Câu chuyện hết sức cảm động của hai lão thành cách mạng

Câu chuyện hết sức cảm động của hai lão thành cách mạng

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Đến phường Tân Đông Hiệp, quận 7, TP.HCM, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện hết sức cảm động của hai vị lão thành cách mạng, hai tử tù trong thời kỳ kháng chiến.

Lọt vào cửa t

Năm 1946, khi vừa tròn 16 tuổi, chàng thiếu niên Nguyễn Hữu Kỳ đã tham gia cách mạng tại quân khu 4. Năm 1947, ông trở về Đà Nẵng công tác.

Tại quê hương của mình, ông đã trà trộn vào cơ sở sản xuất nước đá của Pháp và bí mật thành lập một cơ sở liên lạc, chuyên nắm thông tin về các hoạt động của bọn Việt gian và giặc Pháp. Nhờ những thông tin kịp thời và chính xác của ông, các căn cứ cách mạng xung quanh khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng luôn hoạt động an toàn.

Tháng 11/1948, không may cơ sở bị bại lộ, Nguyễn Hữu Kỳ bị giặc bắt và tra tấn rất dã man tại nhà lao Con Gà. Dù chịu nhiều cực hình, nhiều lần chết đi sống lại vì đau đớn, thế nhưng người chiến sĩ kiên trung vẫn không hé răng tiết lộ nửa lời. Bất lực trong việc khai thác thông tin, lại không đủ bằng chứng để kết tội, thực dân Pháp đành phải thả ông ra.

Xã hội - Câu chuyện hết sức cảm động của hai lão thành cách mạng

Vợ chồng ông Nguyễn Phong Lưu.

Sau khi thoát khỏi cảnh tù đày, tháng 2/1949, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Thời đó, giặc Pháp tăng cường lùng sục, càn quét các cơ sở kháng chiến. Bởi vậy, cứ mỗi buổi tối, ông phải vượt qua hàng chục cây số, len qua nhiều vành đai, nhiều đồn bốt của địch để vào thành phố, nắm thông tin về hoạt động của giặc. Nhiều lần bị giặc vây bắt, ông phải nấp dưới hầm bí mật, chờ tình hình lắng xuống mới trở về chiến khu báo cáo tình hình được.

Sau nhiều lần truy đuổi không thành, đến ngày 18/1/1953, khi đang hoạt động thì ông bị bọn Việt gian chỉ điểm. Thực dân Pháp cho quân bao vây nhiều vòng và bắt được ông. Lần này, chúng đưa ông về nhà lao Hiến binh ở Huế. Cũng như lần trước, ông không chịu khuất phục trước những lời dụ dỗ và đòn roi của địch.

Do đã nắm rõ mọi chứng cứ phạm tội của ông, chúng đã tuyên án tử hình và nhốt ông vào xà lim biệt lập. Dù biết mình khó sống sót khi rơi vào tay giặc nhưng ông vẫn luôn vững tin vào sự thành công của cách mạng, vẫn vui vẻ chờ chết không một chút hối hận.

Với lão tướng Nguyễn Phong Lưu, sau nhiều lần xông pha trận mạc tại chiến trường Đông Nam Bộ, năm 1947, ông bị rơi vào tay giặc. Thực dân Pháp đã đưa ông ra nhà tù Côn Đảo.

Tại đây, chúng dùng đủ mọi cực hình dã man nhất để tra khảo, moi móc thông tin từ ông. Khi biết không thể khai thác được bất cứ điều gì, thực dân Pháp liền tuyên án tử hình và nhốt ông trong trại giam biệt lập. Tuy bị cầm tù nhưng với bản lĩnh kiên cường và trí thông minh, Nguyễn Phong Lưu đã tìm cách liên lạc với các bạn tù, thành lập đường dây hoạt động bí mật ngay trong lòng địch.

Cả hai lão tướng đều bị kết án tử hình. Tuy nhiên, nhờ những phép màu kì diệu của cách mạng, của kháng chiến, họ đã được trả tự do trong hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Sau đó, cả hai người đều được tập kết ra miền Bắc, chung tay, góp sức vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Bản lĩnh thép và tuyệt kỹ thoát tra tấn

Khi lọt vào tay giặc, hai lão tướng Nguyễn Hữu Kỳ và Nguyễn Phong Lưu đều được nếm đủ mùi vị của các loại cực hình. Những trận đòn tàn ác, những màn hỏi cung dã man của quân thù đã làm hai người chiến sĩ phải mang bệnh tật đến suốt cuộc đời.

Trò chuyện với chúng tôi, lão tướng Nguyễn Hữu Kỳ kể: "Lần thứ nhất, ở nhà lao Con Gà, Đà Nẵng, giặc Pháp dùng gậy, búa đập vào đầu ngón tay, ngón chân của tôi. Không khai thác được gì, chúng đánh cho tới khi nào mười đầu ngón tay, ngón chân tôi tóe máu mới dừng. Bên cạnh đó, chúng còn cho đổ nước dưa môn pha ớt, nước xà bông vào mũi rồi bịt lại, với chiêu này, tôi không thể nào thở được. Nhiều lần tôi chết đi sống lại mấy lần vì đau đớn, vì ngạt".

Xã hội - Câu chuyện hết sức cảm động của hai lão thành cách mạng (Hình 2).

Ông Nguyễn Hữu Kỳ và cuốn nhật ký của ông có in hình Bác Hồ.

Ông Kỳ còn chia sẻ thêm: "Ngoài việc tra tấn, quân giặc còn ra sức dụ dỗ, mua chuộc tù binh. Mấy lần, chúng kêu tôi khai ra mọi chuyện thì sẽ được ăn uống sung sướng, được thưởng nhiều tiền và thả về. Tuy nhiên, tôi không thể làm những chuyện có lỗi với đất nước, với nhân dân và với cả những người đã anh dũng ngã xuống".

Lần thứ hai, khi bị giam ở nhà lao Hiến binh ở Huế, thực dân Pháp đã thu thập được chứng cứ hoạt động của ông. Tại đây, ông phải nhận nhiều cực hình rất ghê gớm.

Ông kể: "Những màn tra tấn trong nhà lao Hiến binh ở Huế mới thực sự đáng sợ. Khi hỏi cung, chúng dùng hai vòng nhôm nối với dây điện rồi tròng vào hai ngón tay cái. Trước khi đưa ra một câu hỏi, chúng lại quay điện, nếu ngất, chúng sẽ dội nước cho tỉnh lại.

Tàn độc hơn, có khi chúng còn cho một vòng nhôm xuống phần kín, một vòng đeo ở tay rồi quay điện. Không chỉ có những nam tù binh mà cả những nữ tù binh cũng bị chúng tra khảo bằng phương pháp này. Sau nhiều lần chết đi sống lại vì sốc điện, tôi đã tìm ra được sơ hở của biện pháp tra tấn bằng điện. Mỗi lần chúng bắt đầu quay điện là tôi lại tháo một vòng nhôm ra.

Làm theo cách này, dòng điện sẽ không chạy qua người nữa. Tuy nhiên vẫn phải la hét và giật, run bắn mình như đang bị điện giật. Bất lực sau nhiều tháng tra tấn, chúng bèn kết án tử hình với tôi và đem giam biệt lập".

Cũng giống với lão tướng Nguyễn Hữu Kỳ, lão tướng Nguyễn Phong Lưu cũng là tù chính trị nhưng bị giam tại Côn Đảo. Những hình thức tra tấn ở Côn Đảo rất ghê gớm.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Lưu vừa sờ lên hai bên sườn, ông cười: "Đến giờ tôi cũng không biết cái xương sườn non của tôi còn hay không nữa. Năm 1947, tôi bị bắt, địch tống thẳng tôi tới Côn Đảo và bắt đầu tra tấn để ép tôi khai ra đơn vị đóng quân cùng những đồng đội khác. Chúng trói hai tay với hai chân tôi trật ra sau rồi treo lên trần, mặc sức dùng gậy gộc đập vào hai mạng sườn, đau đến không thở được.

Với tôi lúc đó, thà chết đi còn thoải mái hơn sống. Thế nhưng, tôi muốn sống vì tôi tin vào ngày mai, tin vào sự thành công của cách mạng. Bất lực vì đã dùng đủ mọi cực hình nhưng không lấy được lời khai, cuối cùng chúng đành phải gỡ tôi xuống, khi đó người tôi nhuộm đầy màu đỏ của máu".

Sức chịu đòn của hai lão tướng Nguyễn Hữu Kỳ và Nguyễn Phong Lưu đều vào diện đáng nể, đó cũng chính là tố chất của người chiến sĩ cách mạng. Vì Tổ quốc, vì dân tộc Việt Nam, vì lòng căm thù giặc, họ đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, không chịu nhục, không chịu khuất phục trước gian lao, khổ sở và đau đớn. Sức mạnh của đòn roi không thể nào đánh bại ý chí của những người chiến sĩ kiên trung, những anh bộ đội cụ Hồ. Họ xứng đáng là những tấm gương về đạo đức cách mạng, về ý chí bất khuất của những người lính suốt đời vì nước, vì dân.

Để ghi nhận những công lao của hai chiến sĩ lão thành cách mạng, Đảng và Nhà nước đã phong tặng ông Nguyễn Hữu Kỳ Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3 (năm 1960), Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (1980), kỉ niệm chương tù đày và huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (năm 2010).

Ông Nguyễn Phong Lưu Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng hai. Hàng năm, vào mỗi dịp lễ, tết, đại diện UBND quận 7 (TP.HCM) và đại diện UBND phường Tân Đông Hiệp tới thăm hỏi, tặng quà để tỏ lòng tri ân với hai vị lão thành cách mạng, với những người đã không quản ngại hy sinh chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Mạc Vấn

(Còn nữa)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.