Huyền thoại về nữ tướng họ Bùi và Cánh Đồng Chum
Theo đoàn cựu chiến binh Việt Nam sang thăm lại những chiến trường ác liệt xưa ở trên đất Lào tôi có cơ hội được sống lại những khoảnh khắc của những ngày tháng khói lửa năm nào. Đoàn đi chủ yếu là thành viên trung đoàn công binh 217, trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đã từng chiến đấu rộng khắp vùng Bắc và Thượng Lào. Các chú, các bác giờ đã có tuổi, có những người đã nhiều năm rời quân ngũ nhưng những câu chuyện của họ thì vẫn nhớ như in. Ngồi cạnh tôi là ông Lê Reo, một cựu nhà báo trong trung đoàn Công binh. Vì tính chất nhiệm vụ, ông có điều kiện đi nhiều, chứng kiến nhiều và được lắng nghe những câu chuyện tình cảm Việt- Lào trong chiến đấu.
Năm 1966, khi còn là công nhân công trường B1, ban xây dựng 64 thuộc bộ Giao thông vận tải, đơn vị ông Reo được cử sang Lào hoạt động. Về sau, do yêu cầu của cuộc chiến, một số trẻ, khoẻ trong công trường được chuyển sang biên chế quân đội, lấy tên trung đoàn 217, chia làm 3 lực lượng chủ yếu là quân đội chủ lực, công binh và thanh niên xung phong với nhiệm vụ đảm bảo giao thông, vận tải xuyên suốt trên các con đường mạch máu của chiến trường. Một bộ phận của đơn vị được cử sang chiến đấu tại tỉnh Xiêng Khoảng, tập trung ở Cánh Đồng Chum, vừa chiến đấu vừa xây dựng sân bay Cánh Đồng Chum suốt nhiều năm sau.
Những chiếc chum lớn bé ở Cánh Đồng Chum.
Ngay từ đầu, Bộ Tư lệnh đã xác định được vị trí và vai trò của cao nguyên Cánh Đồng Chum giống như một vị trí tiền tiêu, có thể bao quát cả vùng Đông Dương "ai chiếm được Cánh Đồng Chum thì như cưỡi được lên bành voi, và sẽ làm chủ được nước Lào".
Những năm 1968-1969 bắt đầu có những chiến dịch lớn nổ ra, đến năm 1971, 1972 thì nơi đây trở thành một chiến trường lửa khi Mỹ cùng một lúc làm hai gọng kìm trấn áp miền Nam và cách mạng Lào, cùng một lúc bung ra nhằm ép cho cả hai nơi cùng kiệt quệ. Quân chủ lực của ta tập trung nhiều nhất ở Lào lại là ở Cánh Đồng Chum. Khi được lệnh hành quân đến khu vực này để cùng phối hợp chiến đấu với bộ đội Pat-thet Lào, đoàn 217 lích kích súng đạn, quân trang quân dụng, toàn lính trẻ măng chủ yếu đến từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định. Họ được phân công đóng ở những vị trí chủ chốt trên đồi cao để có thể quan sát được tất thảy những động tĩnh của kẻ thù.
Cả một cánh đồng rộng mênh mông, toàn cỏ rậm với cây thưa và cả ngàn chiếc chum lớn bé, tất cả đều bằng đá tự nhiên nằm rải rác trên địa bàn tương đối rộng. Bằng sức của con người khó có thể tưởng tượng được để hoàn tất hàng ngàn chiếc chum này phải mất bao nhiêu năm. Lúc mới đến, anh em bộ đội rất tò mò, ngạc nhiên về những kì công này. Có những chiếc chum nhỏ chỉ bằng cái gùi địu sau lưng người đi rừng, cũng có những chiếc to như cái bồ đựng thóc, to bằng cả hòn non bộ,... Mỗi chiếc chum là một khối duy nhất đều được đẽo có vòm khum lại ở phía trên, bên trong rỗng, người có thể chui ra chui vào dễ dàng.
Ban đầu, không anh em lính nào dám chui vào vì nghe những người đi trước đồn thổi về những câu chuyện ma quái xung quanh những chiếc chum. Rằng thì có khi đây chính là một nghĩa địa khổng lồ của người xưa từ thời hồng hoang, cũng có khi đấy chính là vật để đựng nguồn ngọc thực, nước trời nên phải giữ sự tinh khiết,... về sau, khi đã quen với địa thế của vùng, chính anh em lại tận dụng những chiếc chum khổng lồ này làm lá chắn trong những trận chiến khốc liệt với kẻ thù "chum che chở, chum làm mát, chum chắn đạn", anh em lính vẫn thường đùa nhau thế. Những chiếc chum không còn mang vẻ ma quái ban đầu mà trở nên gần gũi hơn. Có những câu chuyện được dệt lên khi những chiếc chum bập bùng dưới ngọn lửa leo lét của lính, dần trở thành những huyền thoại nho nhỏ của mỗi đơn vị.
Ông Reo còn nhớ một huyền thoại mà khắp các đơn vị đóng trên Cánh Đồng Chum đều biết là câu chuyện của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bà là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, là vợ Thái phó Trần Quang Diệu và là một đô đốc của vương triều Tây Sơn, nổi tiếng là một người phụ nữ với sắc đẹp trời phú và thông thạo văn võ. Dưới lá cờ của đội quân áo vải, cờ đào, bà nổi lên như một nữ kiệt xuất chúng. Đến khi quân Chiêm Thành quấy nhiễu ở bờ cõi, ngoại bang lân lan đánh phá cuộc an dân, bà theo mệnh Quang Trung đem quân đi tiễu trừ.
Sau khi đánh thắng trở về, men theo dải đất phía tây tổ quốc, sang cả đất Lào, có thời gian dừng chân ở Cánh Đồng Chum. Với tầm chiến lược của mình, bà nhìn nhận nơi đây là một trong những nóc nhà Đông Dương, bà đã chọn nơi đây làm nơi khao quân. Từ vị trí này có thể nhanh chóng tập kết quân trở về từ Thái Lan, cũng có thể toả quân đi hỗ trợ cả Viên Chăn,... Đã khao quân ắt phải có rượu và thịt thú rừng. Sau một thời gian bàn bạc, bà và quân tướng mới nghĩ tới việc dùng đá để đục thành chum đựng rượu khao quân, cái to cái nhỏ tuỳ theo những phiến đá trời cho nơi này. Sau khi quân của nữ tướng họ Bùi rời về nước, những cái chum để lại, trở thành đồ để đựng nước tưới tiêu canh tác cho bà con địa phương. Ở Cánh Đồng Chum gần như không có sông suối lớn gì, mỗi năm mùa khô lại kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm, đất đai khô kiệt không hề có nước. Nhờ những chiếc chum này, nước của mùa mưa được giữ lại, dự trữ cho mùa sau.
Trên Cánh Đồng Chum còn có một ngọn núi đứng độc lập, cao hơn hẳn so với mặt bằng rộng lớn tương đối phẳng xung quanh. Nữ tướng đã chọn quả núi đá đó để xây dựng một cái hang hầm để trú quân. Khi tình hình ổn định, từ trên đỉnh núi bà có thể chỉ huy quân sĩ chiến đấu, lúc bất lợi có thể nhanh chóng rút lui để đảm bảo an toàn lực lượng...
Ông Lê Reo và đồng đội ở Cánh Đồng Chum.
Chiến trường xưa trở thành một thắng cảnh du lịch
Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, Cánh Đồng Chum giờ đã im tiếng súng, tiếng đạn nhưng những ẩn hoạ vẫn còn đó. Những trái bom nổ chậm, những cạm bẫy bom mìn vẫn còn chưa được tháo dỡ hết, đoàn chúng tôi phải đi theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên một cách cẩn thận. Từ thị xã Pôn-sa-vẳn, mỗi ngày đều có hàng chục lượt khách đến tham quan. Cảnh quan ở nơi này so với hàng chục năm trước, có lẽ phải kể đến hàng trăm năm trước nữa gần như không có gì thay đổi. Những chiếc chum khổng lồ nhìn từ trên cao xuống như những quân cờ đi lạc bước, lúp xúp bên nhau. Chỉ có một màu xanh của cỏ và của những tán cây bụi, xen lẫn với màu đen của đá, khi chiều đến Cánh Đồng Chum ngập trong sự hiu hắt và đơn điệu buồn.
Người dân địa phương vẫn còn tương truyền nơi đây giống như một nghĩa địa khổng lồ, nơi an nghỉ của hàng ngàn kiếp người, những kẻ có địa vị trong thiên hạ mới có đủ tiền và quyền để được an táng trong những chiếc "quách của trời" này. Vì vậy mỗi khi chiều tàn, đêm buông cũng là lúc những linh hồn xưa thức dậy. Không gian trở nên linh thiêng và bất phân định thời gian cũng vì thế.
Một truyền thuyết khác kể về thời đại của vua Khun Cheung, một vị minh quân của các bộ tộc Lào. Ông đã tiến hành cuộc chiến chống lại những kẻ thù xâm lược bờ cõi. Cánh Đồng Chum là món quà, sự động viên của ông dành cho quân lính trong ngày chiến thắng. Hàng ngàn chiếc Chum là những vò rượu đã lên men khổng lồ tượng trưng cho ý chí, nghị lực của người Lào, cũng là sức mạnh sẽ khiến kẻ thù phải trông vào và nể sợ.
Theo các nhà khảo cổ học, các chum đá ở đây có niên đại từ 1.500 đến 2.000 năm, được làm trong nhiều giai đoạn khác nhau, được dùng làm vật đựng di cốt người chết hoặc chứa thực phẩm. Do vậy, những cuộc khảo sát và những hiện vật được tìm thấy như tro xương, những vật tuỳ táng càng làm cho giả thiết về một nghĩa địa khổng lồ trở nên có lý hơn. Còn về chiếc hang được lưu truyền làm nơi trú quân của nữ tướng họ Bùi, các nhà khảo cổ cũng đã khảo sát, khai quật và đặt ra giả thiết là nơi dùng để hoả táng người chết, cũng có thể là nơi ở của các tù trưởng xưa.
Dù là giả thiết nào thì những câu chuyện về Cánh Đồng Chum có thể nơi đây đã từng được "trưng dụng" vào việc làm như vậy, và truyền lại cho hậu thế để nhớ công lao những người họ tôn kính. Có lẽ, sự bí ẩn đã làm nên những huyền thoại để Cánh Đồng Chum không phải chỉ là cánh đồng chết mà còn là một không gian linh thiêng, hấp dẫn và lôi cuốn sự tò mò của con người.
Hón Thỵ