[Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất

[Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất

Nguyễn Minh Uyên

Nguyễn Minh Uyên

Thứ 7, 05/02/2022 13:00

Cùng với công nghệ 4.0, đại dịch Covid-19 đã khiến đầu tư tài chính trở thành chủ đề “lên ngôi" trong năm 2021, các hình thức và đối tượng đầu tư ngày càng đa dạng.

Làn sóng đầu tư lớn nhất thập kỷ

Đầu tư tài chính - một khái niệm còn xa lạ cách đây một thập kỷ, giờ đây đã trở thành chủ đề “nóng” trên toàn thế giới, nhất là sau khi con người ta trải qua 2 năm Covid đầy khó khăn về tài chính.

Sự thay đổi này có thể nhìn thấy ở mọi thế hệ, song rõ nét nhất là ở thế hệ trẻ, hay còn gọi là genZ (sinh năm từ 1996 - 2012). Bởi GenZ thuộc nhóm nhân khẩu học gắn liền với các định kiến "ăn chơi", "vung tiền", "không tích luỹ"... nhưng thời gian gần đây Gen Z lại xuất hiện trên thị trường tài chính như một nhóm nhà đầu tư tiềm năng.

Lấy ví dụ, số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, lượng tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 12/2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 226.580 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 6.000 tài khoản so với tháng trước. Lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 12 vừa qua là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường.

Mặt khác, nhiều công ty chứng khoán nhận thấy tiềm năng lớn từ nhóm nhà đầu tư thế hệ mới cũng tăng cường các chiến dịch tiếp thị và ra mắt gói tài khoản dành riêng cho Gen Z như VPS với “Zinvest – Đầu tư chuẩn Z”.

Đối thoại - [Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất

Các bạn trẻ thế hệ Z có mong muốn "tiền đẻ ra tiền", do đó không ngừng tìm kiếm và thử sức ở các cơ hội đầu tư tài chính mới mẻ

Không thể phủ nhận, thế hệ trẻ ngày nay khá năng động, linh hoạt và nhanh nhạy nắm bắt các xu thế. Khác với các thế hệ trước thường dành cho tích lũy, các bạn trẻ hiện đại đa phần đều muốn "tiền đẻ ra tiền", do đó không ngừng tìm kiếm các cơ hội đầu tư. 

Là một người trẻ sống xa gia đình từ sớm, Phạm Bích Phương (sinh năm 1997) hiện đang làm việc như một stylist tự do với thu nhập từ công việc chính khoảng 30-40 triệu mỗi tháng, Phương coi đầu tư tài chính qua hình thức chứng khoán như một cách để “giữ tiền".

Chia sẻ với Người Đưa Tin, Phương cho biết, vì làm việc tự do nên bạn không có mức lương cố định, lại khó khăn hơn trong giai đoạn dịch bệnh, nên kể từ đầu năm 2021, mỗi tháng Phương vẫn cố dành ra một khoản cố định “tiền nhàn rỗi" để đầu tư vào chứng khoán các ngành như dầu khí, ngân hàng.

Chính nhờ vậy, thời gian giãn cách căng thẳng, công việc đình trệ, không có nguồn thu, Phương vẫn có đủ khả năng trang trải cuộc sống nhờ lợi nhuận từ các khoản đầu tư trước đó.

Trường hợp khác, như Cao Thị Thanh Huyền (sinh năm 1998), là một chủ shop kinh doanh online chia sẻ, đại dịch Covid-19 khiến cô quan tâm nhiều hơn và sẵn sàng chi tiền mua bảo hiểm nhân thọ - hình thức mà người trẻ rất hiếm quan tâm tới.

"Không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, mua bảo hiểm còn là một cách đầu tư tài chính, tích luỹ cho bản thân", Huyền cho biết. Sau khi tìm hiểu, Huyền đã quyết định sử dụng bảo hiểm thông qua ngân hàng, như vậy vừa có thể quản lý dễ dàng và có nhiều lợi ích liên kết hơn.

Đối thoại - [Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất (Hình 2).

Nhiều bạn trẻ coi đóng bảo hiểm nhân thọ thông qua ngân hàng cũng là một hình thức đầu tư tài chính, an toàn và tiện lợi

Từ đó, có thể thấy, với công nghệ 4.0 hiện nay, bất cứ ai cũng có thể đầu tư tài chính với số tiền nhỏ nhất, trong khi mở tài khoản dễ dàng chỉ cần một vài phút mà không cần đến trụ sở của các công ty chứng khoán hay giao dịch trực tiếp. Sự tiện lợi này đã tạo ra làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường khổng lồ và tạo ra con sóng lớn nhất thập kỷ.

“Nắm bắt thông tin nhanh nhưng cũng dễ đổ vỡ"

Theo TS. Võ Đình Trí, các bạn trẻ đang ngày càng quan tâm đến đầu tư hơn, như vậy tỉ lệ các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán, các hình thức đầu tư khác cũng sẽ tăng. “Đó là điều đáng mừng!”, ông bày tỏ.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng cả về hình thức đầu tư lẫn số lượng nhà đầu tư, sẽ dẫn tới thực trạng đầu tư theo phong trào, chạy theo những con sóng. Về vấn đề này, TS. Trí cho rằng, các bạn trẻ đầu tư theo phong trào bởi chưa có đủ nền tảng vững chắc, chưa có tư duy phản biện, nên sẽ dễ tin những người đi trước, đây là điều rất nguy hiểm.

Ông giải thích, đầu tư theo những con sóng, nghĩa là không có quan điểm cá nhân, ta sẽ dễ bị cuốn vào sóng do người ta chủ đích tạo ra, nhất là với mã cổ phiếu, hay đồng tiền nhỏ.

“Đó chính là cạm bẫy. Bởi biết đâu, chính người hô hào lại là người đang kiểm soát đồng tiền hay mã giao dịch đó, họ kiểm soát được nên muốn đẩy cao lên bao nhiêu cũng được, sau 5-7 lần ta thấy vẫn lên và lơ là cảnh giác, đó chính là lúc ta rơi vào “chiếc bẫy ngọt ngào"”, ông nhấn mạnh.

Đối thoại - [Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất (Hình 3).

TS. Võ Đình Trí: "Các bạn trẻ đầu tư theo phong trào bởi chưa có đủ nền tảng vững chắc, chưa có tư duy phản biện".

Khi quá chú tâm vào việc sinh lời, các bạn sẽ đi tới những thoả thuận nguy hiểm. Thực chất, điều quan trọng trong giai đoạn đầu phải là gia tăng thu nhập, tăng sự tích lũy, từ đó, khi lượng vốn đủ lớn, vấn đề tài chính sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Từ góc nhìn của một người trẻ có tham gia đầu tư tài chính dưới các hình thức khác nhau như chứng khoán, cổ phần công ty, kinh doanh, Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1996) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, trong một thế giới phẳng, các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội đầu tư, cách đầu tư tài chính khác nhau, tuy nhiên, tuỳ vào khả năng tính toán và mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi người thì sẽ có những lựa chọn đầu tư khác nhau, từ đó việc sinh lời cũng sẽ khác nhau.

Bởi bản thân Nhung là một startup trẻ, nên cô không phải là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro về tài chính cao. Nhung nói: “Mục tiêu ưu tiên của tôi vẫn là thêm nguồn thu để phát triển công ty thì sẽ tốt hơn, không phải làm mọi cách hay đặt mọi kỳ vọng vào việc sinh lời ở mức cao nhất”.

Tiếp xúc với nhiều “phong cách" đầu tư khác nhau từ bạn bè, cộng đồng người trẻ, Nhung cho biết, các bạn trẻ thế hệ mới là rất năng động, nắm bắt thông tin nhanh và có nhiều cơ hội để phát triển tài năng, nhưng cũng rất dễ đổ vỡ.

Bởi các bạn gen Z khá yếu về mặt tâm lý, đây có thể là một trong những yếu tố nhạy cảm đối với các bạn trong việc đầu tư tài chính. Cô lấy ví dụ như việc đầu tư chứng khoán, giai đoạn gần đây biểu đồ lên xuống liên tục, nếu không có tâm lý vững trước những biến động thì rất dễ “đau tim", dẫn đến tình  trạng bán tống bán tháo dù lỗ hay mua vào khi giá đang cao…

Mặt khác, người trẻ rất dễ bị xao động bởi những ý kiến xung quanh mà không có sự kiểm chứng kĩ càng, từ bạn bè, mạng xã hội hay những hội nhóm, dù việc tham khảo ý kiến là điều khá tốt trong việc thúc đẩy người trẻ tạo ra thêm của cải, vật chất.

Đối thoại - [Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất (Hình 4).

Lời khuyên từ một nhà đầu tư, CEO 9x - Nguyễn Hồng Nhung: "Cần cẩn trọng khi tham gia vào những nhóm hô hào mua ra, bán vào, tuy nhiên vẫn nên cởi mở với mọi nguồn thông tin, đón nhận chứng và kiểm tra, đối chứng lại toàn bộ".

Song việc đó lại đòi hỏi các bạn phải có kiến thức nền tảng, thêm sự kiểm chứng, chọn lọc thông tin thì mới có thể đưa quyết định chính xác, nếu không sẽ rất dễ bị lừa hoặc dụ dỗ đầu tư vào những hình thức chưa được pháp lý công nhận.

Khẩu vị đầu tư 2022 và “sinh lời" theo một góc nhìn khác

Dự báo trong năm mới, TS. Võ Đình Trí nhận định, xu hướng đầu tư của các bạn trẻ sẽ rất đa dạng và gắn với công nghệ. Nhà cung cấp tiện ích, tích hợp sản phẩm trên nền tảng điện thoại thông minh sẽ dành chiến thắng trong lòng các bạn trẻ và có được thị phần người sử dụng rất lớn.

Mặt khác, nếu đầu tư các bạn trẻ cũng sẽ dành sự quan tâm cho lĩnh vực công nghệ, nếu là cổ phiếu sẽ mua vào từ các công ty công nghệ nhiều hơn. Bên cạnh đó, hình thức có thể phát triển mạnh trong giới trẻ là hình thức crypto, blockchain hay metaverse.

Ông cho rằng, đầu tư cá nhân sẽ ngày càng gắn liền với công nghệ. Fintech sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, mọi giao dịch đều thông qua chiếc điện thoại di động - điều đã quá quen với các bạn trẻ.

Có thể trong tương lai, sẽ có app liên thông tất cả các loại tài khoản tài chính mà bạn đang sử dụng, như hiện tại ở nước ngoài đã có gọi là ‘micro investing' (đầu tư cực nhỏ). Ví dụ như, ở Pháp có app liên kết với mọi tài khoản chi tiêu của bạn, những khoản tiền lẻ dư ra trong quá trình chi tiêu hằng ngày, sẽ được tự động đẩy sang một Quỹ dưới dạng đầu tư.

Đối thoại - [Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất (Hình 5).

Hình thức đầu tư trong năm tới sẽ ngày càng đa dạng và gắn với công nghệ nhiều hơn như: crypto, blockchain, metaverse hay micro investing...

Tuy nhiên, ông đưa ra lời khuyên, các bạn trẻ không nên quá nặng nề về vấn đề sinh lời, mà hãy chú tâm nhiều hơn đến việc gia tăng thu nhập của mình, từ đó mới có thể nhân lên nguồn vốn của mình một cách bền vững. Từ đó, cần xem xét nhu cầu thị trường đang diễn ra như thế nào theo 2 chiều hướng.

Thứ nhất, bản thân bạn thật sự giỏi, nằm trong top ở lĩnh vực đó, bạn có thể làm thêm với kỹ năng và chất xám của mình, hoàn toàn có thể tối ưu thu nhập ở mức cao.

Thứ hai, đơn giản hơn, có những công việc chỉ đòi hỏi sự siêng năng, cần cù, nhưng vẫn có thể đem lại thu nhập thêm, gia tăng vốn cho các bạn trẻ.

Chính vì vậy, các bạn trẻ phải tự mở ra nhiều cánh cửa cho mình, bán kỹ năng, sức lao động của mình không chỉ ở Việt Nam mà bán trên thế giới. Do đó, cần trau dồi bản thân về cảm kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm thường xuyên, bạn mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, gia tăng thu nhập cho bản thân.

Đồng quan điểm trên, Hồng Nhung chia sẻ, nhìn chung, thế hệ nào cũng sẽ có vấn đề riêng, quan trọng là ta có nhìn nhận ra được và có tinh thần vững vàng để vượt qua không, nếu không thì sẽ luôn là những người bị mắc kẹt bởi vấn đề tài chính, không biết hướng phát triển tiếp theo là gì.

Dưới cương vị là một người quản lý, với tư duy hiện đại, Nhung nghĩ rằng, các bạn trẻ hãy biết tận dụng những thế mạnh của mình: nhanh nhạy, năng động, liều lĩnh nhưng đồng thời vẫn luôn ý thức xây dựng thật tốt kiến thức nền, bởi chính điều đó sẽ làm cho sự liều lĩnh của bạn không vượt quá giới hạn và có bản lĩnh đối mặt với mọi tình huống.

“Bởi chưa có gì có thể chắc chắn, Covid vẫn đang đem lại cho chúng ta cảm giác chông chênh, nên đầu tư cho bản thân vẫn là điều khó có thể mất”, Nhung giải thích thêm

Xem thêm: 

[Câu chuyện của tiền] Năm 2022, dòng tiền sẽ chảy vào đâu?

[Câu chuyện của tiền] Không lo “sốt đất”

[Câu chuyện của tiền] Cẩn thận tình trạng "say sóng ngành" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập "đường đua" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Doanh nghiệp BĐS công nghiệp bước vào “cuộc chiến” giành thị phần

[Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất

[E] “Chàng ngốc già” Nguyễn Đình Trí và câu chuyện về quản lý tài chính cá nhân

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.