Sau khi được các cơ quan báo chí vào cuộc đưa tin phản ánh về việc giấy khai sinh bị nhầm lẫn từ giới tính nữ sang nam trong suốt 17 năm khiến thiếu nữ Trần Văn Hải (SN 2000), trú tại xóm Quai Chèo, thôn Đồng Miệu, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế buộc phải nghỉ học từ sớm, vừa qua, chính quyền địa phương, cùng các ban ngành đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho gia đình em làm lại giấy khai sinh và các loại giấy tờ liên quan khác.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, cô thiếu nữ 17 tuổi có dáng người gầy nhẳng bắt đầu trút lòng về quãng tuổi thơ lận đận, đầy cơ cực của mình chỉ vì nhầm một chữ. Trần Văn Hải chia sẻ, từ nhỏ em được đi học tại một lớp xóa mù chữ cho con em vạn đò. Đến khi đủ tuổi vào lớp 6, Hải làm hồ sơ nộp vào một trường trung học cơ sở trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi xem hồ sơ thì nhà trường từ chối không cho nhập học vì giấy khai sinh sai giới tính.
Hằng ngày, nhìn các bạn đồng lứa cắp sách đến trường, Hải lặng lẽ giấu nước mắt vào trong, vì sợ bố mẹ buồn. Khao khát đến trường chứ cháy theo những giấc mơ của cô thiếu nữ bất hạnh ấy. Biết con gái rất muốn đi học, bố mẹ Hải đã nhiều lần nhờ người viết đơn gửi lên chính quyền xin giúp đỡ. “Mặc dù, cha mẹ em đã viết đơn xin cứu xét gửi lên UBND xã Phú An để được giải quyết, nhưng chờ mãi vẫn không thấy phản hồi. Thật sự em rất buồn khi mình không thể tiếp tục đi học như bao bạn bè cùng trang lứa khác”, Hải tâm sự.
Tuy nhiên, chắn đứng con đường tới trường của một cô gái ham học không phải là ảnh hưởng duy nhất từ tờ khai sinh sai giới tính. Theo Hải, kể từ khi nghỉ học, em ở nhà đỡ đần thêm cho cha mẹ. Năm 12 tuổi, em bắt đầu đi làm giúp việc để kiếm tiền phụ gia đình. Tuy nhiên, sau một thời gian, công việc vất vả, số tiền lương kiếm được quá ít ỏi không đủ để phụ cha mẹ trang trải cuộc sống nên Hải đã nghỉ làm.
Đến năm 15 tuổi, Hải xin đi làm tại một quán ăn cách nhà chừng 4km cho đến bây giờ. Hàng ngày, dù trời nắng hay mưa, Hải vẫn chăm chỉ đạp xe đi làm từ 14h cho đến 22h cùng ngày, lương mỗi tháng là 2 triệu đồng. Tuy số tiền kiếm được không nhiều, nhưng đối với Hải đó là một niềm vui rất lớn khi em có thể dùng số tiền đó để phụ thêm cho cha mẹ trang trải cuộc sống.
Hải cho biết thêm, gia đình em thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ thì đã già, nghề chài lưới bấp bênh nên em rất muốn học được một cái nghề để kiếm tiền phụ thêm cho gia đình. Thế nhưng từ nhiều năm nay, mỗi lần em đi xin học nghề đều bị người ta từ chối vì giấy tờ không hợp lệ.
"Cứ mỗi lần đi xin việc làm hay xin học nghề thì những nơi này đều yêu cầu em phải có các loại giấy tờ đầy đủ. Nhưng giấy khai sinh của em lại bị sai về giới tính, vì vậy, khi người ta xem qua thì họ lắc đầu từ chối. Nhiều lúc, em chán nản lắm. Mình đã cố gắng động viên bản thân vượt lên những tréo ngoe của số phận, nhưng dường như mọi thứ đều quay lưng với em", Hải bùi ngùi tâm sự.
Chia sẻ về ước mơ của mình, thiếu nữ này nói, “Bây giờ, em chỉ ước mơ được một cơ sở đan lát thủ công nhận vào học nghề, bởi lẽ đây là một trong những công việc mà em rất thích. Trước đây em đã từng đi đến một vài cơ sở đan lát thủ công để xin học nghề nhưng họ không chấp nhận, cũng vì giấy tờ của em không phù hợp".
Bên cạnh đó, Hải còn mong muốn được học thêm nghề may để sau này tăng thu nhập nuôi sống bản thân và phụ giúp cho gia đình.
Ông Trần Văn Thanh, bố của Hải cho hay, nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc của cô con gái út cũng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bản thân ông cùng vợ đều không biết chữ nên đã nhờ người hàng xóm đi làm giấy khai sinh giúp cho con mình.
“Trớ trêu thay người này cũng không biết chữ nên mới dẫn đến sự việc ngày hôm nay. Qua đây, tôi rất chân thành cảm ơn các cơ quan đã hỗ trợ giúp đỡ cho con gái tôi cùng gia đình”, ông Thanh nói.
Được biết, trước đó ngày 22/9, em Hải đã cùng gia đình đến UBND huyện Phú Vang để làm thủ tục sửa đổi giấy khai sinh và hộ khẩu, điều chỉnh tên Trần Văn Hải thành Trần Thị Hải và sửa giới tính từ nam sang nữ.
Ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang thông tin, chậm nhất đến ngày 26/9 em Hải sẽ có giấy khai sinh mới. Sau khi có giấy khai sinh, em Hải có thể bổ sung vào hồ sơ để quay lại trường tiếp tục việc học của mình.
Lúc chia tay chúng tôi ra về, cô thiếu nữ có phần đời lận đận ấy đã cất nụ cười. Nhìn ánh mắt tràn đầy hi vọng vào một khởi đầu mới của em và gia đình, người viết thấy quãng đường về thật ấm áp.
Công Định