vui vì có người bạn đặc biệt này", bà Fiona kể lại.
Chú chó Clive đã giúp thay đổi cuộc sống cho cậu bé mắc bệnh tự kỷ Murray.
Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường không thể hiểu được khái niệm nguy hiểm. Tuy nhiên, mỗi khi ra ngoài Clive đều được buộc dây vào tay Murray và cậu không thể đi lạc trên một con đường đông đúc vì Clive đã được đào tạo sẽ ngồi xuống nếu Murray cố gắng bỏ chạy.
Trong vòng một thời gian ngắn, Clive đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Murray, cậu bé đã đủ tự tin để đi vào các cửa hàng, nhà hàng và rạp chiếu phim, miễn là có Clive bên cạnh. Hiện tại, Murray đã 14 tuổi, cậu bé có thể đến các địa điểm đông người, như sân vận động Croke Park (một sân vận động 82.000 chỗ) để xem các trận đấu có đội bóng mà cậu yêu thích.
Murray cũng có thể đi máy bay như những người bình thường khác, điều mà trước đây cậu chưa bao giờ làm được. Thậm chí, Clive còn có hộ chiếu vật nuôi và được phép ngồi cạnh Murray trên máy bay. Cả hai đã đi du lịch New York (Mỹ), một trong những thành phố nhộn nhịp nhất thế giới cũng như đến thăm nhiều nước châu Âu khác.
Mối liên hệ khó lý giải
Nhưng làm thế nào mà một con chó như Clive có thể "đột nhập" vào thế giới tự kỷ của Murray trong khi sự quan tâm và yêu thương của gia đình lại không thể làm được? Chính Murray cũng không thể giải thích được lý do tại sao Clive lại khiến cậu tự tin và độc lập hơn. Những người xung quanh thường thấy Clive giống như anh trai của Murray, chăm sóc và giúp đỡ cậu bé.
Tổ chức Dogs for the Disabled (chó cho người khuyết tật), một tổ chức từ thiện ở Đại học Oxford đã đào tạo 40 con chó hỗ trợ để giúp đỡ các trẻ em mắc chứng tự kỷ ở Anh đang tích cực nghiên cứu mối quan hệ giữa chó và trẻ em mắc chứng tự kỷ.
Ngoài ra, một dự án nghiên cứu tương tự cũng đang được thực hiện tại trường Đại học Cork (thành viên của Đại học Quốc gia Ireland) và Clive và Murray cũng tham gia dự án này.
Trong khi đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, những người nuôi chó thường có tinh thần và thể chất khỏe mạnh hơn so với những người không không nuôi loài động vật trung thành này. Tuy nhiên, lý do chính lý giải cho vấn đề này chưa ai lý giải được. Rõ ràng, Clive đã giúp Murray vượt qua được chứng tự kỷ, căn bệnh có thể sẽ là nỗi ám ảnh suốt đời cậu.
Gia đình Whooley hiện đang rất lo lắng vì Clive ngày càng nhiều tuổi và không biết con trai họ sẽ ra sao nếu không có người bạn thân thiết này. "Chúng tôi chỉ còn một vài năm tìm giải pháp thích hợp cho Murray trước khi Clive chết. Murray vẫn chưa hiểu được việc Clive không thể ở bên Murray mãi mãi được.
Hiện tại, Clive đã 7 tuổi và sức khỏe đã yếu dần. Thời gian trước, nó còn có một khối u trên lưng nhưng may mắn thay, đó chỉ là u nang lành tính và đã được phẫu thuật. Clive giống như đứa con thứ ba của chúng tôi. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra với nó, chắc chắn đó sẽ là một nỗi đau khôn xiết đối với gia đình tôi". Bà Fiona chia sẻ.
Có rất nhiều ghi nhận từ phía phụ huynh và các bác sĩ rằng phương pháp trị liệu có liên quan tới động vật đem lại lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân tự kỷ. Một nghiên cứu đăng tải trên Đặc san Nghiên cứu Điều dưỡng Phương Tây đã xác định tác dụng của việc chơi cùng chó đối với trẻ mắc chứng tự kỷ. Trong nghiên cứu, người ta cho trẻ tự kỷ chơi cùng 1 quả bóng, 1 chú chó nhồi bông hoặc 1 chú chó thật dưới sự giám sát của bác sĩ. Kết quả cho thấy, những trẻ chơi với chó thật có tâm trạng và nhận thức về không gian xung quanh tốt hơn. Trong một nghiên cứu công bố trên chuyên san Sychoneuroendocriology năm 2010, các nhà khoa học đã đo lượng cortisol, một loại hormone gây căng thẳng trong nước bọt của 42 trẻ em tự kỷ sau khi cho chúng tiếp xúc với chó trị liệu và đi đến kết luận: Khi mới tiếp xúc với chó trị liệu, lượng cortisol giảm và trẻ cũng ít có hành vi kích động hơn. |
Đinh Nhung (Theo Dailymail)