[Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập "đường đua" chứng khoán

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 6, 04/02/2022 13:00

Theo các chuyên gia, việc Gen Z “đổ bộ” thị trường chứng khoán là tất yếu. Tuy nhiên, giới trẻ cũng cần lưu ý: Chứng khoán vốn không phải kênh cầu may.

Thị trường chứng khoán bùng nổ năm vừa rồi nhờ một phần không nhỏ đến từ các nhà đầu tư Gen Z. Nhiều bạn trẻ chơi chứng khoán như cách để kiếm thêm thu nhập, bên cạnh những bạn chốt lời, cũng nhiều người đã phải trả "học phí thương trường".

Gen Z "chốt lời" chứng khoán

Kiều Linh Chi (16 tuổi, Hà Nội) được chị gái ruột hướng dẫn và mở tài khoản chứng khoán khi vừa bước vào cấp 3. Chị gái ruột Linh Chi 25 tuổi, đã tham gia chứng khoán được 2 năm nên hướng dẫn em gái đầu tư với số tiền tiết kiệm để cùng "chốt lời". 

Linh Chi có hơn 10 triệu đồng tiền tiết kiệm. Khi được chị gái gợi ý, Chi mua một mã dầu khí và một mã ngân hàng. Sau hơn nửa năm tham gia, Linh Chi đã lãi gần 30% danh mục. "Ban đầu em cũng không hiểu lắm, nhưng khi thực sự đầu tư em đã phải tìm hiểu kỹ vì số tiền 10 triệu là tất cả những gì em có tại thời điểm ấy. Chị gái em nói nếu lỗ sẽ bù nhưng may là không cần".

Linh Chi đã chốt lời trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 và sẽ nghỉ ngơi đến hết dịp Tết Nguyên đán để tìm hiểu để đầu tư các mã tiềm năng mới cho năm 2022. 

Tham gia thị trường chứng khoán trễ hơn, Trần Nhị Hường (22 tuổi, Bắc Ninh) mua mã chứng khoán đầu tiên vào tháng 3/2021. Thời gian phải về quê học trực tuyến và phải nghỉ việc làm thêm, Hường lên Youtube mỗi ngày và tình cờ xem được các video hướng dẫn đầu tư. Sau đó, Hường tiếp tục lên Facebook, tham gia vào các nhóm đầu tư cá nhân và chính thức trở thành nhà đầu tư F0 khi dồn 50% số tiền kiếm được nhờ đi làm thêm vào các mã bluechip thuộc ngành thép, ngân hàng. 

Trước đây, khi nghe qua chứng khoán, Hường không quan tâm vì bản thân học ngành ngôn ngữ, không liên quan đến ngành này. Một thời gian dài, Hường còn hiểu nhầm chứng khoán là "trò lừa đảo" do từng nghe ở quê có người mất hết tài sản vì đầu tư. 

Tuy nhiên, sau khi lãi 20% nhờ chứng khoán, Hường quyết sẽ học một khóa dạy "chơi chứng" cơ bản trước khi "thực chiến nghiêm túc" trong năm 2022. "Mình đã đăng ký khóa học đầu tư, khai giảng vào tháng 3/2022. Năm nay mình sẽ dồn tiền và hy vọng lãi sẽ nhiều hơn nữa". 

Tài chính - Ngân hàng - [Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập 'đường đua' chứng khoán

Giải pháp mua cổ phiếu lô lẻ do Công ty Chứng khoán VPS phát triển đã giúp công ty nâng số tài khoản mở mới của các nhà đầu tư trẻ thuộc thế hệ GenZ lên tới gần 15.000 chỉ sau một tháng ra mắt.

Linh Chi và Nhị Hường là hai trong nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) tham gia vào thị trường chứng khoán. Ngân hàng DBS đưa ra thống kê, đầu tư của Gen Z tăng 200% từ đầu năm ngoái và tiếp tục tới nay. Nhà băng này cũng ghi nhận nhiều khách hàng sinh từ năm 1996 trở đi đổ tiền vào các sản phẩm tài chính. 

Các công ty chứng khoán tại Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Giải pháp mua cổ phiếu lô lẻ do Công ty Chứng khoán VPS phát triển đã giúp công ty nâng số tài khoản mở mới của các nhà đầu tư trẻ thuộc thế hệ GenZ lên tới gần 15.000 chỉ sau một tháng ra mắt.

Cộng đồng Zinvest Club được thiết kế đặc biệt dành cho các nhà đầu tư trẻ, giúp họ cơ hội tìm hiểu và làm quen với đầu tư tài chính dễ dàng. Nhiều công ty chứng khoán nhận thấy tiềm năng lớn từ nhóm nhà đầu tư thế hệ mới cũng tăng cường các chiến dịch tiếp thị và ra mắt gói tài khoản dành riêng cho Gen Z.

Gen Z đầu tư chứng khoán: Xu thế tất yếu 

Gen Z xuất hiện trên thị trường chứng khoán như một nhóm nhà đầu tư tiềm năng. Gen Y - thế hệ Millennials (sinh từ 1986-1991) trải qua giai đoạn rối ren, đặc biệt cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã định hình tư duy bi quan và hình thành tâm lý trở ngại khiến nhóm người này ít tiếp cận với đầu tư. Trong khi đó, lớn lên ở thời đại số với tình hình kinh tế - xã hội năng động khiến Gen Z có ý thức về đầu tư hơn.

Tài chính - Ngân hàng - [Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập 'đường đua' chứng khoán (Hình 2).

Ông Chu Tuấn Linh cho rằng chứng khoán vốn là kênh đầu tư phù hợp với giới trẻ. 

Nhiều chuyên gia nhận định việc xu hướng Gen Z gia nhập thị trường chứng khoán là xu thế tất yếu với sự phát triển của kinh tế. Ông Chu Tuấn Linh - Phó giám đốc khối IB, công ty Chứng khoán An Bình - cho rằng chứng khoán vốn là kênh đầu tư phù hợp với giới trẻ. 

Ông Linh cho biết, đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán đang càng ngày càng "trẻ hóa". Theo ông, những người nhiều tuổi có ít cơ hội làm lại, ngại rủi ro và sẽ chọn những kênh an toàn như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm ngân hàng… "Chứng khoán có nhiều rủi ro đầu tư hơn nhưng giới trẻ ưa mạo hiểm, phiêu lưu. Họ kỳ vọng mức sinh lời lớn" - ông Linh nói. 

Ngoài ra, theo ông Linh, đối với kênh đầu tư vàng hoặc bất động sản, để tham gia được cần có thời gian tích lũy tương đối lâu dài mới đủ vốn. Trong khi đó, tham gia chứng khoán không giới hạn số vốn - việc này phù hợp với những người chưa có tích lũy nhiều như các bạn trẻ. 

"Công nghệ phát triển nên các công ty chứng khoán đưa ra nhiều app giao dịch, phần mềm mới. Giới trẻ tiếp thu công nghệ nhanh hơn so với người cao tuổi nên rất thuận lợi để đầu tư" - ông Linh nói thêm. Bên cạnh đó, việc các công ty chứng khoán hiện đã áp dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử) cũng giúp nhà đầu tư dễ dàng mở tài khoản trực tuyến mà không phải đến tận trụ sở/chi nhánh các công ty chứng khoán như trước kia. Chỉ với 5 phút mở tài khoản trực tuyến, tài khoản sẽ được kích hoạt và nhà đầu tư có thể giao dịch.

Đặc biệt, Phó giám đốc khối IB, Công ty Chứng khoán An Bình nhận định các bạn trẻ thường hay làm mọi thứ theo phong trào và thích "mốt". Năm vừa qua, chứng khoán nổi lên như một xu hướng và các bạn trẻ thích nắm bắt xu hướng thức thời.

"Chứng khoán không phải kênh cầu may"

Thực tế, giới trẻ tiếp cận với đầu tư tài chính càng sớm càng tốt. Trao đối với Người Đưa Tin, ông Bùi Khoa Bảo - Trưởng phòng đầu tư, công ty Chứng Khoán VPS - cho rằng việc giới trẻ tham gia đầu tư sớm sẽ rèn được tư duy quản lý tài sản cho tương lai. Đặc biệt, người trẻ có nhiều thời gian nên "nếu có vấp ngã, sẽ còn nhiều cơ hội làm lại". 

Ngoài ra, FOMO (fear of missing out - nỗi sợ bị bỏ lỡ) là bẫy chung dễ mắc ở những người mới chơi chứng khoán. Đó là khi nhà đầu tư chưa sẵn sàng đầu tư cổ phiếu nhưng vẫn muốn đua cùng đám đông mua mã này bán mã kia, trong khi bản thân không có một kế hoạch đầu tư rõ ràng.

Trưởng phòng đầu tư Chứng Khoán VPS nhấn mạnh, cần tham gia với thái độ, tinh thần nghiêm túc chứ không nên coi chứng khoán là kênh cầu may như lô đề, xổ số. "Mình phải học hỏi để biết lý do mình mua một cổ phiếu, xác định nó có gì để kỳ vọng. Trading và đầu cơ chẳng đi đến đâu và tương lai sẽ mất hết những gì kiếm được" - ông nói. 

Ông Bảo cũng cho rằng nghiêm túc với chứng khoán nhưng cũng không nên lãng phí thời gian. "Nếu chứng khoán không phải nghề mà chỉ là kênh đầu tư, đừng nhìn bảng điện liên tục để ảnh hưởng tâm lý" - ông nói. Theo ông, việc giới trẻ "dán mắt" vào bảng điện không nghiên cứu mà chỉ là theo dõi đơn thuần. Các bạn nên tập trung thời gian phát triển công việc, sự nghiệp chính. Từ đó mới tạo thêm nguồn lực để đầu tư chứng khoán bền vững.

Tài chính - Ngân hàng - [Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập 'đường đua' chứng khoán (Hình 3).

Trưởng phòng đầu tư Chứng Khoán VPS cho rằng nghiêm túc với chứng khoán nhưng cũng không nên lãng phí thời gian.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý các bạn trẻ nên phân biệt rõ đầu cơ và đầu tư, hiểu rõ về khoản đầu tư của mình, từ đó chọn hướng đi, phương pháp đầu tư phù hợp. Thị trường hiện quay cuồng trong dòng tiền đầu cơ, nhiều người tìm kiếm lợi nhuận nóng trong ngắn hạn. Nhiều nhà đầu tư mới cũng bị cuốn vào con sóng đó, đặt quá nhiều tâm trí, thời gian, "ôm bảng" cả ngày, hiệu suất công việc chính suy giảm. 

"Các bạn trẻ nên tìm kiếm các mã có tiềm năng tăng trưởng bền vững, trả cổ tức đều đặn, có uy tín cao trên thị trường. Tỉ suất lợi nhuận chắc chắn không thể cao trong ngắn hạn, tuy nhiên cũng sẽ rất đáng kể và an toàn trong trung dài hạn" - ông nói

Xem thêm: 

[Câu chuyện của tiền] Năm 2022, dòng tiền sẽ chảy vào đâu?

[Câu chuyện của tiền] Không lo “sốt đất”

[Câu chuyện của tiền] Cẩn thận tình trạng "say sóng ngành" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập "đường đua" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Doanh nghiệp BĐS công nghiệp bước vào “cuộc chiến” giành thị phần

[Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất

[E] “Chàng ngốc già” Nguyễn Đình Trí và câu chuyện về quản lý tài chính cá nhân

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.