Đang có một công việc ổn định, đồng nghiệp thân thiện tại một công ty xuất nhập khẩu ô tô cũ của Nhật ở Hà Nội, Lãn Nguyên Huệ Trang không khỏi ngần ngại chấm dứt công việc để thực hiện hành trình xuyên Việt có vẻ "điên rồ" của mình. Khi hỏi về quê hương của Trang, cô cho hay: "Quê hương của tôi là cả Việt Nam".
Lý do để Huệ Trang quyết định thực hiện hành trình đặc biệt là vì nhận thấy: “Trước khi làm bất cứ công việc gì, trái tim cần phải “sống”, phải luôn mãnh liệt, đầy xông pha và cháy lửa. Đó mới là trái tim mà tôi muốn. Do đó, tôi quyết định khơi lại lửa cho trái tim đang ngủ yên của mình”.
Để chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt, Huệ Trang mất đến 6 tháng. Cô cần 2 tháng để lên danh sách điểm đến, nghiên cứu bản đồ. Vì không có kinh nghiệm đi xuyên Việt hay lĩnh vực thể thao mạo hiểm nên Trang phải dành 2 tháng tiếp theo để nghiên cứu từ A đến Z các kỹ năng cần thiết như: Tư thế đạp xe đúng, cách đổ đèo, học sửa xe, cách gấp quần áo cho gọn, học võ tự vệ…
“Đồng thời khoảng thời gian này, tôi thực hiện kế hoạch cho đi hết quần áo, sách vở... Vì tôi không ở nhà một thời gian dài nên những thứ đó sẽ rất hoài phí nếu cứ để yên như vậy”, Trang chia sẻ.
Hai tháng cuối, cô mua xe, tập đạp và đọc sách để củng cố tinh thần trước khi bước vào hành trình. Sau này, khi nhìn lại quãng thời gian bỏ ra để chuẩn bị từ những thứ nhỏ nhất, Trang nhận ra: “Sự chuẩn bị tốt nhất là không chuẩn bị gì cả và hành trang quan trọng nhất để mang theo là trái tim mình. Nếu cứ trì hoãn để chuẩn bị cho đủ thì có thể không bao giờ chúng ta lên đường được”.
Tháng 5/2020, Trang quyết định thực hiện chuyến xuyên Việt: Chặng 1 đi bằng xe đạp từ Hà Nội đến Cà Mau và chặng 2 đi bộ từ Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Điểm đặc biệt của hành trình là Trang không muốn đi nhanh mà muốn sống chậm, ngắm nhìn thiên nhiên và sống cùng người dân địa phương.
Đến nay đã hơn 6 tháng kể từ ngày Trang xuất phát, cô đạp xe qua Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và hiện đang ở Quảng Ngãi. “Tốc độ bình thường là 2 tỉnh một tháng. Tuy nhiên, đợt Covid-19 vừa rồi tôi trú ở Huế 1,5 tháng và đợt bão vừa qua tôi trú ở Đà Nẵng 1 tháng”, Trang kể.
Không giới hạn thời gian đi vì với Trang, đây không phải là một chuyến đi cho xong. Cô tự nhận đó là cuộc sống xê dịch mà cô muốn. “Đó là một cuộc sống dịch chuyển liên tục, sống trên yên xe, không nhà cửa cố định. Tôi muốn sống một cuộc sống luôn luôn thay đổi và bất khả đoán định”, Trang cho hay.
Ngoài những món đồ cần thiết cho chuyến đi, Trang chỉ "dắt túi" 3 triệu đồng cho cả hành trình. "Tôi không muốn một chuyến đi quá dễ dàng, ăn quán, ở nhà nghỉ. Hơn nữa, thời gian đi lâu vậy tốn rất nhiều tiền, tôi không trang trải nổi", Trang chia sẻ. Tiền cô mang theo chỉ dùng cho việc ốm đau, hỏng xe hoặc mua vé tham quan.
Với chuyện ăn và ngủ, Trang chủ yếu nhờ vào nhà dân dọc đường. “Chưa bao giờ mình phải chi tiền ở nhà nghỉ. Mình ngủ ở đường đến nay là 6 lần nhưng may mắn là luôn được ăn tối và tắm sạch sẽ", Trang cười.
Dọc hành trình, cô gái gặp nhiều sự cố như hỏng xe, thời tiết khắc nghiệt, bị gạ tình... Khi hỏi cô gái về việc làm sao để tránh bị gạ gẫm khi một mình thực hiện hành trình dài như vậy?. Trang nói: “Khó tránh được vấn đề này nên cách để giải quyết là phải đối mặt, không phải sợ hãi. Một là các bạn cần biết rõ bản chất và các hình thức gạ tình của đàn ông để nhận diện tình huống. Hai là nói thẳng vào vấn đề với những người đàn ông đang có ý thăm dò mình”.
Dù gặp phải muôn vàn những khó khăn, những lần bị từ chối không cho ở nhờ hay những sự cố trên đường… Trang vẫn luôn lạc quan. "Có những giây phút tôi rơi nước mắt nhưng chưa lần nào có ý định quay đầu. Có sức mạnh ở sâu bên trong nhắc nhở tôi đi tiếp", Trang tâm sự.
Hiện tại, Trang đang ở Quảng Ngãi. Như dự kiến từ trước, sau khi đến Cà Mau, Trang sẽ tiếp tục hành trình đi bộ từ Hà Nội đến các tỉnh miền núi phía Bắc.
Phong Linh