Năm 2009, NSND Phùng Há mất. Danh hài Hoài Linh đã túc trực suốt đêm bên linh cữu nữ nghệ sĩ tiền bối của ngành nghệ thuật cải lương, trước đêm đưa bà về cát bụi.
Đêm đó, trước bàn thờ đặt di ảnh NSND Phùng Há, danh hài Hoài Linh đã vào vai ông Hội đồng Thăng, còn NSND Bạch Tuyết vào vai cô Lựu, tái hiện lại một trích đoạn vở cải lương Đời cô Lựu. Lúc sinh thời, NSND Phùng Há đã nổi tiếng với vai cô Lựu trong vở cải lương kinh điển này của cố soạn giả Trần Hữu Trang.
Để có tiền làm lộ phí cho bà và má trốn về Việt Nam, người chị thứ Tư của bà là Trương Liên Hảo, đã giấu người chồng hào phú, mang nữ trang thật đi bán, tráo nữ trang giả vào thay thế. Sau này bị chồng phát hiện, người chị của bà bị chồng hành hạ, rất đau khổ. Trong vở tuồng Đời cô Lựu, chi tiết này thể hiện ở màn Kim Anh tráo nữ trang giả, lấy nữ trang thật đi cầm cố, lấy tiền đưa cho mẹ của mình là cô Lựu….
Chọn trích đoạn trong vở tuồng Đời cô Lựu để dâng linh hồnNSND Phùng Há, cả NSND Bạch Tuyết và danh hài Hoài Linh đều được khán giả vỗ tay khen ngợi. Sau màn diễn, NSND Bạch Tuyết vì quá xúc động, đã ngất xỉu.
Đêm khuya, chương trình văn nghệ tan, tiếng gõ mõ tụng kinh ngừng tắt. Mọi người ai cũng mỏi mệt. Ngồi bên bàn nước, nghi ngút khói hương tỏa ra từ bàn thờ NSND Phùng Há, danh hài Hoài Linh đã nghiêm trang kể cho mọi người nghe nhiều chuyện kỳ bí của bức tượng tổ nghiệp mà anh thờ từ khi mới bước chân vào nghề.
Bình thường, Hoài Linh kể chuyện rất dí dỏm, nhưng hôm nay anh không hề gây cười cho mọi người, ngược lại ai nấy đều nổi gai ốc.
“Tôi có thờ một bức tượng bằng gỗ ở bên Mỹ. Linh thiêng lắm. Anh em nghệ sĩ đều biết những chuyện kỳ bí của bức tượng này” – Hoài Linh mở đầu câu chuyện.
Đôi mắt không chớp, Hoài Linh tiếp tục câu chuyện: “Mỗi khi làm liveshow, tui đều thỉnh bức tượng này đến sân khấu, khói hương, dâng hoa quả, heo quay đàng hoàng. Lần nào cũng vậy, tui đều được Tổ đãi, liveshow thuận lợi, khán giả mua vé coi đông nghìn nghịt”.
“Chính vì bức tượng linh thiêng, khi tổ chức show, nhiều anh em nghệ sĩ thân thiết hay nài nỉ tui cho rước bức tượng đến sân khấu vài ngày, mong được phù hộ. Anh em đều được thỏa nguyện” – Hoài Linh nói.
Nhấp một ngụm nước trà, gương mặt Hoài Linh bỗng trở nên bí hiểm. Anh kể tiếp: “Năm 2005, cơn bão lịch sử Katrina đổ bộ tháng 8/2005 làm 1.800 người thiệt mạng và cuốn theo hàng tỷ USD của nước Mỹ. Lúc đó, tui đang ở Việt Nam. Bỗng nhiên tui thấy xây xẩm mặt mày. Một bên vai đau nhức quá, như có ai đó bị mạnh kéo xuống. Tui không hiểu chuyện gì đang xảy ra…”.
Mọi người hồi hộp, chờ đợi Hoài Linh tiếp tục câu chuyện, vì không hiểu sao anh xen vào những tình tiết không liên quan gì đến bức tượng linh thiêng mà anh nói từ nãy đến giờ.
Hoài Linh nhìn mọi người, nói: “Từ từ, tui kể cho nghe. Tui kể câu chuyện mà cũng nổi gai ốc, lạnh sống lưng nè”.
Dừng lại giây lát, Hoài Linh tiếp tục câu chuyện: “Lúc đó, bang Florida đang bị động đất nhẹ. Đứa em của tui vô xem lại bàn thờ Tổ thì thấy bức tượng đang bị ngã nghiêng sang một bên, đúng bên trái. Nó chắp tay lạy tạ lỗi, dựng bức tượng lại vị trí ban đầu. Kỳ lạ là ngay sau đó, ở Việt Nam, vai trái của tui cũng hết đau. Hiện tượng bị xây xẩm mặt mày của tui cũng hết tức khắc, không cần uống viên thuốc nào”.“Thấy mình đang khỏe mạnh, tự dưng bị chuyện lạ như vậy, tui mới gọi về Mỹ cho đứa em. Tui nói với nó: Mày coi lại cái bàn thờ Tổ coi có chuyện gì hay không?” – Hoài Linh kể.
“Nhiều lần về Việt Nam làm liveshow, tui cũng thỉnh bức tượng về để mong được ngài phù trợ” – Hoài Linh chia sẻ thêm.
Đó là câu chuyện mà phóng viên đã từng nghe chính danh hài Hoài Linh kể, có sự chứng kiến của nhiều người, đặc biệt là người bạn rất thân của anh – ca sĩ Nguyên Lộc. Không biết thực hư thế nào, nhưng qua cách kể chuyện của anh, mọi người đều tin đó là sự thật.
Sau khi kể xong câu chuyện, Hoài Linh đã xin một chiếc áo dài lúc sinh thời NSND Phùng Há thường hay mặc. Danh hài nói: “Mang chiếc áo dài này về, chắc sẽ có nhiều may mắn. Vong linh của NSND Phùng Há sẽ cho tui may mắn trong nghề nghiệp”.
Hàng năm, vào dịp giỗ Tổ ngành sân khấu (12/8 – Âm lịch), danh hài Hoài Linh vận áo dài, khăn đóng trang trọng, chủ trì lể cúng Tổ tại sân khấu Nụ cười mới (TP.HCM). Lễ giỗ Tổ thường được Hoài Linh tổ chức rất lớn, là địa điểm chiêm bái, khấn nguyện của nhiều nghệ sĩ. Hoài Linh từng nói: “Tổ nghiệp ban cho mình một cái nghề để cống hiến, được khán giả yêu mến, phải biết mang ơn Tổ. Đó là một đạo lý mà người nghệ sĩ phải biết”.
Theo Trí Thức trẻ